Tri ân Phó GS – Nhạc sỹ Ca Lê Thuần, vang lên tiếng hát trái tim

Thứ Sáu, 28/04/2017, 11:05

Nhân 100 ngày mất của Phó GS – Nhạc sỹ Ca Lê Thuần, Sở VH-TT phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức đêm nhạc “Việt Nam tiếng hát trái tim ta”, được diễn ra tối 27-4 tại Nhà hát TP.HCM. 


Với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Giao hưởng, Nhạc – Vũ kịch TP.HCM, Nhạc trưởng – Nghệ sĩ ưu tú Trần Vương Thạch và Nhạc trưởng Trần Nhật Minh, 9 sáng tác tiêu biểu của Phó GS- Nhạc sỹ Ca Lê Thuần lần lượt được cất lên tại khán phòng của Nhà hát Thành phố. 

Trong đó, phải kể đến 2 tác phẩm tiêu biểu là vở “Ngọc trai đỏ” và “Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga”. Đây là hai tác phẩm mang tính đột phá cao, vừa mang tính chất hiện đại vừa đậm chất nhạc Nam bộ, được xem như những thành tựu của nền âm nhạc hàn lâm TP.HCM. 

Phó Giáo sư – Nhạc sĩ Ca Lê Thuần, một nhà sư phạm, một nhà lý luận, một nhạc sĩ sáng tác và một nhà hoạt động chính trị - xã hội. Trong cả cuộc đời và sự nghiệp của mình, ông đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển của nghệ thuật âm nhạc nước nhà. 

Ông cũng là người đã định hướng, mở đường và tạo đà phát triển cho những khuynh hướng nghệ thuật nói chung và cho nghệ thuật âm nhạc nói riêng, với những đề xuất mang tính chiến lược cho sự phát triển lâu dài ở tầm cao như: Thành lập các nhà hát như nhà hát kịch, nhà hát giao hưởng, đặt lại vấn đề cải cách âm nhạc cho điện ảnh, âm nhạc cho sân khấu cải lương, kịch, múa, tổ chức những diễn đàn âm nhạc, đầu tư cho sáng tác và biểu diễn khí nhạc…

Là một nhà sư phạm có kiến thức uyên thâm, với phương pháp và bản lĩnh sư phạm khoa học, vững vàng, PGS-NS Ca Lê Thuần đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ sinh viên Nhạc viện TP.HCM.

Một số hình ảnh trong chương trình.

Với vai trò một nhà sáng tác, ông đã có được một số lượng tác phẩm khá lớn ở nhiều thể loại khác nhau. Chính sự nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực lý luận âm nhạc về mỹ học âm nhạc, và những kiến thức hiểu biết sâu rộng về nền âm nhạc bác học và âm nhạc dân gian, qua các tác phẩm và tài liệu ông để lại, là một tài sản quý giá đối với giới nghiên cứu cũng như công chúng thưởng thức thẩm mỹ âm nhạc. Điều rất thương quý là, mỗi tác phẩm của ông luôn phảng phất chất liệu của âm nhạc dân gian Việt Nam, đặc biệt là dân ca Nam bộ.

Lúc còn sống, ngoài công tác quản lý, giảng dạy và sáng tác, ông còn tham gia nhiều hoạt động khác cũng như đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Đại biểu Quốc hội các Khóa 7,8,9; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Phó Trưởng ban Văn hóa- Văn nghệ Trung ương, Ủy viên Hội đồng lý luận – Phê bình văn học Nghệ thuật Trung ương, Tổng Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam Khóa 4… 

Ông được trao tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước như Huân chương Lao động Hạng Nhất, Nhì; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cùng nhiều Huy chương, Kỷ niệm chương, Bằng khen của Trung ương và các tỉnh, thành phố.

Đậu Dung
.
.
.