Thông điệp từ “Email lúc 0 giờ”

Thứ Ba, 17/01/2017, 08:34
Bạn làm gì vào 0 giờ. Ngủ, dĩ nhiên với một đa số gần như tuyệt đối. Phần thiểu số ít ỏi còn lại sẽ đọc sách, nghe nhạc, xem phim trong điều kiện cắm tai nghe, lướt facebook, chat... hoặc chỉ thao thức thế thôi.

Nhưng mà không ngủ để viết email, chuyển hóa những chiêm nghiệm của mình về văn hóa, cuộc sống, về nhân tình thế thái, rồi hình thành nên chuyên mục "Email lúc 0 giờ" trên ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng (Báo Nhân Dân) thì có nhà thơ Hữu Việt. Và, kết quả của những trăn trở ấy đã được xâu chuỗi trong tập sách nóng hôi hổi "Email lúc 0 giờ" do Nhà xuất bản Trẻ vừa ấn hành...

Bìa cuốn sách “Email lúc 0 giờ”.

Cuốn sách nhỏ nhẹ, dễ thương và chỉn chu từ trang bìa, đến những bài viết xinh xẻo bẽn lẽn trong ruột. Với giới hạn của một chuyên mục trên báo, vốn luôn được ấn định về số chữ, tác giả phải gói ghém điều mình bộc bạch sao cho trôi chảy vừa vặn.

Chỉ trong chưa tới một nghìn chữ, những băn khoăn thời cuộc, những chia sẻ từ sự tích lũy, quan sát cuộc sống... được bày ra và xử lý kín kẽ cũng chưa chắc đã là giản đơn dễ dàng với bất kì ai. Hữu Việt, vốn là nhà thơ nên kiệm lời đã thành thuộc tính.

Lại đi nhiều gặp gỡ nhiều biết nhiều, cả va chạm nhiều đọc nhiều nên anh đắp bồi một nền tảng tri thức đủ để chừng mực, điềm đạm, mà không cần phải tỏ ra hoạt ngôn hay cố tình khoe chữ, khoe sự hiểu biết. Cách rủ rỉ rù rì trò chuyện của Hữu Việt hợp với tản văn, và hợp hơn nữa với sự nhẩn nha thư thái đọc viết lúc 0 giờ.

Kiểu như ở đoạn kết bài viết mở dầu cuốn sách "Thêm vào và bớt đi", Hữu Việt kể: "Một nhà thơ trẻ mang bài thơ mới sáng tác tới gặp Basho để nhờ ông góp ý. Bài thơ như sau: Con chuồn chuồn đỏ/ Ngắt đi đôi cánh/ Quả ớt...Về mặt kỹ thuật, thì đây là một bài haiku hoàn chỉnh, nhưng Basho nghe xong không nói gì.

Để cho nhà thơ kia sốt ruột gặng hỏi, ông mới thủng thẳng góp ý: - Anh hãy thử đặt ngược các câu thơ lại: Quả ớt/ Chắp thêm đôi cánh/ Con chuồn chuồn đỏ. Vẫn ngần ấy câu chữ, nhưng khi thay đổi trật tự, và đổi từ “ngắt đi” bằng “chắp thêm” ta đã có một bài thơ haiku cực hay.

Con chuồn chuồn bị biến thành quả ớt làm sao có thể so sánh với quả ớt biết cất cánh bay! Cái hay nằm ở chỗ, nếu ta chưa tạo thêm sự nảy nở, sinh sôi cho cuộc đời, thì cũng đừng lấy đi những gì nó có. “Thêm vào” mà không “bớt đi” đôi khi chỉ giản dị như vậy thôi". Một cái kết súc tích, gọn ghẽ và đầy thú vị.

Hơn hai trăm trang sách “Email lúc 0 giờ” của Hữu Việt không thiếu những chi tiết cuộc sống được khái quát tinh tế kiểu như thế. Ở bài viết “Soi mói và mủi lòng hay sự sa ngã của truyền thông” anh bắt đúng bệnh của cái đám đông được gọi là “cộng đồng mạng”: “Gần đây người ta hay nói đến sự ra đời của ngành kinh tế có tên là “Sự chú ý”. Ở đâu có sự chú ý, ở đó sẽ có tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Vì vậy người ta tìm cách gây bằng được sự chú ý của đám đông, càng nhiều càng tốt, càng nhanh càng chiếm ưu thế. Và đôi khi họ làm điều đó bằng mọi giá, bất chấp những chuẩn mực xã hội.

Có thể nói, cộng đồng mạng hiện nay là một cộng đồng lớn nhất của thế giới ảo và lớn hơn bất cứ cộng đồng nào trong thế giới thật. Chính vì vậy, nó đã trở thành đối tượng, thành thị trường của “sự chú ý” mà khá nhiều kênh truyền thông chính thống và phi chính thống cùng tham gia.

Lẽ ra, đó phải là nơi lan tỏa những điều tốt đẹp mang hàm lượng tri thức, trí tuệ và thẩm mĩ cao, có sức tập hợp và cổ vũ cộng đồng thì, tiếc thay, thời gian gần đây nó đang dần sa ngã, trở thành chỗ cho những điều nhỏ bé, vụn vặt, tầm thường, lăn lóc như những mảnh sành của đời sống. Góp phần không nhỏ vào sự sa ngã ấy có những kênh truyền thông, trồng những “vườn cải” và cả “vườn ổi” trên mạng.

Đến một ngưỡng nào đó, cho dù các cơ quan quản lý buộc phải can thiệp, thì giữa môi trường thông tin mênh mông bể sở chẳng có sự kiểm soát nào bằng việc tự kiểm soát của chính những người làm truyền thông, với lương tâm và trách nhiệm cộng đồng”.

Từ chuyên mục định kỳ đến tập sách đang gây “hot” “Email lúc 0 giờ”, cộng thêm bộ ba tập sách cũng được tập hợp từ những bài viết chuyên mục: tập tản văn “Thấy” của họa sỹ Lê Thiết Cương, hai tập “Đối thoại trong năm” và truyện ngắn “Lửa không màu”, đã thêm một lần nữa khẳng định sự đổi mới, hướng tới cộng đồng, hướng tới bạn đọc của Nhân Dân hằng tháng, một ấn phẩm của Báo Nhân Dân…

Mi Sol
.
.
.