Khám phá rừng dừa Bảy Mẫu – Hội An dịp đầu năm

Thứ Sáu, 18/01/2019, 23:24
Đến với Hội An, ngoài những điểm đến quen thuộc đã trở thành biểu tượng của phố Hội, hãy thử một lần ghé qua thôn Vạn Thanh, xã Cẩm Lăng để được thử trải nghiệm ngồi thuyền thúng khám phá rừng dừa nước Bảy Mẫu đặc sắc và mới lạ nơi đây.

Trước đây, khu vực này có khoảng 7 mẫu dừa tự do sinh sôi nảy nở nên được đặt tên là rừng dừa Bảy Mẫu. Trong thời chiến, khu vực này từng là căn cứ địa cách mạng gắn liền với những sự kiện lịch sử và những chiến công vang dội của quân và dân Hội An nói riêng và nhân dân Quảng Nam nói chung.

Những rặng dừa trải dài bạt ngàn như vô tận trở thành nơi trú ẩn an toàn cho quần chúng nhân dân tránh khỏi sự càn quét của giặc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Người dân dùng thuyền thúng để chuyên chở khách du lịch

Rừng dừa nước Bảy Mẫu nằm giáp giữa sông Đế Võng, Thu Bồn và sông

Hoài ngay khu vực Cửa Đại. Dù mới được đưa vào khai thác du lịch trong vài năm gần đây, nhưng nơi này đã thu hút sự chú ý của không ít khách du lịch trong và ngoài nước.

Những ngày đầu năm mới, lượng khách du lịch đến rừng dừa nhiều hơn những ngày bình thường rất nhiều mặc cho thời tiết có phần lạnh và âm u. Cô chủ khu du lịch với chất giọng miền Trung ngọt lịm niềm nở phát cho mỗi người lên thuyền một chiếc áo mưa, không quên nhắc khách tham quan mặc áo phao để đảm bảo an toàn.

Mỗi chiếc thuyền chở được từ 2-3 khách và một người dân bản địa cầm chèo

Thuyền chạy xuôi dần sống theo nhịp chèo của chú lái thuyền, vừa đi, chú vừa kể chuyện và giải đáp những thắc mắc của khách đi thuyền: “Nhìn vậy thôi chứ nó (thuyền thúng) dẻo dai vô cùng, bao nhiêu nắng mưa bão bùng cũng khó mà hỏng được”.

Càng đi vào sâu, chúng tôi lại càng gặp nhiều những đoàn du lịch nước ngoài, nhất là khách Hàn Quốc và Trung Quốc. Có vẻ người dân ở đây không lạ lẫm gì với điều này, vì hai bên bờ sông xuất hiện khá nhiều điểm du khách Hàn Quốc tập trung xung quanh một chiếc thuyền lớn, trên thuyền là một vài hướng dẫn viên du lịch người Việt hát tiếng Hàn rất bài bản. Và đó là lúc chúng tôi được chứng kiến “xiếc thuyền thúng” lần đầu tiên. Hoạt động này thường xảy ra khi có đoàn khách lớn tham gia. Những thuyền lẻ – như chúng tôi – thì có thể cập thuyền lại gần và xem ké.
 
Những “nghệ sĩ xiếc” nghiệp dư đang biểu diễn trên sông nước

Người thanh niên khua mái chèo nhanh, mạnh và liên tục theo tiếng hò reo của du khách xung quanh để làm chiếc thuyền thúng xoay vòng tròn. Bên cạnh việc giữ được thăng bằng, những người làm nghề lắc thúng còn phải có những kĩ năng biểu diễn sao cho nước bắn lên phải tạo ra vòng xoáy thật đẹp mắt.

Bên cạnh những tràng pháo tay tán thưởng, thì tiền thưởng của du khách liên tục được đưa đến qua mái chèo là cũng động lực cổ vũ rất lớn cho người biểu diễn. Tuy chỉ kéo dài khoảng 3-5 phút nhưng màn trình diễn đã thực sự để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khách du lịch, đặc biệt là các du khách nước ngoài.

Một người dân địa phương đang làm nhẫn từ lá dừa.
Thuyền chúng tôi lại tiếp tục di chuyển về phía trước. Không khí trong lành mát mẻ nơi đây mang lại cho mọi người một cảm giác bình yên đến lạ thường. Thấp thoáng đằng xa là những chiếc thuyền thúng con đang dừng đỗ bên bờ sông. Trên thuyền, người cầm lái đang đan thoăn thoắt lá dừa nước trong ánh mắt tán thưởng của đôi vợ chồng người Hàn Quốc trẻ tuổi. Chỉ vài phút sau, hình dáng chiếc nhẫn đã hiện ra rõ ràng, rồi đến một con dế, rồi cành hoa hồng. 

Theo lời người lái thuyền chúng tôi, thì đấy là những món quà nhỏ dân dã thay cho lòng hiếu khách và cũng là lời cảm ơn đến những du khách đến thăm quan và tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân Hội An. Mỗi ngày, chú chỉ chở khoảng 4-5 lượt khách nhưng cũng phần nào có một lượng thu nhập ổn định đủ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày. Bắt gặp ánh mắt hiếu kì của tôi, chú cũng cho thuyền vào bờ và cũng chỉ mất một vài cái đan tay để tôi có được một chiếc vòng đội đầu cho riêng mình.

Các du khách nước ngoài hào hứng, vui vẻ với những món quà được tặng
Trời về chiều, thuyền chúng tôi bắt đầu bẻ lái quay về trong sự tiếc nuối với cảnh vật nơi đây. Nếu đi vào tầm tháng 8 âm lịch, các bạn còn có thể thưởng thức món cơm dừa nước vừa ngon vừa bùi, được trực tiếp quăng lưới đánh cá hay bắt rạm với người dân bản địa. 

Có lẽ chính bởi vậy mà nơi đây được mệnh danh là "Miền Tây trong lòng phố Hội". 

Tạm biệt Hội An, hi vọng rằng nếu ai có dịp tới đây thì hãy thử một lần trải nghiệm khám phá cảnh quan tuyệt đẹp ở rừng dừa Bảy Mẫu và chèo thuyền thúng để thử cái cảm giác lênh đênh trên sông nước nơi đây.

Trần Hồng Hạnh
.
.
.