Tái bản 'Truyện Thúy Kiều' kèm tranh của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng

Thứ Năm, 12/11/2015, 20:16
Ngày 12/11, Nhã Nam cho biết, nhân kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, đơn vị đã tái bản tác phẩm Truyện Thúy Kiều - ấn bản do hai học giả Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.


Ấn bản này được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927 sau khi hiệu đính chi tiết.

Sau khi được nhà Vĩnh Hưng Long in hai lần, Truyện Thúy Kiều tiếp tục được Tân Việt, một nhà xuất bản lớn chuyên in sách giáo khoa, sách kinh điển, phổ biến kiến thức, tái bản rộng rãi… Từ năm 1958, nhà xuất bản Phổ Thông đã cho tái bản tiếp nhiều lần. Trong số các bản Kiều quốc ngữ, bản Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo đã được công nhận là bản được phổ biến sâu rộng hơn cả qua các thế hệ người đọc.

“Truyện Thúy Kiều” - ấn bản mới do Nhã Nam ấn hành.

Theo Nhã Nam, “Truyện Kiều” chỉ là tên gọi dân gian mà mọi người quen dùng để nói về tác phẩm, không phải là tên chính thức. Truyện Thúy Kiều  chính là tên tác phẩm mà các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đặt chính thức cho bản Kiều được hiệu đính, khảo dị của mình.

Trong phần “Tựa” của ấn bản, các học giả cũng có giải thích vì sao đặt tên là Truyện Thúy Kiều: “Truyện Thúy Kiều này nguyên lúc đầu tác giả nhan là Đoạn trường tân thanh. Sau nghe đâu ông Phạm Quý Thích đổi lại là Kim, Vân, Kiều tân truyện. Nhưng vì trong truyện chỉ có Thúy Kiều là vai chính, còn Kim Trọng và Thúy Vân là vai phụ cả. Nếu đề như vậy, thì e không hợp lẽ. Vả chăng tục thường gọi là truyện Kiều, thì chi bằng ta cứ theo thói thường mà nhan là Truyện Thúy Kiều, rồi ở dưới đề thêm tên cũ Đoạn trường tân thanh, gọi là để tỏ cái ý tồn cổ.”

Truyện Thúy Kiều đã được hai bậc học giả hàng đầu khảo cứu một cách kỹ lưỡng, chú giải điển cố, từ nguyên tường tận, song lại rất dễ đọc vì được trình bày theo cách tối giản, thuận tiện, nhằm mục đích chính là giúp bạn đọc hiểu và cảm được nội dung và tinh thần tác phẩm.

Với Truyện Thúy Kiều, độc giả có thể nhanh chóng vừa thưởng thức phần chính văn, vừa điểm qua những điển cố, chú giải cần thiết để hiểu sâu hơn văn bản. Trong khi đó, rất nhiều bản Kiều khác, nếu không quá sơ sài, thì lại nặng nề với những so sánh dị bản, dễ làm cho người đọc phổ thông lạc trong rừng chú thích, bảng biểu…

Truyện Thúy Kiều do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo được tái bản lần này chỉ sửa từ nếu đã trái chính tả. Ngoài ra, lần tái bản này có bổ sung thêm một số phụ bản tranh minh họa lấy từ Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942.

Đây là tập sách có bao gồm 11 bức tranh màu in trên giấy dó, của các họa sĩ Vịệt Nam hàng đầu thời bấy giờ: Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí, Lê Văn Đệ, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Đỗ Cung… Sách được xuất bản để lấy tiền sửa mộ, dựng bia kỷ niệm nhà văn Nguyễn Du vào năm 1942.

Bìa cuốn sách Truyện Thúy Kiều chính là bức tranh của cụ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng, từng là thủ khoa khóa I trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1930 và từng là người phụ trách việc trang trí kỳ đài trong lễ tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình.

N.H. – H.B.
.
.
.