Khám phá các khả thể mới trong âm nhạc truyền thống Việt Nam

Thứ Ba, 18/06/2019, 15:35
Diễn ra trong 20 ngày liên tục tại Hội An, chương trình lưu trú FAMLAB tháng 6 đã tạo cơ hội cho 43 nghệ sĩ đến từ các vùng miền khác nhau của Việt Nam và Vương quốc Anh khám phá các khả thể mới trong âm nhạc truyền thống Việt Nam.

FAMLAB tháng Sáu với điểm nhấn là buổi hòa nhạc ngoài trời sẽ là thành quả của quá trình 20 ngày cùng nhau làm việc của các nghệ sĩ. Đây là buổi diễn tổng kết chia sẻ với công chúng diễn ra vào ngày 25-6 tại Công viên Văn hóa Đồng Hiệp, Hội An. 

Chương trình lưu trú diễn ra trên khung nền là âm nhạc bản địa từ các khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và của dân tộc Chăm (Nam Trung Bộ), với sự tham gia của các nghệ nhân từ Tuyên Quang, Lai Châu, Gia Lai, Đắk Lắk và Bình Thuận. 

Poster của chương trình.

Đóng vai trò cố vấn và điều phối nghệ thuật là các nghệ sĩ từ Phù Sa Lab: Nguyễn Nhất Lý (giám đốc âm nhạc cho các chương trình của Lune Production như Làng tôi, À ố, Palao, v..v..), Nguyễn Đức Minh và Quyền Thiện Đắc, cùng khách mời đặc biệt nhạc sĩ Ngọc Đại. Một số cái tên đáng chú ý khác gồm Nhóm Đàn Đó với các nhạc cụ tự chế lấy cảm hứng từ âm nhạc bản địa cũng như các vật dụng hàng ngày, và ca sĩ Đỗ Nguyễn Mai Khôi.

Lưu trú FAMLAB tháng Sáu thuộc hợp phần FAMLAB của Dự án Di sản Kết nối, được phối hợp thực hiện cùng Lune Production và Phù Sa Lab, với sự tham gia của Giám đốc Âm nhạc Nguyễn Nhất Lý cùng các thành viên của dàn nhạc SEAPHONY.

Chương trình lưu trú với sự tham gia của ba nghệ sĩ đương đại Scotland được biết đến qua các thử nghiệm cùng các giá trị truyền thống: Tom Bancroft (trống bodhran), Esther Swift (đàn harp) và David Shedden (kèn túi), lưu trú FAMLAB cũng sẽ đưa đến một cơ hội hiếm hoi cho các giao thoa và cộng hưởng giữa hai nền âm nhạc bản địa Việt Nam và Scotland vốn tồn tại nhiều tương đồng.

Tiên An
.
.
.