Lung linh dòng sông Trăng

Chủ Nhật, 10/11/2019, 09:00
Tối 9-11, tại sông Maspéro đã diễn ra hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu với sự tham gia của đại diện các chùa của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng khiến cho cả đoạn sông trở nên lung linh bởi ánh đèn từ các đèn nước và các ghe Cà Hâu tỏa sáng….


Trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc – Đua ghe Ngo Sóc Trăng lần thứ IV – Khu vực ĐBSCL 2019, tối 9-11, tại sông Maspéro, đoạn giữa cầu C247 (cầu Quay) và cầu 30/4 (cầu Cao), thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu với sự tham gia của đại diện các chùa của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng khiến cho cả đoạn sông trở nên lung linh bởi ánh đèn từ các đèn nước và các ghe Cà Hâu tỏa sáng….

Thả đèn nước, hay còn gọi là Lôi Prôtip, là họat động lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ có xuất xứ từ đạo Phật. Lễ hội thả đèn nước bắt đầu bằng việc rước những chiếc đèn vòng quanh xóm ấp, trong tiếng trống sadăm rộn rã. Những chiếc đèn nước được mô phỏng theo kiến trúc ngôi chánh điện hoặc hình dáng ngọn tháp để kinh thư trong chùa. 

Sau khi có bản phác thảo, người thợ bắt đầu làm phần khung đèn, có thể bằng gỗ hoặc kim loại, phần khung này tạo nên hình dáng, giúp cho đèn đứng vững trên mặt nước. 

Thả đèn nước, hay còn gọi là Lôi Prôtip, là họat động lễ hội văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ có xuất xứ từ đạo Phật. 

Tiếp đến phần thân, mái ngói và đỉnh chóp cũng được tạo hình bằng giấy bìa cứng hoặc bằng những chất liệu phù hợp. Sau đó, đèn nước được trang trí hoa văn và gắn đèn thắp sáng.

Sau khi đèn làm xong sẽ được người dân tổ chức rước đèn đi một vòng quanh xóm ấp rồi tập trung về sân chùa để làm lễ, nghe sư tụng kinh cầu tam bảo, thể hiện lòng biết ơn Mặt Trăng, Mặt Đất, nguồn nước và mong tha thứ lỗi lầm cho con người. Bà con trong vùng cũng tề tựu lại thắp hương, cúng dường, gửi gắm những ước nguyện của mình. 

Thiếu nữ Khmer múa hát trên ghe Cà Hâu.

Lễ thả đèn nước có từ rất lâu, theo truyền thống đồng bào Khmer. 

Theo bà con người dân tộc Khmer, lễ thả đèn nước có từ rất lâu, theo truyền thống đồng bào Khmer. Việc tổ chức thả đèn nước nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer theo nghi thức Phật giáo Nam Tông. Trong buổi lễ có chuẩn bị các nông sản như khoai, xoài, cam, dừa... nhằm động viên bà con phấn đấu lao động sản xuất, nâng cao đời sống.  

Trong đêm thả đèn nước còn có biểu diễn múa trống sadăm, múa lâm thol hay biểu diễn nhạc ngũ âm, làm cho lễ hội thêm đặc sắc. Sau nghi lễ, những chiếc đèn nước được thả trên sông hay kênh rạch gần xóm làng, mang theo ước nguyện của người dân về một năm mưa thuận, gió hòa.

Người dân Theo dõi cuộc thi.

Bên cạnh thả đèn nước còn có hội thi phục dựng ghe Cà Hâu. Được biết, trước đây, trong lễ hội Oóc om bok - Đua ghe ngo, các chùa, các đội ghe Ngo khi đi đua thường có ghe Cà Hâu đi kèm. Ghe này giữ vai trò như ghe chỉ huy, chở ban quản trị chùa và chức sắc của chùa, đồng thời cũng là ghe hậu cần để phục vụ cho cho đội ghe đua. Ghe được trang trí rất đẹp, được xem là chiếc ghe truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer. Theo người dân, ghe Cà Hâu là được làm từ một cây gỗ lớn, có chiều dài khoảng 25 m, chiều rộng 1,9 m, có dầm để chèo, sức chứa khoảng trên 20 người. 

Thế nhưng, từ nhiều năm qua, chiếc ghe Cà Hâu gần như vắng bóng trong các dịp đua, thậm chí ở các chùa cũng không còn xuất hiện. Trước thực trạng đó, năm 2016, tỉnh Sóc Trăng tổ chức phục dựng lại và tổ chức hội thi phục dựng ghe Cà Hâu trong Lễ hội Oóc om bok - Đua ghe ngo.

Cao Xuân
.
.
.