Sinh viên Đà Nẵng tham gia tọa đàm 'Chọn nghệ thuật để hạnh phúc'

Thứ Tư, 20/01/2016, 17:59
Đây là một mô hình nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống mới dành cho các bạn sinh viên tại TP Đà Nẵng có tên “ Toa Tàu hạnh phúc. Được lấy cảm hứng từ toa tàu hạnh phúc của trẻ em Nhật Bản trong tác phẩm “Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” (Kuroyanagi Tetsuko).

Ngày 20- 1, tin từ Trường Đại học Đông Á – Đà Nẵng: Nhằm chuyển tải thông điệp sống tích cực cho các sinh viên của trường, thông qua nhiều lớp học nghệ thuật, mà nổi bật nhất là các lớp vẽ kể chuyện. Nghệ sĩ, “Người lái tàu” Đỗ Hữu Chí (nghệ danh Bút Chì)  đã có buổi giao lưu nghệ thuật và truyền tải những kinh nghiệm sống, vượt lên khó khăn trong cuộc sống bằng câu chuyện của chính mình từ thuở còn là chàng sinh viên kiến trúc loay hoay tìm kiếm định hướng tương lai, đến khi sang Mỹ học Thạc sĩ chuyên ngành truyện tranh với học bổng Fulbright danh giá.

Quang cảnh buổi hội thảo nghệ thuật “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” của sinh viên trường Đại học Đông Á – Đà Nẵng.

Ngay trong buổi hội thảo, các bạn sinh viên và nghệ sĩ Bút Chì đã thảo luận về đề tài “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” với thông điệp: “Nếu một ngày nào đó bạn có ý nghĩ rằng cuộc sống này buồn quá thì đừng nghĩ là cuộc sống có lỗi khi làm cho bạn buồn. Chính bạn là người có lỗi vì cuộc sống ngoài kia còn đầy những chuyện vui, quan trọng là bạn có muốn nắm bắt và cảm nhận những niềm vui ấy hay không”. Để minh họa cho thông điệp tích cực này, anh Bút Chì đã chia sẻ với khán giả những thước ảnh sống động đang được trưng bày trong buổi triển lãm “Không buồn được” của nhiếp ảnh gia Maika, đang diễn ra tại Viện Goeth, Hà Nội…Hay  những sự kiện văn hóa ấn tượng và nổi bật nhất như: Bản nhạc “Imagine” được nghệ sĩ người Đức chơi trên đường phố Paris vào buổi sáng sau khi xảy ra vụ thảm sát nổ súng ở nhà hát Bataclan;  Về cái cách mà trang Fanpage “Humans of New York” đã chạm được vào trái tim của hàng triệu người trên thế giới, thông qua chuyện đời của những phận người bình thường nhất trong xã hội Mỹ…

Tại cuộc thảo luận, rất nhiều các bạn sinh viên cũng đã chia sẻ với quan điểm của diễn giả, rằng “Nghệ thuật chính là cái khoảnh khắc bạn nắm bắt và diễn tả được cảm xúc của mình qua nét vẽ”. Và đã là cảm xúc thì không có chỗ cho những đánh giá xấu, đẹp.

Được biết, với mục tiêu hỗ trợ sinh viên phát triển khả năng cảm thụ nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống, trường Đại học Đông Á đã thường xuyên tổ chức những hoạt động văn thể mỹ và các cuộc thi, hội thảo thu hút được sự chú ý của dư luận trong thành phố. Với sự tham dự của hơn 200 sinh viên Đại học Đông Á và cả các trường Đại học khác trong thành phố, buổi thảo luận “Chọn nghệ thuật để hạnh phúc” đã diễn ra vô cùng sôi nổi. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong chuỗi các sự kiện của nhà trường trong năm 2016.

Hoài Thu
.
.
.