Nhiều hoạt động văn hóa nhân dịp Kỷ niệm 30-4

Thứ Sáu, 01/05/2020, 08:52
Mặc dù bị hạn chế do dịch bệnh COVID-19, nhưng những ngày kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020), hàng loạt các hoạt động văn hóa, du lịch giúp người xem tìm hiểu, về những năm tháng kháng chiến liên tục được các đơn vị giới thiệu đến công chúng.

Không tổ chức được các hoạt động triển lãm, giao lưu như nhiều năm trước, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam linh động chuyển sang trưng bày trực tuyến. Gần 20 tác phẩm hội họa đặc sắc được chọn trưng bày như những “thước phim” quay chậm giúp người xem có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về những năm tháng đầy gian khổ, hy sinh nhưng vô cùng vẻ vang, anh dũng của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.

Người yêu hội họa có dịp “gặp lại” hàng loạt các tên tuổi và tác phẩm nổi tiếng một thời. Đó là họa sĩ Hoàng Trầm với bức tranh sơn mài “Mẹ kháng chiến”. Đây là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ với bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc như chiếc làn đỏ, chai nước, cặp lồng cơm, chiếc mền kê chân…

Bức tranh không nhiều chi tiết, nhưng tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong vùng tạm chiếm… Tác phẩm được họa sĩ hoàn thành và đã giành giải A tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức năm 1980…

Người xem cũng “gặp lại” họa sĩ Đặng Thị Khuê với tranh sơn dầu “Giặc Mỹ” - tác phẩm giành Giải nhất Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980. Nữ họa sĩ từng chia sẻ, đây là tác phẩm được bà hoàn thành trong thời gian kỷ lục, chỉ trong 1 ngày 2 đêm. Khi bà mang tranh tới dự triển lãm vào ngày cuối cùng trước khi triển lãm mở cửa, tác phẩm vẫn còn ướt nhòe. Trước đó, nữ họa sĩ đã sáng tác một loạt tác phẩm về đề tài chiến tranh như “Chiếc mắc áo” (1972), “Cảm tử”, “Gia đình bộ đội” (1974), “Đón thương binh về làng” (1976) và “Niềm tin” (1972-2003).

Riêng tác phẩm “Giặc Mỹ”như một sự tổng kết, phản ánh cái nhìn, đánh giá của một con người, một thế hệ mà“chiến tranh là một phần tiểu sử”… Cũng tại triển lãm còn có nhiều tác phẩm đặc biệt khác về kháng chiến chống Mỹ như: “Trái tim và nòng súng” của tác giả Huỳnh Văn Gấm và tác phẩm “Nắm đất miền Nam” của họa sĩ Phạm Xuân Thi, “Bộ đội về”, “Tải đạn” của họa sĩ Lê Thanh Trù, “Bên chiến hào Vĩnh Linh” của tác giả Đào Đức, “Đất này của tổ tiên ta” của họa sĩ Nguyễn Vĩnh Nguyên, “Qua Dốc Miếu” của Lê Quốc Lộc, “Trên chặng đường chiến dịch” của Nguyễn Thanh Châu…

Ngày 29-4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho hay, đơn vị đã sẵn sàng các hoạt động để phục vụ du khách ngay khi hết dịch. Dịp lễ năm nay, đơn vị vẫn có khá nhiều hoạt động dành cho du khách, trong đó tour tham quan ảo 360 độ giúp du khách có những trải nghiệm mới mẻ khi tìm hiểu về di tích Nhà và hầm D67 – cơ quan đầu não của ta trong kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ở đó, người xem có dịp tìm hiểu nhiều thông tin, từ không gian kiến trúc cho đến các giá trị tiêu biểu của di tích Nhà và Hầm D67 - Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Chính trị những năm 1968-1975, nơi chứng kiến sự ra đời của những quyết sách, chỉ thị, chiến lược quan trọng trong giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

N.Nguyễn
.
.
.