Điều chỉnh quy định xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú:

Loay hoay tìm tiếng nói chung

Thứ Tư, 13/11/2019, 08:34
Sau 5 năm tổ chức thực hiện, Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) đang bộc lộ hàng loạt các vấn đề bất cập, đòi hỏi phải được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.

Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào và bổ sung những gì cho phù hợp thì đến thời điểm hiện tại vẫn còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Về vấn đề này, ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua, Khen thưởng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thừa nhận, việc trao tặng danh hiệu cao quý của Nhà nước cho các nghệ sĩ đã góp phần động viên, khích lệ các văn nghệ sĩ – “những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” hết mình cống hiến cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, say mê trong sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật, có nhiều chương trình, tác phẩm, tiết mục nghệ thuật có giá trị phục vụ nhân dân. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn có một số vướng mắc trong quá trình xét tặng.  Cụ thể, trong đợt xét tặng danh hiệu  NSND, NSƯT lần thứ 8 và lần thứ 9, có một số trường hợp đề nghị xét tặng danh hiệu chưa đạt đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định nhưng tại các cuộc họp Hội đồng xét tặng danh hiệu các cấp, qua thảo luận, các thành viên Hội đồng đều thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét vận dụng về số lượng huy chương đề nghị Chủ tịch nước xét phong tặng, truy tặng danh hiệu cho một số nghệ sĩ. 

Đây là những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tích cực phục vụ và cổ vũ tinh thần lao động của nhân dân, phục vụ cho bộ đội và cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật tại địa phương. 

Các nghệ sĩ là người dân tộc, nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống, do đặc thù ngành nghề nên ít có điều kiện, cơ hội tham gia các liên hoan, hội diễn chuyên nghiệp nhưng tích cực phát triển phong trào văn hóa nghệ thuật tại địa phương, tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của đất nước. 

Các nghệ sĩ là giảng viên các Trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, do vừa là thành viên Ban Giám khảo, Hội đồng chấm thi, đồng thời tham gia biểu diễn các chương trình lớn phục vụ hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các nhiệm vụ chính trị nhưng khó tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. 

Nhiều nghệ sĩ đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia và đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế, nghệ sĩ hoạt động trong loại hình nhạc giao hưởng thính phòng,  nhạc vũ kịch do đặc thù ngành nghề, ít có các cuộc thi được tổ chức… không đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định, dù rằng, họ được nể trọng, uy tín cao trong giới hoạt động nghệ thuật và trong quần chúng nhân dân…

Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần IX năm 2019.

Cũng theo ông Phùng Huy Cẩn, quy định về thời gian tham gia hoạt động của nghệ sĩ đang còn bất cập. Một số cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật lâu năm nhưng được đào tạo theo hình thức nghề truyền nghề, không qua đào tạo cơ bản. 

Nhiều nghệ sĩ lão luyện chưa tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp nào. Một số nghệ sĩ trẻ, tài năng, dù đang học trong trường nhưng có nhiều thành tích nghệ thuật và hoạt động nghệ thuật nhiều năm. Nếu lấy tiêu chí là tốt nghiệp một trường nghệ thuật chuyên nghiệp, tính đến thời điểm xét hồ sơ tặng danh hiệu NSND, NSƯT là chưa phù hợp. 

Trong khi đó, quy định chỉ cần 75% thành viên Hội đồng trở lên, trong đó có Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền, những thành viên Hội đồng vắng mặt được lấy ý kiến bằng phiếu cũng không hợp lý. Vì vậy, cần tăng lên 90% thành viên Hội đồng dự họp và bỏ quy định lấy ý kiến bằng văn bản đối với thành viên vắng mặt.  

Về tỷ lệ phiếu bầu, nhiều ý kiến cho rằng, đòi hỏi hồ sơ được xét tặng phải đạt ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng bỏ phiếu đồng ý là quá cao, nên giảm còn 78% hoặc 80%.

Bày tỏ sự đồng tình với những kiến nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng NSND Lê Tiến Thọ cho rằng, cần thay đổi cả về tiêu chí huy chương, cho phép quy đổi một số huy chương bạc để thành huy chương vàng là không hợp lý. 

Hội đồng cấp cơ sở cần phải làm chặt chẽ, công tâm, hợp tình hợp lý vì các thành viên là người sâu sát với các nghệ sĩ nhất. Song, không vì thế các trường hợp không đủ tiêu chí là đẩy hết lên cho Hội đồng cấp trên. Bởi lẽ, Hội đồng cấp trên gồm nhiều thành viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau, không thể nắm chắc hoạt động nghệ thuật, cống hiến của từng nghệ sĩ như Hội đồng cơ sở, chỉ xét trên hồ sơ, khó tránh khỏi “cảm tính” khi bỏ phiếu.

NSND Thanh Hoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền của các nghệ sĩ biểu diễn cho rằng, “trong lao động sáng tạo nghệ thuật, Huy chương Vàng là vàng, Huy chương Bạc chỉ là bạc. 

Những nghệ sĩ thực sự sẽ hiểu vai trò và trách nhiệm của người nghệ sĩ là người làm văn hóa, đem văn hóa đến với tất cả cộng đồng, không nên sống ảo, không nên chạy theo danh hiệu. Hiện nay, nhiều người là NSND nhưng mất úy tín trong quần chúng. 

Càng ngày càng có những cuộc chạy huy chương lộ liễu. Huy chương vàng cần có để khuyến khích nghệ sĩ nhưng là đánh giá trong ngành, không đánh giá được cống hiến của nghệ sĩ đối với xã hội. Mà đã là NSND thì nghệ sĩ phải cống hiến cho nhân dân. Nếu cống hiến cho ngành, chỉ cần 2, 3 Huy chương Vàng là đánh giá được, nhưng để trở thành NSND như thế chưa đủ, vì uy tín trong nhân dân quan trọng hơn nhiều. 

Ngay Hội đồng xét duyệt cũng cần chọn được thành viên hội đồng xứng đáng. Ngày xưa rất nhiều nghệ sĩ sẵn sàng đi chiến trường biểu diễn trong khi con cái ở nhà còn rất nhỏ. Nhiều nghệ sĩ tự do làm việc 20-30 năm trong nghề bày tỏ họ không biết gửi hồ sơ đề nghị xét tặng đi đâu. 

Hội Bảo vệ quyền nghệ sĩ biểu diễn đã từng nhận hồ sơ của họ để đề nghị xét tặng danh hiệu nhưng không hợp quy chế. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ còn trẻ, không biết nghệ sĩ lớp trước như chúng tôi. Các nghệ sĩ đã già, không thể đi thi, cũng không lên tivi nên không được nhiều người biết nữa” – NSND Thanh Hoa khẳng định.

NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng cho rằng, nếu đã xét  đến các đối tượng có đóng góp trong những năm tháng kháng chiến thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên có văn bản thống nhất gửi về các ngành để xét luôn một đợt cho đồng đều, tránh tình trạng như vừa qua, một số nghệ sĩ ở lĩnh vực này được giục làm hồ sơ kê khai thì được xét, nhiều lĩnh vực, nghệ sĩ không được hướng dẫn, không biết để kê khai thì không được xét phong tặng danh hiệu nên rất thiệt thòi. 

Các giải thưởng cũng cần bổ sung thêm cho nhiều chức danh khác như biên tập phim, đạo diễn hậu kỳ… Đây là những người có đóng góp quan trọng cho sự thành bại của một bộ phim nhưng chưa được quan tâm.

N.Nguyễn
.
.
.