Nhà văn Nguyễn Đình Lạp:

Một trong những nhà văn đầu tiên viết về chiến công của lực lượng Công an

Thứ Sáu, 08/01/2016, 09:41
Ngày 7-1, Nhà xuất bản (NXB) CAND tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cuốn sách “Nguyễn Đình Lạp – Tuyển tập”. Đây được đánh giá là cuốn sách tương đối đầy đặn gồm phần lớn những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Lạp mà gia đình ông kết hợp với Nhà xuất bản CAND dày công sưu tầm, tìm kiếm được. Trong số đó, đặc biệt có tác phẩm được cho là một trong những áng văn viết sớm nhất về chiến công lẫy lừng của lực lượng Công an.


Từ tháng 9 - 2013, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ kỉ niệm 100 năm sinh nhà văn Nguyễn Đình Lạp để tưởng nhớ và tôn vinh những cống hiến, tài năng của ông. 

Nhà văn Ngô Thảo đã từng chia sẻ rằng, năm 1962, khi mới ở độ tuổi đôi mươi, ông biết đến Nguyễn Đình Lạp khi quyết định chọn nhà văn này để nghiên cứu trong Luận văn tốt nghiệp năm thứ 3, Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là khoa Văn học, Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội). Tuy nhiên, khi chàng sinh viên Ngô Thảo lúc ấy đi tìm kiếm, thì vì nhiều lý do khác nhau, mọi thông tin về Nguyễn Đình Lạp không còn gì ngoài chính cái tên. 

Thế rồi bằng sự quyết tâm, dày công nghiên cứu, tìm tòi qua nhiều cách khác nhau của mình, Ngô Thảo đã gần như làm sáng tỏ cơ bản con người và sự nghiệp của Nguyễn Đình Lạp trong luận văn mang tên: “Yếu tố nhân đạo và hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Đình Lạp”.

Nhà văn Nguyễn Đình Lạp sinh ngày 19-9-1913 tại làng Bạch Mai, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (nay là phố Bạch Mai, Hà Nội). Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ông nội ông là cụ Nguyễn Đình Phác, một nhà nho yêu nước, một chí sĩ của Đông kinh nghĩa thục, từng bị đày 10 năm ở Côn Đảo vì tham gia vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội. Chú ruột là Nguyễn Phong Sắc, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, phụ trách Xôviết Nghệ Tĩnh 1930. 

Trong dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Đình Lạp, nhà văn Ngô Thảo có viết: Làng Bạch Mai, nơi ông ở, khi ấy là ngoại ô ao tù, bãi rác của Thủ đô. Đây là làng của những người nghèo khổ, sống bằng nghề làm thuê, ở mướn, buôn thúng, bán mẹt, và bán… thân. Họ làm đủ thứ nghề, nào phu xe, đồ tể, giò chả, lưu manh chuyên nghiệp, gái điếm có đăng ký và không đăng ký… Những gia đình thân quen, hàng xóm ấy sau này đã đi vào hầu như toàn bộ sáng tác của ông, từ tin tức, tường thuật cho đến các phóng sự rồi truyện, tiểu thuyết.

Nhà văn Ngô Thảo viết: Số báo “Tiền phong” đầu tiên, mùa thu năm 1945, mà bìa là một lá cờ đỏ sao vàng trùm kín là tác phẩm của nhà thơ - họa sĩ Thâm Tâm, đã có bài của Nguyễn Đình Lạp về niềm vui của người dân được độc lập. Khi giặc Pháp gây hấn ở Nam Bộ, ông có mặt trong đoàn văn nghệ sĩ đầu tiên Nam tiến. Đoàn vào đến Nam Trung bộ, thì phải trở ra, và chỉ kịp về Hà Nội một tuần trước ngày toàn quốc kháng chiến. 

Lúc ấy, theo phân công, Nguyễn Đình Lạp cùng gia đình tản cư vào Thanh Hóa. Làng Quần Tín là nơi tập họp đông đúc gia đình các văn nghệ sĩ. Và Nguyễn Đình Lạp là một trong những văn nghệ sĩ đầu tiên gia nhập quân đội. Ông có tên trong Bộ biên tập mở rộng của báo “Vệ quốc quân”.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái tặng hoa cho thân nhân gia đình nhà văn Nguyễn Đình Lạp.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, cho biết: “Năm 1950, Nguyễn Đình Lạp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1951 - 1952, ông được biệt phái công tác về mặt trận Hà Nội. Thời kỳ này ông đã tham gia viết một số điển hình của Công an Hà Nội trong đó có cuốn truyện nổi tiếng “Chiếc va ly” – viết về nữ Công an Nguyễn Thị Lợi (nhân vật trong tác phẩm lấy tên là Nguyễn Thị Lộc) đã tình nguyện hi sinh để đánh đắm thông báo hạm Amyot DInviblle tối tân của Pháp. Tác giả Phạm Trọng Quân cho rằng: “Đây là một trong những tác phẩm văn học sớm nhất viết về chiến công lừng lẫy của lực lượng Công an”.

Ngày 24-4-1952, tại Quân y viện 32 ở Thanh Hóa, nhà văn Nguyễn Đình Lạp đã trút hơi thở cuối cùng sau một cơn bệnh nặng khi ông chưa đầy 39 tuổi và chưa kịp viết hết những điều ông ấp ủ.

PGS.TS Lê Thị Đức Hạnh nhận xét: “Một điểm nổi bật, có thể nói ít thấy ở những ngòi bút đương thời, là Nguyễn Đình Lạp có một nhân sinh quan mới mẻ, tiến bộ, từ đó soi rọi, nâng đỡ nhân vật”. Còn Giáo sư Phong Lê, thì khẳng định: “Đặc sắc và đóng góp của Nguyễn Đình Lạp đó là sự chuyên tâm hoặc chuyên canh cho thể loại phóng sự - tiểu thuyết, hoặc tiểu thuyết – phóng sự. Là sự kết hợp giữa sự thật của phóng sự và hư cấu của tiểu thuyết mà không gây nên cảm giác giả hoặc gượng”. 

Theo chia sẻ của bác Nguyễn Đình Mạnh và bác Nguyễn Thị Trân – hai người con của nhà văn Nguyễn Đình Lạp, thì để có thể phối hợp với Nhà xuất bản CAND cho ra đời tuyển tập này, gia đình các bác đã phải nhờ đến sự hỗ trợ, giúp đỡ của rất nhiều người, nhiều nguồn. Có nhiều tác phẩm không còn bản thảo ở trong nước, gia đình bác phải nhờ người quen tìm kiếm ở các thư viện bên nước Pháp, sau đó sao chép lại. Việc NXB CAND xuất bản được cuốn sách này, là thực hiện thành công tâm nguyện của gia đình bác Mạnh, bác Trân và toàn thể con cháu đối với người cha, người ông vô vàn kính yêu.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, từ thời ông mới lên chín, lên mười, mượn được cuốn sách của Nguyễn Đình Lạp nhưng bị mối mọt gặm, nước làm vàng ố mất nhiều trang ở phần đầu. Vì vậy, lúc đó ông không có cơ hội được đọc trọn vẹn cuốn sách này và luôn thấy đau đáu, tiếc nuối được thưởng thức hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Đình Lạp.

Theo Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND, việc cho xuất bản Tuyển tập Nguyễn Đình Lạp không chỉ là hành động tri ân tác giả của NXB CAND, mà thông qua cuốn sách này, bạn đọc yêu mến văn chương cả nước cũng có điều kiện tiếp cận đầy đủ hơn với những tác phẩm của một tác giả có tên tuổi, nhân cách lớn của văn học Việt Nam.

.
.
.