Triển lãm Nhân Dân - Tranh trên báo cũ

Triển lãm Nhân Dân - Tranh trên báo cũ: Đánh thức ký ức

Thứ Ba, 08/03/2016, 08:54

Khai mạc sáng 8-3 trong khuôn viên lịch sử của trụ sở 71 Hàng Trống (Hà Nội), ngay dưới gốc đa di sản, Triển lãm Nhân Dân - Tranh trên báo cũ chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu quy tụ sự tham gia của 21 họa sỹ, mà nhiều trong số đó là những tên tuổi nổi trội nhất của mỹ thuật Việt Nam đương đại.


Với mong muốn nối dài sức sống cho những trang báo cũ, đánh thức những hồi ức xưa, làm mới một chất liệu từng là lựa chọn của nhiều danh họa trong quá khứ, Triển lãm Nhân Dân - Tranh trên báo cũ đã lan tỏa và cộng hưởng sự sáng tạo trước cả khi chính thức ra mắt công chúng rộng rãi...

Một thời đã xa, giai đoạn kháng chiến chống Pháp và những tháng năm bao cấp khốn khó, báo cũ đã là cảm hứng cho nhiều bậc thầy như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... đơn thuần bởi khó để tìm cho ra giấy vẽ, toan vải, sơn dầu...

Buổi sáng trên bãi biển Mỹ Khê - Bột màu của Phạm Luận trên giấy Báo Nhân Dân hằng tháng số 6-2015.

Từ một chất liệu bị động, báo cũ thành đam mê để tung hứng của không ít họa sỹ và tạo nên những thành công nhất định. Kỷ niệm 65 năm ngày ra số đầu (11-3-1951), đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất, ý tưởng mời các họa sỹ sáng tác trên nền những trang báo cũ thuộc tất cả ấn phẩm báo ngày, Nhân Dân cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, Thời nay... đã được triển khai và may mắn nhận sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả đã quá thành danh: Đặng Xuân Hòa, Thành Chương, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Lê Thanh Sơn, Đỗ Hoàng Tường, Đinh Quân, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Thiết Cương, Đặng Tiến, Vy Kiến Thành, Phạm An Hải, Lý Trực Dũng, những gương mặt nữ Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Thị Hồng Phương và những 7X đang sung sức: Doãn Hoàng Lâm, Trương Tiến Trà, Phạm Trần Quân, Phạm Hà Hải... Thời bây giờ chất liệu ê hề, sự khan hiếm không còn tượng hình một mối lo, thách thức chỉ là tương tác được giữa cá tính nghệ thuật của từng người với trang báo cũ có chữ lẫn hình lẫn những thông tin đã chuyển tải tới độc giả.

Cánh đồng đoàn kết- Chất liệu tổng hợp của Đào Hải Phong trên giấy Báo Nhân dân ngày 1-7-2015.

"Thế hệ của chúng tôi ngày nay có nhiều vật liệu cao cấp nhưng vẽ trên chất liệu báo cũ rất thích thú vì được trở về và sống lại với tuổi thơ mình, được nhìn thế hệ cha anh sáng tác ngày xưa trên giấy báo, việc ấy tạo cảm hứng rất lớn cho các họa sĩ sáng tác" như bộc bạch của họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ...

Họa sỹ Đinh Quân cũng coi đây là dịp để đánh thức nỗi nhớ tháng năm: "Ngày xưa chỉ có chất liệu bột màu trộn keo da trâu (hoặc hồ). Thế nhưng may mắn là nó lại mang lại hiệu quả rung động trong sự thiếu thốn. Tranh rất đẹp vì giấy báo vốn xốp, dễ ăn màu. Từ ngày còn sinh viên, chúng tôi thường được trường cấp giấy báo để vẽ tranh nên không còn xa lạ gì với chất liệu này. Có cơ hội quay lại vẽ trên giấy báo, tôi không bất ngờ nhưng có cảm giác được cầm kim đồng hồ quay ngược thời gian. Thời sinh viên vẽ nhưng không có quá khứ. Giờ có thêm gia tài kí ức nên cầm cọ mà thấy hồi ức của những năm tháng cũ dội về. Xúc cảm sáng tác vì thế được nhân thêm, phong phú hơn. Tôi thấy xúc động, có lúc còn nghẹn ngào".

Tình yêu- Bột màu của Hoàng Phượng Vỹ trên giấy Báo Nhân dân cuối tuần ngày 21-2-2010.

Xoay quanh các chủ đề tình yêu con người, tình yêu đất nước, quê hương, chủ quyền biển đảo..., gần 60 bức tranh tham dự triển lãm thể hiện ý thức công dân, trách nhiệm nghệ sỹ của từng cá nhân trong mỗi tác phẩm của mình. Phạm Luận - một trong những họa sỹ thành đạt nhất từ thời đổi mới cho rằng triển lãm tạo hưng phấn cho ông "thể hiện một số đề tài không quen thuộc như tình yêu biển đảo, đất nước. Trong hoàn cảnh này, đó cũng là một cách đóng góp nhẹ nhàng, thể hiện trách nhiệm công dân của người nghệ sĩ". Bởi vậy bức tranh phong cảnh "Buổi sáng trên biển Mỹ Khê" của Phạm Luận được thể hiện khoáng đạt, bắt mắt với tạo hình đẹp, biểu cảm: "Măng-sét Nhân Dân hằng tháng màu đỏ gợi ý cho tôi vẽ lá cờ bên dưới, cũng là thêm thắt một chút cho sinh động".

Họa sỹ Đặng Xuân Hòa khẳng định: "Ý tưởng đặt hàng họa sĩ vẽ trên giấy báo là sáng kiến hay, bởi nhiều khi, mới - cũ hòa trộn với nhau thì phong phú hơn. Nghệ sĩ hay hoài cổ, thường quay đi quay lại từ chất liệu tới đề tài. Nhờ thế mà sống lại được kí ức. Những bậc thầy hội họa cùng cả thế hệ chúng tôi từng sống trong nghèo khổ, vẽ trong thiếu thốn, sáng tác trên mọi chất liệu có thể. Chất liệu cũ cộng với ý tưởng mới sẽ tạo nên hơi thở mới. Tôi không dùng bột màu mà sử dụng sơn dầu, hiệu quả lên rất lạ. Thay vì đọc một tờ báo xong và bỏ đi, nhờ tác phẩm hội họa, chúng tôi tận dụng được, giữ lại gần như trọn vẹn trang báo cho rất nhiều năm sau. Nó sẽ như một trang nhật ký hằng ngày, mình giữ nó lại bằng một tác phẩm nghệ thuật. Cái chính là vẽ gì, vẽ thế nào trên trang báo mới là quan trọng.

Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, họa sỹ Vi Kiến Thành luôn có tâm trạng lạc quan: "Với người vẽ, triển lãm là một hoạt động thú vị và sáng tạo trong tổ chức một sự kiện mĩ thuật có sự gắn kết giữa báo Nhân Dân và họa sĩ. Sự tương tác là cụ thể nhưng ý nghĩa thì rất hay. Người sáng tác có nhiều hứng khởi, người xem sẽ thấy mới lạ, vì thế tôi tin triển lãm sẽ thu hút được sự quan tâm rộng rãi của công chúng".

Sau ngày khai mạc, tranh tham dự triển lãm sẽ tiếp tục được trưng bày tại Cung Văn hóa hữu nghị, trong lễ kỷ niệm trọng thị 65 năm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (chiều 9-3) và ngày 13-3 tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (phố Dương Đình Nghệ) đúng dịp triển lãm báo chí toàn quốc. Toàn bộ số tranh triển lãm sẽ được các họa sỹ tặng lại, một phần cho bảo tàng báo chí Việt Nam và một phần cho nhà truyền thống Báo Nhân Dân...

Ngô Hương Sen
.
.
.