Mẫu tượng đài Hùng Vương được lựa chọn kỹ càng

Thứ Hai, 09/01/2017, 18:06
Việc chọn mẫu tượng đài Hùng Vương cũng là vấn đề đang được dư luận chú ý với nhiều ý kiến bày tỏ liệu việc lựa chọn có đảm bảo tính khách quan hay không? Câu trả lời cuối cùng sẽ có sau buổi làm việc giữa UBND tỉnh Phú Thọ với Ban Bí thư Trung ương Đảng vào ngày 10-1 về việc chọn mẫu nào để xây dựng tại Khu di tích lịch sử đền Hùng (Phú Thọ). Kết quả cuối cùng sẽ dựa trên hai mẫu tượng đài đã vượt qua 2 vòng thi tuyển: từ phía Hội đồng chuyên môn và ý kiến nhân dân.

Ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhận thức tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử cũng như tâm linh của tượng đài Hùng Vương, Hội đồng nghệ thuật gồm 11 thành viên, là các nhà chuyên môn thuộc lĩnh vực điêu khắc, hội họa đã thống nhất cao về phương thức chấm chọn. 21 tác phẩm tham gia dự thi đã được đánh mã số ngẫu nhiên, riêng mã số dự thi của tác giả được niêm phong theo hình thức bảo mật. 

Sau 3 lần bỏ phiếu bình chọn, Hội đồng nghệ thuật thống nhất chọn ra 3 phương án, tác phẩm tiêu biểu được vào vòng 2, đồng thời được Ban tổ chức mở công khai niêm phong để xác định các tổ chức, cá nhân tác giả của từng phương án theo thứ tự phiếu bình chọn từ cao xuống thấp. Theo đó, phương án của Công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội đạt 9/10 phiếu. Phương án của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh đạt 7/10 phiếu và phương án của Công ty cổ phần Mỹ thuật Trung ương đạt 6/10 phiếu.

Các mẫu tượng đài Hùng Vương

Ông Lưu Quang Huy, Giám đốc BQL khu di tích đền Hùng cho biết, đúng vào dịp Giỗ tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng năm 2016, Ban tổ chức đã trưng bày các mẫu tác phẩm tượng đài Hùng Vương để lấy ý kiến nhân dân và các nhà khoa học. Nhiều người dân đã xem và đóng góp ý kiến. Đã có 9.991 phiếu thu được từ cuộc trưng cầu ý kiến này và phương án của công ty TNHH xây dựng Mỹ thuật Hà Nội ( HV01) đạt 8.213 phiếu (82,2%), phương án của nhóm tác giả Phạm Xuân Khánh (HV-03) đạt 1.061 phiếu (10,62%) và phương án của Công ty cổ phần Mỹ thuật Trung ương (HV-02) đạt 717 phiếu (7,18%).

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, thành viên Hội đồng tuyển chọn, để chọn ra được 3 mẫu phác thảo tốt nhất từ 21 phương án gửi tới, Ban tổ chức phải làm việc trên cơ sở chấm và xét chọn công khai, minh bạch tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Trong đó, có  các thành viên của Hội đồng nghệ thuật, Ban chỉ đạo, Ban tổ chức cuộc thi cùng một số cơ quan truyền thông. 

Các mẫu phác thảo đều có thiện cảm, về tạo hình đều gửi gắm ý tưởng và tinh thần của nhân vật vào dáng đứng và đôi tay. Tuy nhiên, mẫu tượng HV 01 có ưu điểm nổi trội hơn nên đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ phía Hội đồng nghệ thuật. Các phương án, tác phẩm được chọn tiếp tục được các tác giả chỉnh sửa, hoàn thiện, thể hiện nâng cao mẫu phác thảo theo thể lệ cuộc thi và góp ý của Hội đồng nghệ thuật. Trong thời gian này, BTC đã trưng bày 3 tác phẩm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng để lấy ý kiến nhân dân và các nhà chuyên môn.

Ông Vi Kiến Thành cũng nghiêng về phương án được gần 90% người dân ủng hộ, vì cho rằng đáp ứng tốt nhất yêu cầu mỹ thuật cũng như nội dung tư tưởng. Tuy nhiên, nếu được chọn, tác giả vẫn phải chỉnh sửa để hoàn thiện thêm trước khi chính thức đưa vào xây dựng.

Bà Phạm Thị Mai Hoa - Giám đốc Công ty TNHH xây dựng mỹ thuật Hà Nội, nghệ nhân đúc đồng đã từng đúc tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông (Yên Tử), cũng là người có mẫu Tượng đài Hùng Vương HV01 chia sẻ niềm vui vì tác phẩm của mình được 90% người dân ủng hộ.

Phương án HV01 với hình tượng vua Hùng đứng trên bệ vững chắc với hình khối khỏe khoắn, gương mặt quắc thước nhưng hiền từ, gần gũi trong tư thế đứng hiên ngang, tự tin của một vị vua khởi đầu dựng nước. Tay phải giơ ngang ngực hướng về phía trước tạo sự giao lưu với công chúng tượng trưng cho hình ảnh đón con cháu về, một tay đỡ những bông lúa thể hiện cho nền văn minh lúa nước, văn minh nông nghiệp. 

Trang phục của Tượng Quốc Tổ Hùng Vương được tham khảo từ các hoa văn trang trí chủ yếu từ trống đồng Đông Sơn. Bệ tượng là hình khối điêu khắc chuyển tải nội dung hồn thiêng sông núi theo truyền thuyết, được cách điệu mây và chim lạc, thuyền và sóng nước gợi về nền văn hóa Đông Sơn thời kỳ Văn Lang – Âu Lạc, được bố cục chắt lọc về hình, khối và không gian

Thanh Hằng
.
.
.