Tỉnh táo để không bị cuồng ngôn tình

Thứ Hai, 01/08/2016, 09:53
(được hiểu nôm na là câu chuyện về tình yêu) đang làm mưa làm gió và thu hút không ít người đọc tại Việt Nam.

Thuộc dòng văn hóa đại chúng, ngôn tình không chỉ dừng lại ở sách mà còn được dựng thành phim, đi vào âm nhạc… khiến giới trẻ phát cuồng.

Bước vào một nhà sách dễ dàng nhận thấy sách ngôn tình có mặt gần hết quầy văn học dịch và được trưng bày ở vị trí bắt mắt, dễ tìm nhất. Trong đó dòng sách ngôn tình Trung Quốc có số lượng áp đảo so với ngôn tình phương Tây. 

Theo PGS.TS Trần Lê Hoa Tranh, Phó trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, sở dĩ ngôn tình Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường vì giá bản quyền của nó rất rẻ, các đầu sách lại rất phong phú. “Ngôn tình là một thể loại mà mọi nước đều có.

Ở Việt Nam thì “Phạm Công – Cúc Hoa”, “Lâm Sanh - Xuân Nương”... cũng được coi là ngôn tình. Phương Tây thì có “Cuốn theo chiều gió”, “50 sắc thái”… 

Riêng ở Trung Quốc, ngôn tình phát triển mạnh mẽ với số lượng áp đảo, trở thành một dòng văn học lớn và phân nhánh hẳn hoi. Việc sáng tác cũng dễ dàng, người ta có thể lên mạng viết rồi người đọc góp ý là có thể trở thành một tác phẩm” – TS Hoa Tranh phân tích.

TS Hà Thanh Vân, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ, cho biết ngôn tình Trung Quốc chia thành khoảng 50 loại. Tiêu biểu trong số đó là: Võng du (yêu ảo trên mạng), đam mỹ (chuyện tình đồng tính nam), bách hợp (đồng tính nữ), cổ đại (thời phong kiến), xuyên không (từ hiện tại trở về quá khứ)...  

Riêng ngôn tình Thái Lan, Hàn Quốc… được thể hiện nhiều trên phim. Mà cơn sốt gần đây nhất chính là chuyện tình quân nhân “Hậu duệ mặt trời” của Hàn Quốc.

Tại buổi giao lưu “Nỗi oan ngôn tình” do Công ty sách Nhã Nam diễn ra mới đây, nhiều giáo viên dạy văn đến tham dự cũng thừa nhận không chỉ học sinh, sinh viên mà chính họ cũng khó dứt ra được khi tò mò đọc truyện ngôn tình để biết. Nó thu hút vì cốt truyện hấp dẫn, vì tình tiết lâm li của tình yêu thơ mộng cộng với văn phong linh hoạt, trôi chảy. 

Bạn đọc Uyển Sương cho hay nhiều bạn bè của mình khi đọc ngôn tình xong đều đòi hỏi hoặc cố “gò” người yêu phải hoàn hảo như những “soái ca” trong truyện, phim. Khi không đạt thì đâm ra chán ghét, cáu bẳn, thất vọng với đời sống thật.

Cũng không ngạc nhiên với hiện tượng nhiều người “nói ngôn tình”, “ăn ngôn tình”, “ngủ ngôn tình”, thức đọc đến 3, 4 giờ sáng khiến công việc, học tập bê trễ. Còn nhớ giữa năm ngoái, khi Diệp Lạc Vô Tâm, tác giả của cuốn “Ngủ cùng sói”, đến giao lưu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhiều người lặn lội đến từ rất sớm. Cả hội trường chật kín bạn đọc trẻ chen chúc la ó để giao lưu, chụp ảnh với thần tượng. Đáng nói, “Ngủ cùng sói” bị đánh giá là đầu sách độc hại bởi có quá nhiều cảnh sex trần trụi, loạn luân. Nhiều đầu sách thì khai thác tình yêu trong giới xã hội đen sặc mùi bạo lực.

Ngay sau đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tạm ngừng cho đăng ký xuất bản dòng sách đồng tính hay dòng sách “H” khai thác sâu cảnh giường chiếu... Song loại sách này vẫn tràn lan trên mạng, người đọc dễ dàng truy cập.

Vết nhơ trên khiến trong mắt nhiều người, ngôn tình không hơn “tiểu thuyết ba xu”. Cây bút trẻ Ploy Ngọc Bích kêu gọi đừng định kiến với ngôn tình vì bản chất của nó không xấu. Ngôn tình không thiếu đầu sách hay, đầy đủ chất văn học, tiêu biểu là của các tác giả như Tân Di Ổ, Cố Mạn, Đường Hoa, Tào Đình... Đa số truyện ngôn tình đều hướng người ta đến những tình yêu cao đẹp, hướng thiện. Một số tác phẩm còn cung cấp kiến thức về văn hóa xã hội rất phong phú…

Để tiếp thu những cái hay, lành mạnh của ngôn tình, người đọc cần biết chọn lọc. Giới trẻ rất cần sự định hướng của thầy cô, gia đình để chọn đọc tác phẩm tốt thay vì bị cấm cản. Ngoài ra, cần phải tỉnh táo để không bị sống ảo trong thế giới ngôn tình bởi suy cho cùng truyện chỉ là hư cấu. 

TS Hoa Tranh khuyên độc giả nên dành thời gian đọc nhiều dòng sách khác nhau thay vì chỉ chăm chăm vào ngôn tình, như thế sẽ thu thập được nhiều kiến thức và có cái nhìn đa chiều hơn.

Quỳnh Nga
.
.
.