Nguyễn Thùy Trang: Từ mơ mộng đến hiện thực với “Tí Toáy”

Thứ Tư, 19/12/2018, 08:49
Lớp học Tí Toáy của họa sĩ Nguyễn Thùy Trang được mở ra với ý tưởng vô cùng bay bổng nhưng lại mang đến cho các em nhỏ một phương pháp rất thực tế: một đứa trẻ chỉ sáng tạo khi và chỉ khi đứa trẻ đó được độc lập trong suy nghĩ và tự do trong hành động. Với phương pháp giáo dục dựa trên nền tảng “động tay là động não”, các giờ học của không gian thực hành nghệ thuật Tí Toáy luôn là những buổi thực hành đầy lý thú, đôi tay hoạt động không ngừng để tạo ra tác phẩm.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Ecole superieure des Beaux- Art dAngers -  Pháp năm 2012, Nguyễn Thùy Trang đã từng đi dạy ở một số trung tâm đào tạo về mỹ thuật. Thay vì mở một trung tâm dạy vẽ thông thường, Nguyễn Thùy Trang đã cùng người yêu, sau này là người chồng Lê Đăng Ninh mở xưởng nghệ thuật với tiêu chí để các em thực hành nhiều hơn, tự do nhiều hơn trong việc tìm hiểu, khám phá nghệ thuật. Thay vì được thầy cô hay bố mẹ áp đặt theo từng chủ đề, xưởng nghệ thuật Tí Toáy là nơi để các em thực hiện những ý tưởng cá nhân, theo cách cảm nhận riêng của mỗi bạn nhỏ.

Trước khi quyết định cho con tìm hiểu về nghệ thuật, gia đình anh Hoàng Trang Hải, một phụ huynh có con đang học tại xưởng nghệ thuật Tí Toáy cho biết: Đây là một trong những địa chỉ mà vợ chồng anh tin tưởng gửi con theo học. Mô hình của Tí Toáy nhấn mạnh phương pháp giáo dục trẻ em một cách tự nhiên. Không có bất cứ một khuôn mẫu nào, các em được tự do và bay bổng với những cảm xúc và ước mơ.

Các chương trình của không gian thực hành nghệ thuật Tí Toáy.

Sau 4 năm, từ ý tưởng mơ mộng ban đầu của một người trẻ, Nguyễn Thùy Trang cùng với những cộng sự của mình đã xây dựng thành công bộ giáo trình nghệ thuật cho trẻ từ 3-12 tuổi với các nội dung: trải nghiệm lịch sử mỹ thuật thế giới, nghệ thuật truyền thống châu Á, nghệ thuật cảm xúc... Đây được xem là bộ giáo trình nghệ thuật có thể bổ sung những điểm khuyết mà giáo dục nghệ thuật trong nhà trường chưa làm được cho học sinh.

Tín hiệu vui là một số trường học đã mời xưởng Tí Toáy hợp tác với học phần nghệ thuật. Ban Nguyễn Trúc Linh - một giáo viên đã gắn bó với Tí Toáy đến nay đã được 3 năm cho rằng: mặc dù đã có một vị trí khá vững chắc, Tí Toáy đã có tên tuổi khá ổn định nhưng họa sĩ Nguyễn Thùy Trang vẫn không ngừng tìm cái mới và thay đổi Tí Toáy, mở rộng chương trình và khóa học. Bất cứ một mô hình giáo dục mới nào cũng vấp phải sự hoài nghi, đặc biệt từ phía phụ huynh.

Với cách suy nghĩ thông thường và những định hướng được mặc định là “dành cho con” vô tình lại là một rào cản khiến cho trẻ không có nhiều cơ hội nói lên ý kiến cá nhân của mình. Học mỹ thuật nhiều khi cũng là do nhu cầu của cha mẹ hơn là con cái. Trong gần 6 năm qua, Nguyễn Thùy Trang luôn cố gắng đưa ra những quan điểm giáo dục chủ động dành cho các em nhỏ.

Đinh Phương
.
.
.