Ngôi tháp Chăm 1000 năm tuổi trước nguy cơ thành phế tích

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:51
Ngày 26-4, Ban Quản lí Di sản Văn hóa (BQLDSVH) Mỹ Sơn, cho biết: Hiện nay tháp B3 nơi thờ thần Ganesha xuất hiện dày đặc vết nứt từ đỉnh đến móng. Với vết nứt rộng nhất khoảng 18cm, sâu nhất là 1,2m và đoạn dài nhất lên tới 6m. Các đường nứt này tách đôi công trình, khe nứt càng ngày càng rộng. Phần thân tháp đang bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại.

Trước thực trạng đáng báo động của công trình kiến trúc cổ hàng nghìn năm tuổi này, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa-Thể thao&DL) đã có công văn chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch Quảng Nam, BQLDSVH Mỹ Sơn về việc chống xuống cấp tháp B3 tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Theo đó, Cục Di sản Văn hóa yêu cầu 2 đơn vị trên tiến hành chống đỡ tạm thời di tích tháp B3. Đồng thời, khẩn trương lập hồ sơ, đề xuất giải pháp gia cố, chống xuống cấp di tích để báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Văn hóa-Thể thao&Du lịch xem xét, cho phép triển khai thực hiện sớm (trước mùa mưa bão).

Được biết, nằm trong quần thể kiến trúc Thánh địa Mỹ Sơn (xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam)-Di sản Văn hóa thế giới, ngôi tháp B3 đã có hơn 1000 năm tuổi. Tháp được xây dựng vào cuối thế kỉ X, tháp B3 có chức năng là nơi thờ thần Ganesha-con trai thần Shiva và là công trình hiếm hoi, duy nhất còn giữ được dáng vẻ tiêu biểu cho phong cách Mỹ Sơn. Tuy nhiên, qua sự bào mòn của thời gian kéo dài hơn 1000 năm, ngôi tháp nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới này đang xuống cấp trầm trọng.

Tháp B3 nơi thờ thần Ganesha xuất hiện dày đặc vết nứt từ đỉnh đến móng.

Ông Phan Hộ, giám đốc Ban Quản lí Di sản Văn hóa (BQLDSVH) Mỹ Sơn, cho biết hiện nay tháp B3 xuất hiện dày đặc vết nứt từ đỉnh đến móng. Ngoài những vết nứt rộng, tách đôi công trình và bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại. Thì hiện phần tiền sảnh đã được gia cố trùng tu nhưng gạch nơi lối đi bị mòn, bong tróc làm cho hai trụ trang trí có nguy cơ ngã đổ. Khung cửa nghiêng về mặt Tây Nam, đà bị gãy đôi. Phần mái tháp bị vẹo theo hướng ngược chiều kim đồng hồ”.

Theo ông Hộ, thực tế không riêng gì tháp B3, các công trình kiến trúc khác trong lòng thung lũng Mỹ Sơn đều chịu sự tác động của thời gian và chiến tranh. Cụ thể, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tháp B3 đã bị bom đánh sập tường thân tháp phía Tây và hư hại phần mái công trình.

Đến khoảng thập niên 80 của thế kỉ trước, công trình được trùng tu, gia cố tường phía Tây, mái tháp, một số vị trí trên thân tháp bởi các chuyên gia Ba Lan và Việt Nam.

Vừa qua, BQLDSVH Mỹ Sơn đã lập công văn đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao &Du lịch tỉnh Quảng Nam xem xét có giải pháp chống đỡ cấp thiết tháp B3. Và trong báo cáo hiện trạng của tháp trình lên cấp trên, đơn vị trực tiếp quản lí Thánh địa Mỹ Sơn đã chỉ ra các tác nhân khiến công trình này dần dà trở thành phế tích.

Trong đó, việc chịu sự tác động của thiên nhiên như nước mưa, lũ lụt hằng năm, sinh vật gây hại bên trong lõi tường tháp là một trong những nguyên nhân khiến tháp B3 có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Sở Văn hóa-Thể thao&Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa các nhóm tháp B, C, D Mỹ Sơn vào danh mục những di tích cần bảo tồn cấp thiết trong giai đoạn trung hạn 2016-2020. Tuy nhiên, riêng với tháp B3, muốn xây dựng phương án bảo tồn hiệu quả, trước hết cần phải xử lí nền móng và tìm kiếm nguyên nhân chính của việc nghiêng lún.

Hoài Thu
.
.
.