Phim Việt cần có chiều sâu văn hóa và bản sắc dân tộc

Thứ Hai, 01/05/2017, 11:14
Trở lại Việt Nam cùng bộ phim "Công binh – Đêm dài Đông Dương" trong buổi chiếu tối 23-4 tại Hà Nội, tác phẩm đã ghi dấu ấn đậm nét khi kéo lịch sử về với hiện tại để giả nỗi hàm oan cho hàng ngàn con người, hay còn gọi là “Lính thợ”; đạo diễn Việt kiều Pháp Lê Lâm đã chia sẻ những suy nghĩ về nền điện ảnh Việt Nam hiện tại và hướng mà những bộ phim Việt Nam nên đi để có thể vươn tới tầm quốc tế.

Vội vàng chạy lên phòng chiếu phim canh giờ chương trình giao lưu rồi lại dồn chân trở xuống cầu thang trả lời phỏng vấn, đạo diễn Lê Lâm bắt đầu với điều đưa mình tới với điện ảnh. Sinh năm 1948, tại Hải Phòng; năm 18 tuổi ông sang Pháp theo ngành toán và có bằng Thạc sĩ nhưng với ông, con đường toán học chỉ là duyên chứ không phải phận.

Dù sống tại nước Pháp xa xôi nhưng thời điểm chọn bước đi cho tương lai của mình, ông đã luôn tự hỏi: “Điều gì có thể làm để quảng bá đất nước Việt Nam của tôi ?”, và khi ấy phim ảnh xuất hiện, mang ý nghĩa của một câu trả lời.

Năm 1980 là mốc đánh dấu trên con đường điện ảnh của Lê Lâm khi bộ phim Long Vân Khánh Hội được trình chiếu. Sau một năm, bộ phim đầu tay dài 43 phút, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt này được cử đi dự giải của Liên hoan phim Cannes; với ông đó là một nấc thang lớn của sự nghiệp.

Nhắc về lần đầu công chiếu, ông vẫn đầy ắp niềm tự hào khi đứng trước khán giả quốc tế và được chia sẻ bằng tiếng Việt; sự ghi nhận này khiến môn nghệ thuật thứ bảy càng thêm quyện vào ông. Sau thành công ấy, năm 1982 ông được mời về Việt Nam để tiến hành dự án phim “Đế chế tàn lụi” (phim được quay tại Việt Nam với diễn viên hai nước Pháp – Việt, sẽ chiếu tại Hà Nội trong tháng 5 tới đây).

Dưới bàn tay ông, bộ phim tiếp tục được đề cử dự giải tại liên hoan phim Venice. Một bộ phim tiếng Việt mà lại đại diện cho điện ảnh Pháp, theo ông là một trường hợp rất… thú vị.

Đạo diễn Lê Lâm đến với điện ảnh năm 28 tuổi, thời điểm mà ông cho là đã khá muộn. Nhưng đó là một sự may mắn bởi ở tuổi ấy ông đến với phim ảnh bằng sự trưởng thành, hiểu biết hay một “phông nền đa dạng”. Ông đặt câu hỏi rằng điện ảnh tại nhiều nước châu Á như Philippines, Thái Lan năm nào cũng có tác phẩm góp mặt tại các liên hoan phim như Cannes, Venice tại sao chúng ta lại chưa thể góp mặt?

Trả lời cho điều này, theo đạo diễn Lê Lâm cần nhìn thẳng vào nguyên nhân, tìm hiểu lý do cụ thể là gì chứ đừng đặt kế hoạch trong tương lai chung chung. Trong năm 2016, trên cương vị là Ban giám khảo Giải thưởng Cánh diều vàng, ông đã xem rất nhiều bộ phim Việt ăn khách, được xây dựng trên nền kỹ thuật không kém gì các phim ngoại quốc nhưng tính giải trí chiếm chủ đạo, không có hoặc thiếu chiều sâu.

Ông nhận xét rằng điện ảnh Việt Nam càng ngày càng đi vào con đường phim giải trí, thị trường và dựa quá nhiều trên kỹ thuật. Mà so sánh về kỹ thuật thì các nước trên thế giới họ phát triển rất nhanh, ta đi một, hai bước thì họ đã tiến rất xa. Đơn cử như Liên hoan phim Cannes, mỗi năm ra rất nhiều phim mới với cách dựng, kỹ thuật, ngôn ngữ mới; đó cũng là điều ta cần chú ý để theo kịp.

Để tạo được vị trí cho nền điện ảnh Việt, vị đạo diễn từng nhận Huân chương Hiệp sĩ nghệ thuật và văn học Pháp cho rằng những biểu trưng của văn hóa dân tộc nên được chú trọng để đưa vào phim. Thay vì xu hướng thị trường hóa, giải trí hóa các bộ phim thì có nhiều đề tài hay mang bản sắc riêng đang chờ khai thác. Hào hứng chia sẻ về lớp trẻ làm phim kế tiếp, ông nhìn thấy rất nhiều triển vọng; tất cả những điều họ cần là sự hướng dẫn, chỉ lối để trở nên tốt hơn.

Bộ phim "Công binh – Đêm dài Đông Dương" lên tiếng về sự thật bi kịch của những người bị thực dân Pháp cưỡng bức sang Pháp lao động khổ sai từ những năm 1939. Hơn 2 vạn thanh niên Việt Nam tuổi mười tám, đôi mươi phải lao động khổ cực, bị đối xử đúng nghĩa của từ “nô lệ”. Suốt những năm tháng ấy, họ bị dán nhãn “theo Pháp” để rồi mang điều tiếng.

Lần công chiếu này tại Hà Nội có sự tham gia của những người con các “Lính thợ” năm xưa. Qua bộ phim, những người chưa từng gặp, chưa một lần được gọi tên cha mình được thấy lại cuộc đời người ruột thịt nơi phương xa.

Trung Hiếu
.
.
.