Trưng bày đồ nghề của “vua voi” Amakong

Thứ Bảy, 25/11/2017, 18:57
Ngày 25-11, Bảo tàng Dân tộc học khai mạc trưng bày “Voi Tây Nguyên”. Đáng chú ý, trong đó có bộ đồ nghề săn voi do ông Khăm Phết Lào (con trai “vua voi” Amakong) – người hiến tặng.

Với 40 hiện vật, 38 bức ảnh và phim video cùng hệ thống các bài viết được sắp xếp trưng bày theo 6 chủ đề: Tập tính chú voi; Bắt thuần dưỡng voi rừng; Chăm sóc voi; Voi trong đời sống kinh tế; Voi trong đời sống xã hội; Voi trong đời sống kinh tế.

Ông Khăm Phết Lào (giữa) tham gia cắt băng khánh thành Trưng bày voi Tây Nguyên.

Trưng bày “Voi Tây Nguyên” là một sự kiện quan trọng trong các hoạt động nhân dịp 20 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đến với công chúng. Đây là lần đầu bảo tàng trưng bày và giới thiệu về văn hóa của một số dân tộc ở Tây Nguyên thông qua hình ảnh con voi – một con vật có ý nghĩa đặc biệt với người dân vùng đất này.

Nói về bộ sưu tập bộ nghề săn voi, ông Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết, việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, khơi nguồn cho các hoạt động hiến tặng khác. Bộ đồ nghề săn bắt voi được lưu truyền từ đời ông nội của ông Khăm Phết Lào, đến đời bố ông là A Ma Kông và được ông cùng gia đình lưu giữ cẩn thận

Với tâm nguyện tiếp tục được gìn giữ, giới thiệu đến đông đảo người xem, đặc biệt là những  người trẻ tuổi, ông Khăm Phết Lào đã tin tưởng hiến tặng bảo tàng. Năm 2014, sau khi tiếp nhận bộ sưu tập từ ông, Bảo tàng đã thực hiện các bước bảo tồn, nghiên cứu để tiến hành trưng bày.
Dụng cụ bắt voi được trưng bày.

Tại cuộc họp báo diễn ra ngày 25-11, ông Khăm Phết Lào chia sẻ, từ bé ông đã theo cha đi săn voi. Trước mỗi cuộc đi săn voi, các cru (thợ săn voi) thường làm lễ với các sản vật như lợn, gà, rượu dâng thần linh. Sau lễ, những người thợ săn ăn uống, nói cười vui vẻ.

Gia đình ông Khăm Phết Lào bên chiếc bành mới hiến tặng Bảo tàng Dân tộc học.

Trước khi người chồng tham gia đoàn săn voi, gia đình luôn chặt một cái cây buộc ở cầu thang hoặc hàng rào. Đây là dấu hiệu để mọi người xung quanh nhận biết và không đến ngôi nhà này ít nhất trong vòng 3 ngày.

Hiện nay, nhà nước đang có nhiều hoạt động bảo tồn và phát triển loài voi, việc trưng bày “Voi Tây Nguyên” của Bảo tàng Dân tộc học cùng việc hiến tặng của ông Khăm Phết Lào rất có ý nghĩa đối với hoạt động này.

Cao Hồng
.
.
.