Sài Gòn qua góc nhìn và cảm nhận của người trẻ

Chủ Nhật, 07/08/2016, 17:10
“Sài Gòn không chỉ là một cái tên mà còn là một lối sống” là điều mà nhà báo Trác Thúy Miêu cảm nhận và chia sẻ trong buổi talkshow “Sài Gòn, ngõ ghét đường thương” được tổ chức sáng 7-8 tại Nhà ga 3A (Quận 1, TP Hồ Chí Minh)...

Buổi talkshow “Sài Gòn, ngõ ghét đường thương” do nhóm Humans of Saigon tổ chức nhằm giúp công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ có góc nhìn đa chiều hơn về mảnh đất này. Những cảm nhận, góc nhìn về Sài Gòn và con người nơi đây cũng được kể lại, sẻ chia bởi những chính những người tham gia.

Các bạn trẻ hào hứng tham gia trả lời một câu hỏi về kiến thức Sài Gòn trong buổi talkshow

Tại đây, hai khách mời chính là nhà báo Trác Thúy Miêu và nhà thơ Bùi Chí Vinh, tác giả bộ truyện Ngũ quái Sài Gòn, cùng gần 250 bạn trẻ tham gia được dịp bày tỏ tình yêu, kể lại những câu chuyện đầy tình người ở chính thành phố này mà họ đã chứng kiến. 

Nhà báo Trác Thúy Miêu và nhà thơ, tác giả Bùi Chí Vinh trong buổi trò chuyện với các bạn  trẻ sáng nay.

Đó là nhóm thanh niên đội mưa đẩy chiếc xe buýt chết máy ngay ngã tư Hàng Xanh vào lề đường để tránh kẹt xe, là những lần bạn bị ngã xe được chú xe ôm gần đó chạy đến đỡ giúp, là lần đang chạy ngoài đường mà xe hết xăng thì được những người tuy không quen biết nhưng hào phóng nơi đây giúp đỡ, những con người có thể mãi không ai biết được tên, bởi sau đó là cái xua tay cùng nụ cười “không có gì đâu”, họ được gọi bằng cái tên trìu mến, dễ gần người Sài Gòn.

Bạn Nguyễn Phương Bình – sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM chăm chú xem những bức ảnh được trưng bày trong triển lãm. “Dù chỉ là một bức ảnh, một con người nhưng mình cảm thấy như là cả một câu chuyện đã được kể ra, rất bình dị, chân tình, đầy màu sắc cuộc sống.”, bạn chia sẻ

Qua cái nhìn của người trẻ, Sài Gòn như người thân ruột thịt, hào nhoáng và phóng túng. Họ đã nhìn và cảm nhận Sài Gòn khác đi qua những việc làm tử tế, những hành xử có văn hóa như thế.  

Chị Lê Vân, một người theo dõi talkshow chia sẻ: “Điều khiến mình yêu nhất ở Sài Gòn có lẽ là con người. Mình không phải người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Khi mình vào Sài Gòn thì cảm thấy con người ở đây rất thân thiện, cởi mở và người Sài Gòn họ đón nhận mình như là người con thân thuộc. Mình ở đây và mình cảm thấy thật sự mình thuộc về  mảnh đất này”.

Một bạn trẻ khác cũng đứng rất lâu trước những bức ảnh, và có lúc lại đưa máy ảnh của chính mình lên để chụp lại.

Bên cạnh tình yêu dành cho đất và con người Sài Gòn, các bạn trẻ và khách mời còn nói lên những trăn trở, những bận tâm tại thành phố sôi động nhất nước này. Đó có thể là một Sài Gòn bị pha loãng, không đặc trưng khi một số người đến đây vô tình mang theo cả sự xô bồ trong hành vi ứng xử làm cho cái nhìn về Sài Gòn trở nên e ngại hơn, đa nghi hơn.

Một góc trong triển lãm về con người và vùng đất Sài Gòn

Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra triển lãm với 60 bức ảnh là những câu chuyện đặc sắc, những hình ảnh bình dị của người Sài Gòn do những bạn trẻ thành viên nhóm Humans of Saigon ghi lại được trên khắp những con đường, ngỏ hẻm của Sài Gòn.

Humans of Saigon là tổ chức phi lợi nhuận do các bạn học sinh – sinh viên thành lập, nhằm truyền tải hình ảnh và chia sẻ những câu chuyện đời thường của những người đang sinh sống, lớn lên và làm việc tại Sài Gòn. Trước đó, nhóm tổ chức triển lãm ảnh Người Sài Gòn kể chuyện thu hút hơn 1.000 người tham dự.

MINH NGỌC
.
.
.