Ngày Hội Thơ rằm nguyên tiêu: Một lễ hội đẹp và nhân văn

Thứ Hai, 22/02/2016, 06:10
Ngày Rằm Nguyên Tiêu hàng năm đã trở thành một ngày hội, một dịp hội ngộ không chỉ cho những người yêu văn chương, những bạn trẻ, sinh viên, học sinh, các cô, các bác trong những bộ áo dài truyền thống đã đến đông kín Văn Miếu để thưởng thức những màn biểu diễn, các tiết mục đọc thơ, trình diễn thơ của các nhà thơ.


Và hơn thế, ngày Hội Thơ đã trở thành một lễ hội thực sự để hội tụ những người yêu văn chương ở Thủ đô Hà Nội. Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 tổ chức tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào 9h sáng ngày Rằm tháng Giêng năm Bính Thân (tức thứ hai, ngày 22-2-2016).

Năm nay, chủ đề chính ở sân thơ là "Đất nước – Cánh buồm xuân". Cánh buồm là một hình tượng văn học thể hiện cho sự tiến lên, vươn mình lớn mạnh giữa biển lớn của đất nước Việt Nam, cũng chính là sự hướng về biển đảo quê hương của triệu triệu người dân Việt Nam yêu Tổ quốc.

Lễ hội thơ luôn thu hút sự quan tâm của người dân.

Ngày Thơ Việt Nam đã và sẽ được tổ chức như một lễ hội chính thức, nhiều năm qua đã gây được ấn tượng tốt với bạn bè quốc tế nên năm nay mặc dù không mở rộng đến nhiều nhà thơ nước ngoài nhưng vẫn có đại diện của Liên minh Châu Âu là hai nhà thơ đến từ Pháp, Bỉ tham gia đọc thơ cùng các thế hệ nhà thơ Việt Nam. Bên cạnh những hoạt động trình diễn thơ còn có triển lãm văn học theo chủ đề kỉ niệm 70 năm văn học kháng chiến, gợi lại ký ức của thời kì cả dân tộc cùng đứng lên giành độc lập trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Tại ngày hội, lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ "Biển đảo, biên cương" do các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày. Hai nhà thơ Bỉ, Pháp do Phái đoàn châu Âu giới thiệu cũng tham dự góp vui. Tiếp đó là liên khúc thơ "Đất nước mùa xuân" với các nữ nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; rồi liên khúc thơ "Mùa xuân quê hương" với các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương...

Nhà thơ Hoàng Trần Cương đã không giấu được xúc động chia sẻ: "Tôi rất vui khi được đứng trên sân thơ Văn Miếu, đó là một ngôi đền thiêng để chúng tôi được sống lại một thời đam mê tận cùng và say mê tận cùng thơ ca. Thơ ca đã nuôi sống chúng tôi cả một thời tuổi trẻ, vững vàng chiến đấu chống lại kẻ thù và sống đầy hứng khởi để dựng xây đất nước. Nó là một ngọn lửa trầm tích từ bên trong".

 Nhà thơ Anh Ngọc cũng đã không giấu được niềm vui: "Ngày Thơ Việt Nam đã tới lần thứ 14. Nói cách gì, thì đó cũng là một ngày mà Thơ được hưởng ứng và tôn vinh hầu như trên khắp cả nước. Không hiểu sao, cứ mỗi lần có may mắn được đọc thơ, nói chuyện thơ… trước công chúng, nhất là trong những Ngày Thơ, tôi luôn luôn nhớ đến những nhà thơ đàn anh mà chúng tôi vô cùng yêu quý và kính trọng như: Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Anh Thơ, Chính Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoàng Trung Thông... Tôi cứ nghĩ, giá trong Ngày Thơ này mà được gặp gỡ và nghe các nhà thơ lớn đó trò chuyện thì vui biết mấy…".

Năm nay, sân Thơ Trẻ được kỳ vọng bởi những đột phá trong cách thức thể hiện và sự hội tụ của rất nhiều gương mặt trẻ chưa từng đứng trên sân thơ Văn Miếu. Sân thơ trẻ sẽ được mở màn bằng liên khúc "Reo vang bình minh" (bài hát của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) do các em thiếu nhi thể hiện. 

Tiếp đó, các em sẽ trình diễn bốn bài thơ của các nhà thơ nổi tiếng: "Bài ca trồng cây" (Bế Kiến Quốc) – bài thơ này được thể hiện song ngữ Việt - Anh, "Con vện" (Nguyễn Hoàng Sơn), "Mẹ và cô" (Trần Quốc Toàn), "Đồng hồ báo thức" (Hoài Khánh) và hai bài thơ cùng có tên "Quê ngoại" của hai tác giả đạt giải Cây bút Tuổi hồng (do Báo Thiếu niên Tiền phong và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức) là Ý Nhi và Bảo Trâm. Bài hát "Hạt gạo làng ta" phổ thơ Trần Đăng Khoa được dàn dựng theo phong cách mới mẻ, độc đáo. Kết thúc chương trình thơ thiếu nhi, các em sẽ đồng thanh đọc bài thơ "Cốc cốc cốc" của nhà thơ Võ Quảng.

Thiên Kim
.
.
.