Nhà báo Takano Isao – “Nhân chứng quả cảm”

Thứ Bảy, 09/03/2019, 14:00
Buổi nói chuyện, tọa đàm về nhà báo Takano Isao – “Nhân chứng quả cảm” (được Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tổ chức vào ngày 8-3) đã có sự tham dự của nhiều nhà báo Việt Nam và Nhật Bản, nhiều nhà khoa học, nhà giáo, nhà thơ, văn nghệ sĩ nổi tiếng và các bạn sinh viên trẻ.

Tất cả đều xúc động trước hình ảnh một nhà báo của “xứ sở tuyết trắng Fuji hùng vĩ” đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 tại Lạng Sơn. Hình ảnh nhà báo Takano quả cảm cho đến giờ vẫn đậm sâu trong ký ức của nhiều người dân Việt Nam.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm.

Nhà báo Takano Isao sinh năm 1943 tại Kobe, Nhật Bản. Ông xuất thân là một công nhân xí nghiệp lớn ở Tokyo. Khi gia nhập Đảng Cộng sản Nhật Bản, Takano Isao trở thành nhà hoạt động phong trào thanh niên sôi nổi. Ông là cán bộ công đoàn, đồng thời là phóng viên báo Akahata. Ông có nhiều năng khiếu đặc biệt như hát, bơi lội, sửa chữa khí cụ điện. Mọi người nhắc đến Takano Isao như một người thanh niên năng động, sống rất tình cảm.

Năm 1967, Takano được cử sang Việt Nam để học tiếng Việt tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tốt nghiệp vào năm 1971. Takano đã trải qua 4 năm học tập miệt mài tại cơ sở dạy tiếng Việt B7bis Trần Đại Nghĩa, Bách Khoa. Cây vú sữa tại sân trường do chính ông trồng, giờ tán lá đã tỏa rộng cả khoảng sân của Khoa Tiếng Việt. Những lớp học ở đây đã in dấu một quãng đời nồng nhiệt, đầy kỷ niệm tuyệt đẹp của Takano với tiếng Việt và con người Việt Nam.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn biển cây vú sữa mà Takano Isao trồng trong khuôn viên B7Bis Bách Khoa.

Trong 36 năm cuộc đời, Takano đã dành trọn 12 năm gắn bó với Việt Nam. Takano còn là dịch giả văn học Việt - Nhật. Ông đã dịch hai cuốn tiểu thuyết và truyện ký “

Áo trắng” của Nguyễn Văn Bổng và “Khi mẹ vắng nhà” của Nguyễn Thi sang tiếng Nhật. Bước chân của nhà báo Takano trải khắp Việt Nam, từ cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đến cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.

Tháng 2-1978, trong vai trò là đặc phái viên, phóng viên Báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, Takano đã nỗ lực tìm mọi cách để có mặt sớm nhất ở Lạng Sơn, khi cuộc chiến tranh biên giới nổ ra.

Nhưng vào ngày 7-3-1979, loạt đạn định mệnh bên kia sông Kỳ Cùng đã cướp đi cuộc sống của người phóng viên quả cảm. Trong cơn mưa đạn, Takano đã lao lên chụp ảnh và anh bị trúng đạn, ngã xuống ngay trước mắt người đồng chí Việt Nam Nông Văn Đuổng. Khi hy sinh, tay anh vẫn cầm chặt máy ảnh.

Nghệ sỹ Nhật Bản Tachibana Ryumei diễn tấu sáo tưởng nhớ cố nhà báo Takano Isao.

Đồng đội của Takano kể lại rằng, Takano quyết tâm vào vùng đạn pháo khốc liệt bởi ông từng nói rằng: “Sang Việt Nam là trách nhiệm của chúng tôi. Trong cuộc chiến tranh chính nghĩa và phi nghĩa, chúng tôi phải đứng về phía chính nghĩa là nhân dân Việt Nam”. Một người đồng đội hỏi Takano: “Nếu anh hy sinh thì sao?”. Takano quả quyết: “Hy sinh là tất nhiên vì sự nghiệp”. Takano không sợ cái chết, ông chiến đấu để phụng sự lý tưởng cao đẹp của một nhà báo chân chính.

Nhà báo Goro Nakamura, người đi cùng Takano trong chuyến đi định mệnh đó cũng có mặt tại buổi tọa đàm. Những bức ảnh, những thước phim ông cất giữ gần nửa thế kỷ phản ánh về chiến tranh biên giới phía Bắc, về sự tàn ác của lính Trung Quốc, và sự chiến đấu anh dũng, gan dạ của quân và dân ta, trong đó có cả hình ảnh đầy xúc động của nhà báo Takano. “Tôi đi trước nhé”, là câu nói cuối cùng của Takano với đồng nghiệp Nakamura trước khi ông ngã xuống.

“Đó là người bạn, một người đàn ông đích thực, một người tốt bụng và có tài. Dường như anh đã chết thay tôi”, nhà báo Nakamura kể lại chi tiết này với nỗi niềm xúc động, thương nhớ khôn nguôi người đồng nghiệp của mình. Bốn mươi năm trôi qua, linh hồn của Takano dường như vẫn còn quyến luyến, vương vấn với mây trời biên giới Lạng Sơn. Tấm bia tưởng niệm Takano Isao, người Nhật Bản duy nhất nằm lại chiến trường biên giới phía Bắc được đặt tại Nghĩa trang liệt sĩ Hoàng Đồng, nơi hàng nghìn liệt sĩ Việt Nam hi sinh vì Tổ quốc.

Nhà báo Takano (đeo kính hàng đầu) cùng đồng đội tại chiến trường.

Sự ra đi của nhà báo Takano Isao là niềm cảm hứng lớn cho nhiều người Việt Nam yêu quý, ngưỡng mộ, khâm phục ông. Tại buổi tọa đàm, nhà thơ Anh Ngọc kể: “Tôi là nhà báo của quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng tôi không vào được Lạng Sơn, còn Takano Isao lại vào được Lạng Sơn. Khi tôi gặp nhà báo Goro Nakamura thì thấy ông đang khóc như mưa, báo tin Takano vừa hi sinh. Sau đó, tôi về Hà Nội, một mình tôi vào nhà lạnh của Bệnh viện Việt Xô để gặp lại Takano lần cuối, lúc đó trông ông như đang ngủ.

Ngày 13-3-1979, tôi đến dự lễ tang Takano, hôm đó tôi mặc quân phục đến viếng, để nói rằng, Takano ngã xuống như một người lính Việt Nam và chúng tôi cần những người lính có mặt trong lễ tang đó. Thương tiếc, xót xa cho Takano, tôi đã viết 3 tác phẩm về ông, trong đó có hai bài báo và một bài thơ “Gửi Emi Takano”. Emi là con gái nhỏ 5 tuổi của Takano, tôi cũng có con gái nhưng con tôi ít hơn Emi 2 tuổi, tôi yêu con gái tôi vô cùng nên tôi nghĩ rằng, Takano cũng yêu con gái lắm. Takano ngã xuống, để lại nỗi thương tiếc vô cùng cho người con gái nhỏ”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương, tác giả của ca khúc “Takano – nhân chứng quả cảm” với bao ca từ mến thương da diết mà hùng tráng dành tặng Takano, đã trải lòng: “Tôi khâm phục Takano, ông đã bộc lộ thái độ sống, thái độ làm việc và tinh thần trách nhiệm của nhà báo cao cả và cao hơn nữa là lương tri, nhân cách của ông đã chứng minh một sự thật với thế giới về cuộc chiến tranh này. Bài hát của tôi được ca sĩ Vân Khánh hát, phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Cuối năm 1979, ca sĩ Ái Vân đã mang bài hát này sang Nhật biểu diễn, bài hát đã gây tiếng vang rất mạnh cho khán giả Nhật Bản. Đặc biệt, nghệ sĩ Thế Hiển đã hát bài hát này trên khắp mọi miền đất nước”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Thế Hiển cũng có mặt tại buổi tọa đàm. Nhạc sĩ nói rằng, bài hát dường như cũng có số phận và việc mỗi nhạc sĩ, ca sĩ gắn bó với bài hát nào đó cũng là do cơ duyên. Khi ông 24 tuổi, lúc đó đang là sinh viên âm nhạc, ông đã biết được sự hi sinh của nhà báo Takano qua báo chí Sài Gòn thời bấy giờ. Sau đó, nghệ sĩ Thế Hiển đã chọn, trình bày ca khúc này trong lễ tốt nghiệp chỉ với phần đệm của cây đàn ghi ta.

Ông hát không chỉ bằng kỹ thuật thanh nhạc, mà còn hát bằng cả tình cảm sâu lắng, nỗi xót xa mà cũng đầy tự hào về “người lính” Takano. Phần trình diễn xuất sắc đó đã giúp nghệ sĩ Thế Hiển đỗ thủ khoa và sau này, ông đã biểu diễn bài hát đó ở mọi miền đất nước, để lan tỏa hình ảnh Takano, một người “anh hùng liệt sĩ của Việt Nam”…

PGS.TS Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học và Tiếng Việt chia sẻ: “Chúng tôi tự hào là nơi cựu sinh viên, nhà báo Takano Isao đã học tập và sống. “Sự thật và chân lý không chọn giờ cho chúng ta” - lời nhắn nhủ cuối cùng của Takano trước khi ngã xuống không chỉ bộc lộ một trái tim chân thành, một dũng khí quyết liệt mà còn như một bài học đáng cảm phục về nhân cách và lẽ sống của một nhà báo, một trí thức thời hiện đại”.

Trong ngày 8-3-2019, cây vú sữa mà Takano Isao trồng trong khuôn viên B7Bis đã được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn biển “Cây vú sữa do Takano Isao (1943-1979) trồng”, như một thông điệp sâu sắc cho các thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay luôn nhớ về lịch sử, về những người lính đã anh dũng hi sinh.

Thu Phương
.
.
.