Văn hóa Việt đang “đánh mất mình ngay trên sân nhà”?

Thứ Hai, 08/08/2016, 09:49
Chưa bao giờ các sản phẩm văn hóa của nước ngoài lại được nhập về nhiều, phong phú như hiện nay. Không buộc phải chờ đợi mòn mỏi mới được xem, nghe, đọc theo kiểu “cũ người mới ta”, các “tín đồ” của điện ảnh, truyền hình cho đến sách đều dễ dàng tìm kiếm, thậm chí cung cấp tận nơi sản phẩm mình quan tâm ngay khi sản phẩm này mới “ra lò”.



Những “cơn lốc” mang danh giải trí

Nếu chỉ vài năm trước, việc các siêu phẩm điện ảnh của nước ngoài được ra rạp tại Việt Nam cùng lúc với thời điểm phát hành của nước sở tại còn khá mới mẻ thì đến nay, đây đã là chuyện rất bình thường. Phim Philippines, Ấn Độ trở thành “đặc sản” mới của khán giả truyền hình.

Sau bộ phim dài kỷ lục “Cô dâu 8 tuổi”, siêu phẩm “Định mệnh” đã, đang “làm mưa làm gió” trên Today TV, phim Ấn đã trở thành món ăn quen thuộc của rất nhiều gia đình Việt. Ngay phim Nhật Bản – dòng phim vốn bị cho là kén khán giả và thường khiến nhà nhập khẩu phim gặp nhiều khó khăn cũng có hẳn những vệt phim dài trên Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh, kênh HTV9. Với những khán giả yêu thích dòng phim truyền hình Hàn Quốc, điều kiện tìm xem những bộ phim nổi tiếng càng rộng mở hơn như bộ phim được coi là “siêu phẩm”: “Hậu duệ mặt trời”, “Yêu không kiểm soát”… của HTV2.

Với các chương trình giải trí, đặc biệt là các gameshow, truyền hình thực tế ăn khách của nước ngoài, việc mua bản quyền, sản xuất theo phiên bản Việt và phủ sóng hầu khắp các khung giờ đẹp nhất của cả truyền hình quốc gia lẫn các địa phương khá phổ biến: Thần tượng âm nhạc Việt Nam phiên bản dành cho người lớn và phiên bản dành cho trẻ em, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Nhân tố bí ẩn, VietNams Got Talent- Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Gương mặt thương hiệu – The Face, VietNams Next Top Model…

Ngay với thi nấu ăn, lĩnh vực ít liên quan đến giải trí xưa nay cũng khuynh đảo trên sóng với Master Chef VietNam - Vua đầu bếp Việt Nam. Cuộc thi nấu ăn dành cho thiếu nhi Junior MasterChef– Vua đầu bếp nhí cũng vừa chính thức khởi động với khá nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ, thậm chí kích thích sự tò mò về việc những cô, cậu bé ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đối mặt với việc “đụng” các dụng cụ dao, thớt của nhà bếp ra sao…

Với lĩnh vực vốn bị cho là khó mang lại lợi nhuận nhiều, nhanh như sách cũng không nằm ngoài “cơn lốc” nhập khẩu văn hóa nói chung. Gần nhất và mới nhất phải kể đến là phần 8 của bộ tiểu thuyết Harry Potter của J.K Rowling. Mặc dù cuốn sách có giá rất cao so với mặt bằng chung của sách tại Việt Nam (680.000 đồng/cuốn) nhưng đơn vị phát hành - FAHASA tự tin khẳng định, đây là hoạt động hoàn toàn cần thiết để đáp ứng nhu cầu bạn đọc tại Việt Nam.

“Yêu không kiểm soát” – phim truyền hình đình đám xứ kim chi đến với khán giả Việt cùng thời điểm phát hành tại Hàn Quốc.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ “đánh mất mình ngay trên sân nhà”

Theo nhiều chuyên gia quản lý về văn hóa, tình trạng “nhập siêu” văn hóa kéo dài sẽ dẫn đến nhiều bất cập hơn trong giữ gìn, phát triển văn hóa Việt. Chưa kể, các sản phẩm văn hóa được “nhập khẩu” chỉ nặng về tính giải trí thì khó có thể khẳng định hoạt động này góp phần tích cực vào sự phát triển văn hóa bền vững.

Thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành năm 2015 cho thấy, Việt Nam xuất khẩu 392 ngàn bản sách, 6,8 triệu tờ báo, tạp chí nhưng nhập khẩu đến 60 triệu bản sách, 8,5 triệu bản tờ báo, tạp chí. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 24,1 triệu USD, trong đó, nhập khẩu khoảng 20 triệu USD, xuất khẩu 4,1 triệu USD. Điều đáng nói là trong khi chúng ta đang nhập siêu văn hóa phẩm thì ngành Xuất bản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Vì nhiều lý do, không ít đơn vị hoạt động èo uột, đứng trước nguy cơ “đóng cửa”.

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42 CT/ TW của Ban Bí thư “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” ngày 5-8 và tổng kết hoạt động ngành Xuất bản trước đó, những người trực tiếp tham gia hoạt động xuất bản lẫn nhà quản lý đều thừa nhận, vẫn còn rất nhiều bất cập tồn tại suốt 10 năm qua chưa được giải quyết triệt để: chỉ tiêu số lượng sách chỉ dừng ở mức trên dưới 4 bản sách/người/năm trong khi chỉ tiêu là 6 bản sách/người/năm; tình trạng thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy chưa bị đẩy lùi. Tệ nạn in lậu xảy ra khá phổ biến chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Mạng lưới phát hành còn chưa đến được nhiều vùng sâu, xa. Năm 2015 chỉ có 33/61 nhà xuất bản (chiếm 55%) đủ điều kiện hoạt động theo quy định pháp luật. Số lượng sách xuất bản nhiều nhưng vẫn còn không ít sách xuất bản kém chất lượng, vi phạm các quy định về xuất bản. Con số 323 tác phẩm bị xử lý năm 2015 là ví dụ điển hình. Việc nhiều nhà xuất bản hoạt động èo uột, văn hóa phẩm nhập khẩu quá nhiều, xuất khẩu lại ít như hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng bị áp đặt văn hóa nước ngoài và không quảng bá hiệu quả văn hóa đất nước, dân tộc. Đây cũng là lỗ hổng đáng tiếc.

Lỗ hổng đáng tiếc ấy đã bộc lộ rất rõ qua hàng loạt sự cố. Điển hình là sự việc hàng loạt gương mặt nổi tiếng Việt Nam chạy theo bộ phim nổi tiếng xứ Hàn – “Hậu duệ mặt trời”, vô tư diện trang phục quân đội Hàn mà không hề ý thức trong lịch sử, bàn tay họ đã từng nhuốm máu đồng bào mình. Hay, vụ việc nhóm F Band sử dụng chiếc khăn piêu truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái để làm… khố trong chương trình Nhân tố bí ẩn. Tình trạng nhiều giám khảo thiếu văn hóa tranh luận khiến khán giả truyền hình như đang xem cãi nhau ngoài chợ, các chiêu trò chấp nhận nổi tiếng bằng tai tiếng…

Riêng với điện ảnh, truyền hình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Hiệp của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chứng minh một thực trạng khá bi quan rằng: Thị trường chiếu bóng ở Việt Nam tăng trưởng mỗi năm 30%. Việt Nam được coi là 1 trong 10 thị trường chiếu bóng tăng trưởng ngoạn mục nhất thế giới. Doanh thu chiếu bóng ở  Việt Nam năm 2015 khoảng 2.000 tỷ. Nhưng, trên thị trường này, phim Việt Nam chỉ chiếm 15% đến 20% và đứng trước sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Không có phim nào của khối ASEAN được chiếu trên màn ảnh thị trường điện ảnh Việt Nam để tạo ra doanh thu 2.000 tỷ ấy. Ở Việt Nam có khoảng 450 phòng chiếu phim, thì một nửa số đó là của các ông chủ nước ngoài. Không có câu chuyện hữu nghị, bảo hộ để chọn phim chiếu trên các rạp của các ông chủ nước ngoài và các ông chủ Việt Nam. Chủ các rạp chiếu phim bao giờ cũng chọn phim hay có khả năng doanh thu cao của thế giới để chiếu.

Đã đến lúc các nhà quản lý văn hóa cần phải xem xét lại liều lượng và quy trình nhập khẩu văn hóa, khi những tác phẩm “ngoại lai” đang tác động ngày càng sâu sắc đến đời sống văn hóa xã hội của người Việt, đặc biệt là lớp trẻ.

Ngọc Nguyễn
.
.
.