Nỗi đau lặn vào tim để những vần thơ rung cảm ra đời…

Chủ Nhật, 19/06/2016, 19:58
Cả nước bàng hoàng khi chỉ trong vài ngày, 2 chiếc máy bay cùng gặp nạn trên biển; một phi công hy sinh, 9 người khác còn đang mất tích. Mất mát quá lớn lao này để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng nhân dân.


Nỗi đau thăm thẳm ấy đã rung ngân trong trái tim biết bao nhà văn, nhà thơ Việt Nam, để chỉ trong vài ngày, hàng loạt bài thơ dành cho những người lính quả cảm ra đời, như những tiếng nấc nghẹn ngào thay bao người gửi đến người chiến sĩ đã hy sinh, đến gia đình các anh nỗi đau cả sâu sắc, sự sẻ chia chân thành. 

Thượng tá Trần Quang Khải, người duy nhất trong 10 chiến sĩ mất tích đã "trở về"

Mỗi câu thơ, bài thơ đều là những tâm sự chân thành rằng, dẫu nằm giữa trùng khơi sóng vỗ điệp trùng, anh linh của các chiến sĩ cũng không cô đơn, lạnh lẽo. Bởi ở phía đất liền luôn dành cho các anh sự ấm áp ngóng chờ, dẫu là dằng dặc cách chia …

Gắn bó cả cuộc đời với binh nghiệp, Đại tá, nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh cảm nhận một cách mạnh mẽ những mất mát, hy sinh của đồng đội. Nỗi đau trước sự ra đi của những người lính không chỉ rơi thành những giọt nước mắt mặn mòi như muối biển, mà còn lặn sâu vào tim, để bật ra những câu thơ chạm đến trái tim mọi người.

Khi biết rằng, việc ngóng chờ những người lính sống sót trở về đã hoàn toàn vô vọng, sáng 19-6, Sương Nguyệt Minh đã viết bài thơ “Mười hạc trắng bay cao” với những hình ảnh rất đẹp và xúc động: “Không ai muốn thắp mười ngọn nến/Nến vẫn cháy thành chục vành xe lửa/Lửa đang đốt chói chang mùa hạ/Hạ cứ đi không đợi mùa sang/Không ai muốn mười hạc trắng bay cao/Thả tiếng kêu tao tác trưa hè/Lá xanh rụng bời bời trên ngọn sóng/Vòm cao xanh ứa nhựa lá vàng/Nến cứ cháy, đến tận cùng vẫn đốt/Quay đầu là bờ... đâu phải hạc. Cứ bay!”.

Đồng đội đón thi thể Thượng tá Trần Quang Khải về đất liền

Từng nhiều năm là bộ đội trước khi chuyển sang lực lượng Công an nên Đại tá, nhà thơ Đặng Vương Hưng cũng cảm nhận được nỗi mất mát này với đồng đội. Lời nhắn gọi “Trở về đi các anh ơi” chứa chất bao tình cảm da diết, thiết tha, mà không bi lụy: 

“Lặng nghe Tổ quốc gọi tên/Từ dưới sâu thẳm từ trên cao vời/Từ mênh mông giữa biển khơi/Ai còn sống? Hãy trả lời ngay đi!/Những chuyến bay giữa hiểm nguy/Không ai muốn tự khắc ghi tên mình/Máu vẫn đổ giữa thời bình/Và bao nước mắt ân tình vẫn rơi.../Trở về đi các anh ơi!/Nỗi đau khó nói thành lời biển xanh/Lắng nghe Tổ quốc điểm danh/Những linh hồn lính hoá thành mây bay…”

Khi Thượng tá Trần Quang Khải, một đồng hương Bắc Giang của Đặng Vương Hưng, đã trở về đất mẹ, còn những người đi tìm anh vẫn “bặt vô âm tín”, Đặng Vương Hưng đã cảm nhận được sự tuyệt vọng về sự sống của những người lính trên chiếc CASA để có thêm bài thơ “Nhìn ngôi mộ gió mà đau” hết sức xúc động. 

Anh tâm sự: Nước biển mặn vì có nước mắt của bao người? Sóng biển to bởi những tiếng khóc từ bao đời? Không ai muốn điều xấu nhất sẽ xảy ra, dù chỉ còn phần nghìn tia hy vọng, vẫn mong đợi các anh trở về, như cuộc sống luôn có phép nhiệm màu. 

Và những câu thơ ra đời: “Những ngôi mộ trống người nằm/Cho hồn lính biển âm thầm gọi nhau/Nhìn ngôi mộ gió mà đau/Những ai nằm dưới biển sâu chưa về?/Biển còn sóng gió bốn bề/Người còn mãi mãi lời thề nước non...”.

Đồng đội đón Thượng tá Trần Quang Khải về đất mẹ.

Nữ nhà thơ Bình Nguyên Trang cũng không giấu được nỗi buồn trước mất mát quá lớn này của đất nước. Nhưng những câu thơ của Bình Nguyên Trang không chỉ dừng ở những tiếc thương thăm thẳm dành cho những người lính vừa “đi xa”, mà còn là những điều lớn lao hơn cho người còn sống và điều đó làm nên sức nặng của bài thơ:

"Những ngày thật buồn đất nước tôi/triệu con tim quặn thắt/đau nỗi đau từ mênh mông phía biển/những người lính áo xanh/mắt cười như mùa thu ngời nắng/đã khép lại rồi/Đã ngừng đập rồi những trái tim nồng nàn tình yêu Tổ Quốc/… bao dấu hỏi như mắt người thao thức/sóng gió còn đến từ đất liền, đâu chỉ sóng biển Đông/Xin các anh linh thiêng/phù hộ cho những người ở lại/biết yêu nhau hơn, không chỉ biết yêu mình/biết cho đi cao cả nghĩa tình/biết nói nhiều hơn lời từ tâm, chúng ta đã chán mọi ngôn từ dối trá/sống vì nhau vẹn hai tiếng đồng bào…”

Nhà thơ Lữ Thị Mai cũng gửi gắm nỗi đau nhức nhối của mình vào những câu thơ: “Manh áo xanh nay hòa cùng máu đỏ/Chỉ người đi thấu rõ đến bơ phờ/Phút cuối cùng biển dội sóng vào ta/Ta bất lực trước nỗi đời quá rộng/Và nước mắt chợt mênh mông như thể/Ta chẳng khóc gì vẫn dâu bể đại dương/…Đôi mắt người thăm thẳm giữa không trung/Đồng đội cách nhau chỉ ngang tầm tay với/Vừa thấy đó sao đã thành vời vợi/Tao tác chòm mây trắng xóa buổi động trời/Nỗi đau ấy không còn biên giới/Người ra đi như một ánh sao ngời/...”.

“Cổ tích” là sáng tác của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, để nỗi lòng được hòa vào nỗi đau chung của xã hội dành cho những người lính: “SU mất tích, rồi CASA mất tích/Không biết mình sẽ mất tích lúc nào/Chỉ tình yêu con người là bất tử/Mãi thắm nồng chuyện cổ tích TRẦU CAU”.

Lên tiếng từ tình cảm chân thành, từ nỗi đau đồng vọng trước sự hy sinh của những người lính giữa thời bình, những câu thơ dạt dào cảm xúc đã nhanh chóng rung ngân trong trái tim người đọc, làm nên sự lan tỏa. Điều này cũng thêm một lần cho thấy, nhân dân luôn tin yêu và kính trọng sự hy sinh của những con người vì sự toàn vẹn của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Sự vinh danh ấy là hoàn toàn xứng đáng! 

Những tình cảm thiêng liêng ấy cũng như một lời nhắc nhở chúng ta phải biết sống vì khát vọng lớn lao của đất nước, thay vì chỉ biết quẩn quanh với những lo toan chỉ cho riêng mình…

Thanh Hằng
.
.
.