Lần đầu tiên công bố 32 thi phẩm của nhà thơ "Ta còn em"

Thứ Ba, 24/04/2018, 22:05
18h chiều ngày 24-4, tại Trung tâm văn hóa Pháp L'space (24 Tràng Tiền, Hà Nội) đã diễn ra buổi tọa đàm “Em ơi Hà Nội phố” nhân dịp ra mắt tập thơ “Ta còn em” của tác giả Phan Vũ.


Buổi tọa đàm có sự tham gia của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, nhà văn Nguyễn Trương Quý cùng nhiều nhà văn, nhà thơ và đông đảo những người yêu mến thơ Phan Vũ. 

Dù rất mong muốn được hội ngộ khán giả nhưng do sức khỏe không được tốt, nên tác giả Phan Vũ đã không thể có mặt tại buổi tọa đàm như thông báo ban đầu. 

Ông Emanuel Labrande, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espce khai mạc buổi tọa đàm.
Các khách mời buổi tọa đàm

Buổi tọa đàm đã trao đổi, bình luận về cuộc đời, sự nghiệp và những tác phẩm của nhà thơ Phan Vũ. Nói về tác giả Phan Vũ, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá ông là điển hình của một thế hệ ra trận vì nghĩa lớn, đầy nhiệt huyết và lý tưởng, nhưng Phan Vũ vẫn là chàng lãng tử hào hoa và mê Hà Nội say đắm.

Tập thơ “Ta còn em” tuyển chọn những tác phẩm hay nhất của Phan Vũ, trong đó, có trường ca “Em ơi! Hà Nội phố” và 32 bài thơ chưa từng được công bố. Đặc biệt, tập thơ còn có 14 bức tranh minh họa do chính tác giả Phan Vũ thể hiện. 

Nổi bật nhất trong tập thơ chính là trường ca “Em ơi Hà Nội phố” gồm 23 khổ 440 câu, là bức tranh Hà Nội năm 1972 đẹp lộng lẫy, chân thật mà cũng đầy đau thương và bi tráng. “Tuy không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nhưng chỉ với “Em ơi! Hà Nội phố”, Phan Vũ mãi mãi là nhà thơ của riêng Hà Nội" - biên tập viên Diệu Thủy chia sẻ. 

Với những hình ảnh thơ chất chứa, đặc biệt là cảm thức về hội họa đậm nét trong thơ, tập thơ “Ta còn em” được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đánh giá là “khắc họa cả một đời thơ của Phan Vũ.”.

Nhà thơ Phan Vũ sinh năm 1926. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, là tác giả của nhiều tác phẩm được công chúng ái mộ: tập thơ Hà Nội – Phố, kịch “Lửa cháy lên rồi” (giải Nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam, 1955), Thanh gươm và Bà mẹ, kịch bản phim “Dòng sông âm vang”,… 

Bên cạnh đó ông từng đạo diễn các phim "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại…". Nhiều năm trở lại đây, người ta lại biết đến Phan Vũ nổi bật trong vai trò của một họa sĩ, ông đã có không ít các cuộc triển lãm tranh ở trong và ngoài nước.

Trường ca "Em ơi Hà Nội phố" được Phan Vũ viết vào mùa đông năm 1972 khi Hà Nội bị bom B52 đánh phá ác liệt. Đến năm 1985, trong lần Phan Vũ gặp Phú Quang, nhạc sĩ đã lấy 21 câu thơ trong bài và phổ nhạc tạo thành ca khúc nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố”.
Ngọc Nhật
.
.
.