Những "nút thắt" thực thi bản quyền trong môi trường số

Thứ Sáu, 13/07/2018, 08:51
Việc thực thi pháp luật về bản quyền trong môi trường số hiện nay là một trong những “nút thắt” cần được tích cực tháo gỡ.

Theo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được tập trung đẩy mạnh đầu tư, phát triển thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. 

Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về bản quyền trong môi trường số hiện nay là một trong những “nút thắt” cần được tích cực tháo gỡ. Bà Nguyễn Phương Hòa, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chia sẻ, Internet, điện thoại thông minh và hàng ngàn các ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp người dân có cơ hội tiếp cận dễ dàng, nhanh chóng và rộng rãi chưa từng có đối với kho tàng tri thức và văn hóa, nghệ thuật của nhân loại. 

Theo một nghiên cứu của Excelacom Inc vào năm 2016, cứ mỗi phút trên thế giới có tới 38.052 giờ nghe nhạc trên Spotify, 69.444 giờ xem phim trên Netflix, 701.389 lượt login Facebook, 2,78 triệu lượt xem video Youtube, 203.596 USD doanh thu bán hàng từ Amazon. 

Tại Việt Nam, ngày nay, khán giả trẻ Việt Nam có thể thưởng thức những album hoặc single của các ca sỹ hàng đầu thế giới ra mắt cùng ngày với khán giả châu Âu và Bắc Mỹ. Công chúng ở các vùng nông thôn, những nơi chưa có rạp chiếu phim vẫn có thể được xem những bộ phim nổi tiếng thế giới qua mạng Internet chỉ với một chiếc smart phone hoặc Ipad.

Điện ảnh Việt đang được ưu tiên tập trung đầu tư về nhiều mặt, trong đó có bản quyền.

Mặt khác, thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy, năm 2017, Việt Nam có  64 triệu người dùng Internet, chiếm 67% dân số cả nước. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng Internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. 

Từ mối tương tác với công chúng hoặc người sử dụng, các nhà sáng tạo, các nghệ sỹ độc lập phát triển ý tưởng mới về nội dung, hình thành các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số và có sự điều chỉnh linh hoạt phù hợp với các nhóm đối tượng công chúng mà họ hướng tới. 

Chưa kể, việc công bố quyền tác giả và các quyền liên quan đối với một tác phẩm, sẽ được khẳng định toàn cầu, góp phần tăng cường vai trò chứng nhận bản quyền tác giả và giảm vi phạm bản quyền. 

Công nghệ thông tin cũng là một công cụ hữu hiệu giúp việc kiểm tra, phát hiện vi phạm bản quyền của mỗi tác phẩm được nhanh chóng và dễ dàng khi có đầy đủ thông tin, dữ liệu gốc trên hệ thống tra cứu số tích hợp trên môi trường Internet. 

Việc thực thi bản quyền một cách nghiêm túc sẽ góp phần quan trọng trong thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Tuy nhiên, đây lại là một trong những yếu điểm của công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo Cục Bản quyền tác giả Việt Nam, mặc dù nhiều năm gần đây, hoạt động thực thi bản quyền đã có nhiều thay đổi tích cực. Quy định pháp luật về thực thi bản quyền đã tương đối đầy đủ nhưng chưa thực sự đi vào đời sống. 

Kết quả thống kê 6 tháng đầu năm cho thấy, Cục thụ lý và cấp mới có  3.253 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, tăng 251 Giấy chứng nhận so với cùng kỳ năm 2017. 

Số lượng cá nhân, tập thể than phiền về tình trạng mất bản quyền tác phẩm thì nhiều nhưng trong 6 tháng qua, Cục chỉ tiếp nhận, thụ lý 6 vụ việc khiếu nại, tố cáo vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan và có 18 bản sao bộ hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được cung cấp cho các cơ quan, tổ chức theo yêu cầu xử lý đơn thư khiếu nại.

Nhằm đẩy mạnh hoạt động thực thi bản quyền, triển khai thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Cục Bản quyền tác giả Việt Nam đã xác định, trước mắt cần tập trung vào các ngành trọng điểm. 

Bên cạnh những nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc về thực thi bản quyền trong nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là về âm nhạc và điện ảnh. Thực tế, Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam. 

Cục bản quyền tác giả và Cục Điện ảnh, Tổng cục Thống kê đã tiến hành điều tra thống kê ngành điện ảnh năm 2016.  Trên cơ sở phương án điều tra, phiếu điều tra 600 đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp điện ảnh, đã có 2 cuộc hội nghị tập huấn điều tra, thống kê ngành điện ảnh tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Sắp tới, Cục Bản quyền sẽ phối hợp với Cục Điện ảnh, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Cục Văn hóa cơ sở, Vụ Đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiếp tục đẩy mạnh thực thi bản quyền, góp phần triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Chính phủ.                                                   

N.H
.
.
.