Kho tư liệu về kiến trúc làng Việt

Thứ Ba, 15/09/2020, 07:35
Cuốn sách ảnh “Kiến trúc làng Việt cổ qua kho tư liệu của Viện Bảo tồn di tích” là một kho tư liệu về kiến trúc làng Việt cổ, được ra mắt đến đông đảo nhà nghiên cứu và bạn đọc quan tâm…

Bằng sự nghiên cứu công phu, cuốn sách là tổng thể các tư liệu ảnh, bản vẽ các mặt của những ngôi nhà, ngôi làng nông thôn Việt của một số làng cổ nổi tiếng. Đó là các ngôi làng đậm chất đồng bằng Bắc Bộ như làng cổ Cự Đà (Hà Nội), làng Nôm (Hưng Yên), làng Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), làng Hành Thiện ở Nam Định, hay các làng cổ khác như làng cổ Phước Tích, làng cổ An Truyền thuộc Thừa Thiên Huế…

Cầu Đá làng Nôm.

Nói đến làng cổ, người ta có thể hình dung rất nhiều nét văn hóa còn hội tụ trong làng, cả về văn hóa, kiến trúc, nghề nghiệp lẫn nếp sống của con người trong ngôi làng đó. Đa số các làng cổ được lưu lại đều còn đầy đủ thiết chế văn hóa của một làng Việt truyền thống, từ đường làng ngõ xóm, cổng làng, cổng xóm đến các công trình tôn giáo tín ngưỡng và hàng chục ngôi nhà gỗ dân gian truyền thống.

Tuy nhiên những ngôi nhà hiện còn tồn tại với số lượng rất ít. Nhưng với giá trị văn hóa vô giá của nó về du lịch cũng như về kiến trúc thì việc bảo tồn và phát huy luôn được đặt trên hàng đầu. Hiện mỗi ngôi làng còn tồn tại khoảng 20 căn nhà, đa số được xây dựng trong giai đoạn thế kỷ 19.

Theo tư liệu kiến trúc, những ngôi nhà cổ ở đồng bằng Bắc Bộ thường được quy hoạch khuôn viên rộng rãi, xung quanh có hàng rào, cổng xây bằng gạch đất nung, lợp mái ngói. Hai bên nhà chính là các nhà phụ. Ngôi nhà dân gian thường bố trí ở giữa khu đất. Tổ hợp giữa nhà chính và nhà phụ thông thường theo 4 hình thức: Nhà hình chữ Nhất, hình thước Thợ, hình chữ Đinh và hình chữ Môn.

Nhà chính gồm 5-7 gian, kết cấu chịu lực vì kèo gỗ 6 cột khắc với các đường nét tinh xảo, các bộ vì kèo là vì kèo suốt – giá chiêng, vì kèo thước kẻ - sau bẩy; vì kèo kẻ truyền – giá chiêng, vì kèo chồng giường hoặc kết hợp các vì kèo khác nhau trong cùng một ngôi nhà.

Tổ chức không gian nhà ở: gian giữa thờ cúng tổ tiên, các gian bên bố trí không gian tiếp khách và nơi ngủ cho đàn ông, gian buồng là nơi ngủ cho đàn bà, con gái. Nhà phụ là bếp nấu, nơi làm nghề phụ và để nông cụ sản xuất.

Chính vì cách bố trí như vậy nên nhà ở nông thôn có được ưu thế là mát mẻ, thanh bình bởi cảnh quan xanh mát xung quanh, gần gũi với thiên nhiên.

Các nhà nghiên cứu cũng như những người yêu thích văn hóa cổ thường rất thích thú khi nghiên cứu và ngắm nghía những công trình nhà cổ và những công trình văn hóa cổ còn lưu giữ lại trong những ngôi làng như thế này. Tất cả tạo cho người tham quan một cảm giác thư thái, nhẹ nhàng, tĩnh tại so với phố xá ồn ào ngoài kia. Làng Cự Đà có những cổng xóm đã bung hết vữa, hở ra cả màu gạch đỏ; hay cũng có những cổng làng trát vôi vữa, qua mưa nắng thời gian mấy chục năm đã ngả sang màu xanh rêu. Những cánh cổng gỗ im lìm, khép kín, những ngôi nhà gỗ mấy chục năm, nước sơn đã ngả màu, nhưng lại mang trong mình một giá trị lịch sử và tinh thần vô giá.

Nghề làm gốm ở Phước Tích.

Làng Nôm ở Hưng Yên được đề cập trong cuốn sách là rất nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng cổ, những đình, chùa, miếu, di chỉ…, là hình ảnh cây cầu đá mà ít nơi có, hay là một ngôi chợ quê đặc trưng với những gian nhà ngói xây đơn giản, chỉ có mái, trong đó những người bán hàng xén, cứ mỗi người một gian. Tạo thành một không gian quần cư rất đặc trưng, mà ở đó người ta sống thời gian có khi nhiều hơn ở nhà.

Hay làng Thổ Hà lại có đặc trưng nhà và tường làng kiến trúc đá ong, là một vật liệu đặc biệt và bền, chắc và mát.

Ngôi làng Hành Thiện ở Nam Định nhìn trên mặt cắt có hình giống như một con cá. Làng nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, với hình thế nhìn như một con cá chép, đầu cá quay ra sông Ninh Cơ, đuôi cá quay về hướng sông Hồng, khu cư trú chính nằm ở phần bụng cá và mang cá, được chia thành 14 dong, tương ứng với 14 xóm. Các ngôi nhà được xây hướng Nam hoặc Đông Nam để tránh gió bão.

Hai ngôi làng cổ ở Huế là An Truyền và Phước Tích ở Huế đều hình thành từ khoảng thế kỷ 14-15. Lịch sử hình thành làng An Truyền gắn liền với sự hình thành và phát triển của xứ Thuận Hóa và giai đoạn di dân của người Việt thế kỷ 14-15. Làng cách thành phố Huế 5km về phía Đông. Là một ngôi làng không rộng lắm nhưng cư dân đông đúc, sống hiền hòa với ruộng vườn, đầm phá. Là một làng ven đầm phá nên An Truyền có cấu trúc làng cũng đặc trưng. Các trong làng có bố cục hình răng lược, bám dọc theo hai con hói hai bên.

Làng cũng còn lưu giữ nhiều công trình văn hóa tín ngưỡng. Đình An Truyền nằm ở vị trí trung tâm của làng. Nhiều nhà thờ họ nằm dọc hai bên con hói, nhìn ra cánh đồng làng. Vào những năm cuối thế kỷ 20, số lượng nhà rường cổ ở An Truyền còn nhiều, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 7 ngôi nhà cổ.

Hình ảnh cụ già Nguyễn Thị Thú ở làng An Truyền tuổi già cô đơn, ngồi một mình bên mâm cơm, nhưng ánh mắt rất tinh anh, làn da nhăn nheo, đồi mồi khoẻ khoắn, chứng tỏ cụ có một sức khỏe dẻo dai, vẻ đẹp của người cả đời lao động. Một hình ảnh tạo nên một sự gần gũi, ấm áp.

Làng cổ Phước Tích hiện lên đỏ rực với những lò gốm, những đời người gắn bó với nghề cổ. Những người nông dân chân chất, bàn tay nhem nhuốc nhưng da mặt đỏ hồng khỏe khoắn vì sự lao động. Nghề làm gốm có từ thế kỷ 16. Nhiều sản phẩm gốm Phước Tích còn trở thành đồ dùng của triều đình. Làng cổ Phước Tích thuộc xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do không có ruộng để sản xuất nông nghiệp nên người dân Phước Tích chủ yếu làm gốm, buôn bán, dép dầu chuồn và lấy sông Ô Lâu làm đường thủy chuyên chở hàng hóa.

Làng Phước Tích được bao bọc bởi sông Ô Lâu và nhìn tổng thể, ngôi làng như những nan quạt xòe ra. Đường trục chính của làng chạy bao quanh với một bên là bến sông, một bên là các nhà thờ họ với mặt chính hướng ra sông. Trong làng có đến 12 bến sông. Sự ngăn chia giữa các nhà chỉ là những hàng rào chè tàu thấp, được xén tỉa gọn gàng, tạo thành một màu xanh liên hoàn. Tổ chức không gian làng Phước Tích là điển hình cư trú cho một ngôi làng Việt ở vùng Bắc Trung bộ.

Giống như những làng cổ ở đồng bằng Bắc Bộ, là nơi thăm thú, tham quan cho du khách cũng như nghiên cứu, thì hai ngôi làng cổ ở xứ Huế cũng là những điểm thu hút du lịch với mỗi du khách tham quan khi đến thành phố Huế. Vị trí thuận lợi là cách thành phố Huế không xa, làng Phước Tích và An Truyền với giá trị văn hóa làng sẽ đón nhiều du khách tới thăm. Tuy nhiên, việc bảo tồn cũng luôn đi đôi với phát triển. Giữ cho được những nét văn hóa cổ của làng nhưng cũng phải đi đôi với bài toán phát triển kinh tế làng.

Khánh Linh
.
.
.