Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Đỗ Đức Dục:

Những cống hiến vẫn còn vẹn nguyên giá trị

Thứ Ba, 29/12/2015, 09:14
Nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà báo, nhà chính trị, nhà văn Đỗ Đức Dục, sáng 28-12, Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với gia đình nhà văn Đỗ Đức Dục, tổ chức lễ kỷ niệm và tọa đàm về ông. Đến dự có lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, thân nhân gia đình, đông đảo nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình văn học và những người yêu mến tài năng và con người ông.

Nhà văn Đỗ Đức Dục (1915-1993) còn có các bút danh: Trọng Đức, Như Hà, Tảo Hoài. Ông là nhà trí thức cách mạng, Đại biểu dự Quốc dân đại hội Tân Trào, nhà báo, nhà lý luận, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Pháp; Thứ trưởng Bộ Văn hóa; nghiên cứu viên Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng nhất và đặt tên một đường phố tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu dự lễ kỉ niệm.

Theo nhà nghiên cứu, phê bình văn học Phùng Kiên- Viện Văn học, thì: “Hiếm có một trí thức nghiên cứu hoạt động ở tư cách nhà báo phê bình nào đã chạm tới những giới hạn xa nhất mà một nền văn học, như một hình dung về cộng đồng diễn giải, có thể đạt tới trong những thời điểm lịch sử cụ thể. Những bài viết phê bình của Đỗ Đức Dục đã cho thấy tầm nhìn của ông đạt đến những giới hạn xa nhất mà một trí thức có thể thực hiện được ở những hoàn cảnh cụ thể ngặt nghèo của Việt Nam thế kỷ XX. 

Ông đã chạm tới nó trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ điều kiện nào, bằng sự trung thực trong công việc và trong học vấn. Đó trước hết đích thực là một thành tựu cá nhân của ông, nhưng hơn thế nữa, đó là những nỗ lực của một trí thức đích thực. Và cũng luôn hy vọng rằng, những giới hạn đó giờ đây sẽ ở lại phía sau chúng ta, nhưng chẳng vì thế mà Đỗ Đức Dục trở nên lạc hậu. Bởi vai trò trí thức quan trọng hơn nhiều những bài viết đó trong lịch sử phê bình văn học Việt Nam”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Nhà văn Đỗ Đức Dục là một trong những hội viên đầu tiên tham gia Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ khi thành lập (năm 1957). Ở thời điểm đó, thế hệ thanh niên chúng tôi không được trang bị đầy đủ về kiến thức và văn hóa do những hạn chế của thời cuộc, do chiến tranh chống đế quốc. 

Giai đoạn này những tác phẩm dịch của những dịch giả như Đỗ Đức Dục là món ăn tinh thần quý giá và mang ý nghĩa to lớn đối với nhận thức của chúng tôi. Những cống hiến của nhà văn Đỗ Đức Dục trong quá khứ luôn vẹn nguyên giá trị trong nghiên cứu, dịch thuật, sáng tác, tuyên truyền, giáo dục và sự tiếp biến văn hóa”.

Cảnh Vũ
.
.
.