Mong muốn điêu khắc hòa mình vào cuộc sống

Thứ Sáu, 23/09/2016, 08:17
Điêu khắc là một ngành của nghệ thuật tạo hình trong loại hình chung nghệ thuật thị giác. Hưởng thụ và cảm nhận những tác phẩm điêu khắc chính là nhu cầu cơ bản của con người, đó là nhu cầu nhận thức về cái đẹp, cái hữu ích hài hòa để con người vươn tới cái đẹp hoàn mỹ.

Thế nhưng, hiện nay nghề điêu khắc nói chung gặp vô vàn khó khăn, những người làm nghề điêu khắc có cuộc sống bấp bênh. Nguyên nhân chính là do thị trường dành cho loại hình nghệ thuật này không có.

PGS.TS Nguyễn Xuân Tiên - Điêu khắc gia, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, thị trường điêu khắc “vắng bóng” người mua, các điêu khắc gia sống được nhờ làm tượng theo nhu cầu của xã hội, của tôn giáo.

Còn các tác phẩm điêu khắc sau khi triển lãm diễn ra thì được cất vào kho hoặc được dựng tại những nơi không phù hợp. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh, cuộc triển lãm điêu khắc quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam vào năm 2015 có hơn 200 tác phẩm gửi dự thi của cả các điêu khắc gia trong nước lẫn quốc tế.

Sau triển lãm, 40 tác phẩm của các điêu khắc gia trong nước, 10 tác phẩm của các điêu khắc gia quốc tế được chọn. Thế nhưng, đã hơn một năm nay những tác phẩm điêu khắc ấy vẫn còn nằm trong trại sáng tác. 

Chính vì những lý do trên mà việc theo học vào ngành điêu khắc giảm rõ rệt, đầu vào khoa điêu khắc tại các trường mỹ thuật có năm trên toàn quốc vỏn vẹn 10 thí sinh, trong đó TP Hồ Chí Minh 4 thí sinh, Hà Nội 6 thí sinh, Huế, Đồng Nai không có thí sinh nào.

Trong giờ học môn điêu khắc của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Nghề điêu khắc cũng như nghệ thuật điêu khắc luôn song hành cùng với cuộc sống của dân tộc Việt Nam. Những người làm điêu khắc cũng giống như những chiến sĩ trên các mặt trận chính trị, văn hóa, xã hội...

Ở mỗi giai đoạn khác nhau, điêu khắc có những vai trò khác nhau. Ngày nay, điều dễ dàng nhận thấy đó chính là việc phát triển nhanh của các đô thị, người người, nhà nhà hòa chung vào dòng chảy đó, thế nhưng nghề điêu khắc lại vẫn đứng im một chỗ, không bắt kịp được cuộc “nhân sinh” đầy mới mẻ của những đô thị mới.

Nguyên nhân dẫn đến việc này theo PGS-TS. Điêu khắc gia Nguyễn Xuân Tiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, là do thị hiếu giữa nhà điêu khắc, nhà quản lý đô thị cũng như người dân không gặp nhau và nghề điêu khắc đang bị mờ nhạt đi vì thiếu tính định hướng. 

Ông Tiên cho biết, quy hoạch đô thị nói chung, thiết kế đô thị nói riêng liên quan tới 3 phạm trù cơ bản, đó là: công năng, trật tự và thẩm mỹ. Sự thành bại của tác phẩm mỹ thuật, đặc biệt là điêu khắc trong không gian văn hóa đô thị bên cạnh giá trị tự thân của nó còn bị chi phối một phần lớn không gian văn hóa nơi đặt để tác phẩm. Đó là môi sinh của tác phẩm chứ không chỉ đơn thuần xấu đẹp của không gian điểm đặt.

Tại TP Hồ Chí Minh, những công trình điêu khắc hoành tráng của thành phố thể hiện về đề tài nhân vật lịch sử và sự kiện lịch sử đang đóng vai trò chủ đạo chiếm tỷ lệ 76%...

Đa số các công trình hoành tráng này, từ phù điêu đến tượng đài, đều thể hiện theo cùng một phương pháp tả chân để đảm bảo tính trung thành với tính lịch sử và đặc điểm các nhân vật.

Do đó, hiện nay thành phố có rất ít, thiếu vắng nhiều các công trình điêu khắc hoành tráng mang tính biểu tượng kết hợp giữa hình khối kiến trúc và điêu khắc thể hiện những đề tài văn hóa vùng miền, nét đẹp thẩm mỹ đặc trưng của TP Hồ Chí Minh.

Đa số các công trình điêu khắc hoành tráng (tượng đài, phù điêu, biểu tượng) của thành phố được thực hiện bằng chất liệu xi măng, bê tông cốt sắt chiếm tỷ lệ 52%, các công trình được thực hiện bằng đồng chỉ chiếm 20%, bằng đá 26%.

Mặt khác, một số công trình có vị trí và nhu cầu phát triển của thành phố cần có những biện pháp khắc phục kịp thời. Mặc dù thành phố có đến 50 công trình điêu khắc hoành tráng (chủ yếu là tượng đài) hiện hữu nhưng chúng ta có rất ít công trình đặt ở những quảng trường, vườn hoa công cộng trung tâm thành phố để làm nhiệm vụ “điểm nhấn” biểu trưng cho nét văn hóa, thẩm mỹ của đô thị mà hầu hết các công trình đều được xây dựng ở những nơi di tích lịch sử thuộc các quận, huyện, ngoại ô, vùng sâu, vùng xa, trong khuôn viên các bảo tàng, công sở, trường học. Vì thế, TP Hồ Chí Minh có rất nhiều các công trình điêu khắc hoành tráng nhưng vẫn thiếu rất nhiều các công trình “xứng tầm” làm điểm nhấn cho không gian văn hóa đô thị và 24 quận, huyện.  

Theo PGS TS Nguyễn Xuân Tiên, ngày nay, dường như mọi người chỉ quan tâm đến lĩnh vực kiến trúc trong việc phát triển đô thị; trong khi đó, mối quan hệ của kiến trúc và điêu khắc cần phải được quan tâm hơn bao giờ hết trong không gian văn hóa đô thị.

Lịch sử kiến trúc nhân loại đã chứng minh, những công trình nghệ thuật hoành tráng, kỳ vĩ, đẹp và trường tồn đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa.

Người thực thi kết cấu đô thị trong cuộc sống cần phải là một kiến trúc sư trưởng có kiến thức sâu rộng về quy hoạch, kiến trúc, mỹ thuật và một nhà quản lý kiến trúc đô thị có tầm nhìn – cả hai điều đó đều thiếu vắng ở đô thị nước ta.

“Thiếu uy lực của một bàn tay nhà quản lý, thiếu cá tính của một kiến trúc sư – nhạc trưởng, chỉ huy dàn nhạc kiến trúc đô thị”… PGS Tiên nhấn mạnh.

Hải Âu
.
.
.