Người một đời nặng lòng với làn điệu trống quân

Chủ Nhật, 20/12/2015, 08:39
Đó là Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy, 78 tuổi, ở thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, Thường Tín (Hà Nội), người có công lớn trong việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển điệu trống quân cổ và những làn điệu mới, truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho thế hệ trẻ.

“Cụ hát Trống quân cho chắt nghe đi”. Vừa thấy chúng tôi hỏi chuyện hát Trống quân, cu Thắng, 8 tuổi, chắt thứ 30 của cụ Vẫy chạy ùa vào lòng cụ, cầm theo cái trống gõ gõ theo nhịp. Cụ cười, đôi mắt in hằn vết chân chim, nhấp ngụm nước lấy hơi và … hát: “Ai về đàng ấy thì xa/ Có về Đan Nhiễm với tôi thì về/ Đan Nhiễm có bóng cây đề/ Có sông tắm mát có nghề chẻ nan/ Chẻ nan, đan giậm cho ngoan/ Mài dao cho sắc vót nan cho mềm...”. 

Nhắc lại chuyện xưa, cụ Vẫy kể mẹ của cụ cũng là nghệ nhân trống quân, thuộc rất nhiều làn điệu cổ, thường sáng tác làn điệu mới để dạy cho con trai, con gái trong nhà. Vì thế, ngay từ lúc 8 – 9 tuổi, Nguyễn Thị Vẫy đã rất mê hát trống quân. Đến tuổi thiếu nữ, vào những đêm trăng sáng, cô thôn nữ Nguyễn Thị Vẫy theo người làng dong thuyền trên sông đi hát làm mê lòng biết bao chàng trai thủa ấy. Năm 15 tuổi, Nguyễn Thị Vẫy bắt đầu đi hát trống quân trên loa xã, đi đọc báo, đọc những chủ trương chính sách của nhà nước cho bà con trong xã.

Cũng vì mê tiếng hát mà có một người con trai đã yêu say đắm cô thôn nữ và xin cưới bằng được. Nhắc đến người bạn đời giờ đã thành “người muôn năm cũ”, cụ Vẫy kể: “Không biết ông ấy thương tôi hay ông mê hát trống quân mà năm tôi sinh đứa con thứ 6, chồng tôi vẫn cho tôi đi hát. Có hôm đi hát ở hội làng, ông bế con cùng đi vừa xem tôi hát vừa trông con đói thì gọi cho con bú. Đó là câu chuyện tưởng như không có đối với một người phụ nữ thời bấy giờ khi hoàn cảnh gia đình đông con, kinh tế khó khăn”.

Đã gần 80 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy vẫn nặng lòng với làn điệu trống quân.

Đã có một thời gian dài, những làn điệu trống quân bị mai một và lớp trẻ không say mê. Nhớ nghề và muốn lưu giữ, cụ Vẫy vẫn vận động các cháu trong nhà học hát trống quân. Mãi tới năm 2005, câu lạc bộ hát trống quân xã Khánh Hà ra đời để gây dựng phong trào văn hóa văn nghệ và truyền dạy nghệ thuật hát trống quân cho con cháu. Cụ Vẫy là một trong những nghệ nhân đầu tiên trong câu lạc bộ. Ngoài việc chép lại các lời hát cổ, các nghệ nhân còn biên soạn, sáng tác lời mới phục vụ tập luyện và truyền dạy. Mỗi năm, câu lạc bộ mở một lớp tập hát trống quân cho 20 cháu bé từ 9-15 tuổi. 10 năm qua, có khoảng hơn 100 người dân trong 7 thôn được truyền dạy hát trống quân, trong đó có 45 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt trong đội văn nghệ và tham gia biểu diễn dịp hội làng, lễ tết.

Năm 2007, với sự động viên và hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cụ Vẫy mở các lớp dạy hát trống quân cho mọi lứa tuổi. Từ người trẻ đến người trung niên và cả người già rủ nhau đến lớp học, sinh hoạt tại câu lạc bộ. Năm 2009, cụ được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và huy hiệu Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam. Tháng 11-2015, cụ được vinh danh là Nghệ nhân ưu tú.

Từ khi được vinh danh là Nghệ nhân ưu tú, cụ Vẫy phấn khởi lắm. Bao nhiêu năm gắn bó với hát trống quân, truyền dạy cho con cháu những làn điệu trống quân cổ và sáng tác thêm các làn điệu mới, công lao của cụ mới được ghi nhận. “Trống quân theo chúng tôi từ thời còn cắt cỏ, chăn trâu, đan giậm. Rồi cái thời chiến tranh đến giờ hiện đại làn điệu trống quân mai một dần theo từng thế hệ. Thấy ai thích hát tôi quý lắm. Nhìn lũ trẻ đang sống trên đất gốc của trống quân mà lại không biết hát tôi vừa buồn vừa tiếc. Lớp già chúng tôi say mê hát trống quân nhưng tuổi cao, sức yếu rồi. Nay chúng tôi trông chờ vào thế hệ trẻ tiếp nối, giữ lửa cho làn điệu trống quân trường tồn theo thời gian”. Nói rồi, cụ lại hát “Ai về đàng ấy thì xa/ Có về Đan Nhiễm với tôi thì về…”.

Hoàng Thương
.
.
.