Tác phẩm “Có tiếng người trong gió”: Rùng mình về cái ác, kêu về thiên lương

Thứ Bảy, 02/04/2016, 08:16
Từng giành giải A cuộc thi viết do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức với “Sát thủ online”, Nguyễn Xuân Thủy vừa ra mắt tác phẩm mới “Có tiếng người trong gió” (NXB Trẻ). Xuyên suốt câu chuyện là hành trình phá án đầy hy sinh, gian khổ và cả đấu trí vô cùng căng thẳng của lực lượng Công an, để lôi những kẻ phạm tội ra trước ánh sáng, tác giả đã đặt ra nhiều vấn đề nóng hổi của cuộc sống, giúp người đọc nhận diện cái ác.

Những trang văn ấm áp tình người ấy đã gây hiệu ứng không nhỏ tại Hội sách Mùa xuân 2016 ở Hà Nội và được NXB Trẻ tổ chức tọa đàm. Vì thế, PV Báo CAND đã có cuộc trò chuyện cùng nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (NV NXT):

+ Anh có thể chia sẻ lý do anh lựa chọn đề tài này cùng thông điệp mà anh muốn chuyển tải trong tác phẩm?

NV NXT: Tôi luôn bị ám ảnh bởi việc người ta bằng cách này hay cách khác lấy một quả thận, một lá gan, một quả tim của người này để ghép cho người khác. Câu chuyện sẽ nhân văn ở chỗ đó là sự tự nguyện và mang lại sự sống cho cả người cho và người nhận. Thế nhưng điều gì sẽ xảy ra khi sự sống của người này bị hoán đổi bằng sự sống của người khác? Và trong thực tế liệu đã có những kiểu cướp trắng quyền được sống như thế hay không? Thời gian ấy một số vụ bắt cóc trẻ em bị phanh phui, báo chí lên tiếng vài bữa rồi thôi, khi vụ việc khép lại. 

Nhưng với tôi thì nó lại mở ra một cảm hứng cho câu chuyện mình đang ấp ủ về những con người bị tước đoạt sự sống. Tôi tự hỏi nếu như vụ việc không bị phát hiện thì những đứa trẻ ấy sẽ được mang đi đâu? Con người từ bao giờ đã được coi như một thứ hàng hóa? Từ cơn cớ ấy, tôi đã tìm ra cách viết “Có tiếng người trong gió”. Tôi muốn mỗi bạn đọc cùng tôi thêm một lần nhìn nhận về cái ác, hình dung về cái ác, để bàng hoàng tại sao con người lại có thể ác đến thế.

Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy.
Bìa cuốn sách “Có tiếng người trong gió”.

+ Đánh án, ghép tạng, cả địa điểm chính của câu chuyện ở nước ngoài đều không phải là thế mạnh của anh, nhưng anh đã làm khá thành công. Anh có thể “bật mí” về điều này?

NV NXT: Ở cuốn sách mới này, bên cạnh những tri thức đầu vào bình thường tôi còn phải kiến tạo một hiện thực tưởng tượng. Tức là không phải những thứ có thể đi thực tế, thu nạp, tích lũy được từ trải nghiệm. 

Ở không gian tưởng tượng đó tôi được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức thả trí tưởng bay bổng ở biên độ xa nhất. Nhảy vào những khu vực “không phải là thế mạnh” cũng có cái kích thích khoái cảm riêng, cũng là để có một “đối cực” với không gian “nệ thực” trong tác phẩm. Ở đối cực này thì tôi phải thu nạp các kiến thức về ghép tạng, thậm chí trò chuyện với một vài người đã từng phẫu thuật cho – nhận tạng. 

Như chị thấy đấy, “Có tiếng người trong gió” có những 3 tuyến truyện song song với những xúc cảm thẩm mĩ khác nhau. Vì thế người đọc cũng sẽ được “chuyển vùng cảm xúc” trong suốt thời gian theo dõi cuốn sách. Còn việc “đánh án” thì đây không phải là lần đầu tôi viết kiểu tâm lí – hình sự. Trước đó, ở “Sát thủ Online” bạn đọc cũng đã biết được tôi “đánh án” như thế nào rồi.

+ Anh có “thâm nhập” vào chuyên án nào của lực lượng Công an về buôn bán người hay không để có những tình tiết, kể cả nghiệp vụ khá hấp dẫn?

NV NXT: Tôi chưa từng tìm hiểu cụ thể một chuyên án nào, mặc dù trong một vài chuyến thâm nhập vào lực lượng công an phía lực lượng rất sẵn sàng nếu tôi có nhu cầu. Nhưng việc tìm hiểu công việc của những người thực thi pháp luật cũng rất hữu ích. 

Chẳng hạn tôi có thể đối diện với những kẻ mắc án tử hình, đối diện với tội phạm khi đã ở sau song sắt để trò chuyện, để khám phá tâm lí của họ, thậm chí nghe họ kể chuyện đời họ… để rồi thấy rằng đó cũng là những con người, và tội ác là thứ bất kì ai cũng có thể vướng vào, như thể trong hàng triệu triệu bước chân suốt cuộc đời ta sẽ vô tình đá vào viên đá hòn sỏi lúc nào không biết trước.

+ “Có tiếng người trong gió” là sự đan quyện của 3 tuyến truyện song song vừa cụ thể trần trụi, vừa bảng lảng mơ hồ. Đây có thể coi là một xử lý sáng tạo của cá nhân anh?

NV NXT: Mỗi tác phẩm đều cần một hình thức mới mẻ và phù hợp. Đó cũng là điều băn khoăn của không chỉ tôi khi đặt bút viết một cuốn sách mới. Tìm một cách kể để lôi kéo bạn đọc đi hết vài trăm trang sách cũng là thách thức đau đầu. Nhất là ở ngày hôm nay, nếu đọc chục trang bạn đọc không tìm thấy lí do để tiếp tục họ sẽ bỏ sách xuống lướt Facebook, xem phim, đi shopping, ngủ hoặc đau lòng hơn là… tìm một cuốn sách khác thay thế. Không có nhiều bạn đọc kiên nhẫn để mò mẫm đọc đến trang cuối cùng xem rốt cục tác giả muốn nói gì. Trong rất nhiều chức năng của văn chương thì ngày nay, chức năng giải trí khá là quan trọng. Tôi mong muốn bạn đọc của tôi đã cầm sách lên thì không muốn đặt xuống nữa.

+ Tác phẩm mang màu sắc “trinh thám” mê dụ người đọc nhưng lại kết thúc bi kịch là do anh muốn tạo cho người đọc sự ám ảnh, hay vì thương số kiếp của nhân vật Đoan Đoan nên không muốn cô ấy kéo dài kiếp sống đau khổ nữa?

NV NXT: Mang màu sắc trinh thám là cụm từ mô tả khá chính xác tác phẩm của tôi. Có bạn đọc đã nhận xét, đọc cái tên “Có tiếng người trong gió” vừa có cảm giác trinh thám, vừa như thể ngôn tình, lại có vẻ giống truyện ma. Tôi có mượn yếu tố “giả trinh thám” như một thủ pháp mục đích chính là để… vượt lên trên một câu chuyện trinh thám. Gấp trang sách lại, điều còn lại, điều ám ảnh người đọc nhất phải là thân phận con người. 

Như là Đoan Đoan mà chị vừa nhắc. Chỉ từ một sai lầm nhỏ đầu đời đã khiến số phận cô ấy rẽ sang một hướng khác để dẫn đến một kết cục bi thương. Và cả những nhân vật khác như Phan Phan, Lâm Lâm… Họ xuất hiện rất ảo, rồi sẽ được giải ảo dần dần. 

Những nhân vật của tôi họ được/phải sống như những nhân vật trinh thám, với những tình tiết trinh thám, với những nổi trôi, mờ nhòe, ẩn hiện, hư thực… để rồi cuối cùng họ dần hiện hình thành những con người cụ thể, những thân phận cụ thể có hồ sơ lí lịch rõ ràng chứ không chỉ là sương là gió. Kết thúc trang sách cũng là lúc họ “hạ cánh” để bạn đọc nhận diện về họ bằng những giọt nước mắt.

+ Cảm ơn anh!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.