Phỗng đất: Đồ chơi truyền thống đang chìm vào lãng quên

Thứ Hai, 03/12/2018, 07:58
Thời ông cha ta xa xưa có rất nhiều loại đồ chơi truyền thống chứa đựng những ý nghĩa lịch sử, văn hoá của dân tộc, nhưng đến nay đa số các món đồ chơi đó đã bị chìm vào quên lãng, trong đó có con phỗng đất.

Ấy thế mà, tại Thuận Thành, Bắc Ninh, có một cặp vợ chồng già vẫn miệt mài với nghề làm phỗng đất như một cách lưu giữ truyền thống.

Phỗng đất - một món đồ chơi truyền thống đã rất lâu rồi không nghe đến. Phỗng đất "mất tích" trên thị trường đồ chơi bởi trẻ con bây giờ có nhiều đồ chơi hiện đại hơn... Cho dù, thời xưa đây là đồ được bày trong đền chùa và là đồ chơi của trẻ con.

Thế mà ông Phùng Đình Giáp - 67 tuổi (thông Đông Khê, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) cùng với vợ là bà Nguyễn Thị Điểu, đã gần nửa thế kỷ nay vẫn cứ miệt mài, đau đáu với phỗng đất - món đồ chơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử, văn hoá của dân tộc Việt Nam.

Gần 60 năm trước, khi ông Giáp mới chỉ là một cậu bé thì nhà ông đã làm phỗng đất, cho đến bây giờ ông nhớ mang máng hồi bé được ông nội dạy cho ban đầu là ngồi nặn rồi khi lớn dần mới tham gia làm các công đoạn khác phức tạp hơn. Lớn lên, nối nghiệp cha ông, ông Giáp tiếp tục nghề truyền thống của gia đình. "Nghề này tôi làm không phải vì tiền mà vì mong muốn giữ gìn nét văn hoá của dân tộc Việt Nam...", ông Giáp chia sẻ.

Bộ phỗng đất truyền thống gồm 5 nhân vật.

Theo truyền thống, ngoài những ông phỗng đất được bày ở đền, chùa thì còn có một bộ phỗng đất được bày ở nhà gồm 5 nhân vật và mỗi nhân vật lại mang một ý nghĩa khác nhau nhưng liên kết với nhau: con chim tượng trưng cho khát vọng hoà bình; con rùa gắn với biển cả và trong tâm linh của người Việt thì là một biểu tượng thiêng liêng; người già và em bé tượng trưng cho sự nối tiếp truyền thống còn con phỗng hình Phật thường được đặt ở giữa có ý nghĩa tâm linh, giáo dục thế hệ sau này sống đúng mực, hiền lành. Có thể thấy rằng, từ xa xưa ông cha ta đã lồng ghép ý nghĩa giáo dục vào những món đồ chơi đơn giản.

Con phỗng đất nhìn đơn giản, thật sự không được hào nhoáng như đồ chơi bây giờ, nhưng để làm được phỗng đất phải thực hiện đủ 7 công đoạn, tốn khá nhiều thời gian và đòi hỏi bàn tay tài hoa của người nặn. Phỗng đất được làm từ đất thó (hay còn gọi là đất sét), đất này được đào ngoài ruộng và chỉ từ độ sâu 3 mét mới có, ở Việt Nam có nhiều loại đất thó như vàng, đen, trắng nhưng riêng ở Bắc Ninh có hai loại là vàng và đen. Đất này mang về phơi khô, nhìn ngoài tưởng cục đá rồi mang ra đập và sàng lấy bột mịn như bột mỳ.

Trong khi làm đất thì cũng đồng thời ngâm giấy, ngày xưa ông Giáp dùng giấy bản, bây giờ giấy này ít nên ông phải dùng giấy báo. Giấy được ngâm trong nước cho đến khi mủn ra, trung bình khoảng hơn 1 tuần giấy sẽ mủn thành một chất sền sệt đặc quánh. 

Lúc này giấy và bột đất thó được trộn vào với nhau bằng tay, và đập cho đến khi hoà quện lại không biết đâu là giấy, đâu là đất nhưng phải đạt một tiêu chuẩn là không được dính tay, để vậy phải trộn và đập thật nhuyễn, thật mịn. Đất nặn đã đủ thì đến khâu tạo hình, ngày xưa phỗng đất chỉ có 5 nhân vật truyền thống hoặc một vài nhân vật được làm riêng cho nơi thờ cúng nhưng bây giờ ông Giáp còn sáng tạo thêm các hình tượng khác như 12 con giáp, rồi làm theo chủ đề từng năm...

Ông Giáp nặn tượng với sự tập trung và tỉ mỉ cao độ, bàn tay ông với móng ngón tay cái dài vuốt ve, thổi hồn vào những hòn đất vô tri vô giác. Tượng sau khi nặn sẽ được phơi khô khoảng 3-4 ngày tuỳ thời tiết và hoàn toàn tránh nước, trước khi được phủ lên hồ trắng.

Hồ trắng ở đây là một hỗn hợp gồm bột hồ điệp trắng, hồ nếp pha với nước và quấy bằng tay rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn, từng giọt hồ chảy thật chậm rơi từng giọt qua kẽ tay mới đạt tiêu chuẩn. Tượng sẽ được quét 2 lớp hồ trắng, giữa hai lần quét tượng lại được phơi nắng sau đó sẽ tô màu lên tượng. Màu tô cho phỗng là màu sặc sỡ, chủ đạo là đỏ, vàng, xanh... đây cũng là những màu truyền thống mà chúng ta hay thấy ở các đền chùa, hoặc ngay trên con tò he.

Hiện nay có hai loại phỗng đất, loại được tô màu sẽ được phủ lớp hồ trắng, loại không phủ hồ sẽ được đánh bóng bằng cật tre hoặc miếng phóc mi ca cuốn tròn. Ngày xưa, vào dịp Trung thu nhà nào cũng phải có một bộ phỗng đất, đó vừa là truyền thống bày lên mâm Trung thu, vừa là một món đồ chơi của trẻ con vào ngày thường. 

Không ai nhớ rõ giá một bộ phỗng đất ngày đó bao nhiêu, nhưng bây giờ, một bộ phỗng đất truyền thống mà ông Giáp làm cũng chỉ có giá tầm 300 nghìn đồng, rồi những con nhỏ hơn cũng chỉ có giá vài chục nghìn. Nếu so sánh với đồ chơi hiện nay về giá thì phỗng đất rẻ hơn rất nhiều và lại mang ý nghĩa văn hoá lớn.

Phong Sơn
.
.
.