Liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” năm 2020:

Khắc họa sâu sắc cuộc chiến không khoan nhượng với tội phạm ma túy

Thứ Hai, 20/07/2020, 08:17
Mặc dù mới chỉ đi hết 1/6 chặng đường nhưng Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần thứ IV năm 2020 đã góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an, đặc biệt là trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy. Có 5/6 vở kịch nói được trình diễn từ ngày 16/7 đến 19/7 của 5 đơn vị thi diễn đều khai thác về đề tài ma túy.


Được chọn diễn đầu tiên trong Liên hoan, vở kịch nói “Vẫn sống” (đạo diễn: NSND Lê Hùng) của Nhà hát CAND để lại nhiều xúc động trong lòng người xem. Chuyện kịch xoay quanh Trung tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triển khai chuyên án lớn, nhằm “cất vó” tập đoàn ma túy xuyên quốc gia.

Trung tá Nguyễn Văn Quang là một trong những thành viên “chủ chốt” của ban chuyên án. Áp lực công việc nặng nề khiến anh không còn thời gian chăm cho gia đình. Một phần vì con cái hiếm hoi, một phần vì đời sống kinh tế “không bằng chị bằng em” khiến Ngọc, người vợ trẻ của Trung tá Quang buồn chán. Em trai Ngọc đi du học trở về, làm việc cho một công ty lớn ở trong nước. Thực chất, công ty là vỏ bọc của tập đoàn buôn bán ma túy. Bọn tội phạm muốn lợi dụng người vợ và em vợ để lôi kéo Trung tá Nguyễn Văn Quang vào các hoạt động phi pháp. Khi biết mục đích không thành, chúng đe dọa, uy hiếp chính anh và các thành viên trong gia đình.

Vượt qua mọi cám dỗ về vật chất, quyết không lùi bước trước những “mưu ma chước quỷ” của các đối tượng buôn bán “cái chết trắng”, Trung tá Nguyễn Văn Quang quyết không lùi bước trước cái xấu, cái ác. Trước phút hy sinh, anh vẫn cố dặn người thân và đồng đội cố gắng giữ lại đôi mắt để dành tặng cháu bé - con của một đồng chí trong đơn vị bị bệnh, đang cần thay giác mạc... Người lính ấy đã ngã xuống nhưng anh sẽ vẫn sống trong trái tim, ký ức của người thân, đồng đội, của nhân dân.

Cảnh trong vở “Hải Âu trắng” của Đoàn Kịch nói Nam Định.

Diễn thứ 2 sau Nhà hát CAND nhưng “không hẹn mà gặp”, vở diễn “Bộ cảnh phục” của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam cũng là tác phẩm về lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy. Vở kịch ca ngợi cuộc sống, chiến đấu, sự đấu tranh không khoan nhượng của các cán bộ, chiến sĩ Công an trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân, hấp dẫn khán giả bởi sự dí dỏm, tươi mới, trẻ trung và hiện đại. Ngay từ những phút mở màn, cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của người chiến sĩ Công an được chuyển tải sinh động trên sân khấu. Thiếu úy Lê Thanh, nữ Cảnh sát trẻ nhận nhiệm vụ khi ngày cưới đã cận kề.

Lê Thanh thâm nhập vào giữa trung tâm hang ổ ma túy lớn trong vai một thôn nữ giúp việc. Một mình giữa “hang sói”, hiểm nguy luôn rình rập mọi bề, kể cả những phút tủi nhục nhất của một người con gái, nhưng người nữ cảnh sát ấy vẫn nắm bắt thông tin, chuyển về cho đồng đội. Vài “phi vụ” liên tiếp thất bại. “Những đôi mắt sói” bắt đầu soi mói tất cả thành viên.

Tất nhiên, cô gái trẻ giúp việc, người ngoài duy nhất giữa gia đình trùm sò buôn ma túy là mối nghi ngờ lớn nhất. Lê Thanh hy sinh chỉ ít phút trước khi đồng đội tấn công vào “động quỷ”. Vở diễn khép lại bằng hình ảnh Lê Thanh tràn căng sức sống, rạng rỡ trong bộ Cảnh phục và trong cả bộ váy cưới băng mình trên cánh đồng, vượt qua không gian thời gian để kịp trở về trong vòng tay đồng đội, về bên người chồng sắp cưới. Hình ảnh đồng đội xếp hàng ngay ngắn, chuyên án đã thắng lợi, nhiệm vụ đã hoàn thành.

Hình ảnh người chồng sắp cưới của nữ Cảnh sát trẻ chết lặng đứng ôm bó hoa cưới. Tất cả được đồng hiện trên sân khấu nhỏ của Nhà hát nhờ công nghệ hiện đại, khắc họa hình ảnh đẹp nhất về sự cống hiến, hy sinh của người chiến sĩ Công an trong đêm diễn. Bên dưới khán phòng, nhiều khán giả đã không cầm được nước mắt.

Đẹp, ấn tượng, xúc động, cảm phục là chia sẻ chung của rất nhiều khán giả trong và ngoài lực lượng vũ trang cũng như của nhiều nghệ sĩ trong buổi diễn “Bộ cảnh phục” ngày 17-7. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam xúc động cho biết, đây là thành quả sau nỗ lực của tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát với sự hỗ trợ về mặt chuyên môn của Công an TP Hà Nội suốt nhiều ngày qua.

Đây là vở diễn không khai thác quá sâu về mặt nghiệp vụ. Nếu tóm tắt ngắn gọn nhất, nội dung vở kịch không quá 2 dòng. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, anh và các đồng nghiệp tự tin, “Bộ cảnh phục” là một trong những vở diễn sẽ thu hút khán giả mua vé xem kịch chứ không chỉ dừng ở việc dựng để đi thi…

Cũng trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020, được diễn ngay sau vở “Vẫn sống” và “Bộ cảnh phục” còn có 3 vở kịch nói khác cũng khai thác về đề tài phòng chống ma túy: “Thầm lặng những chiến công” của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn, “Lằn ranh” của Nhà hát Kịch TP Hồ Chí Minh,  “Hải Âu trắng” của Đoàn Kịch nói Nam Định. Các vở diễn cùng ngợi ca, lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ Công an trên mặt trận đấu tranh phòng, chống ma túy nhưng mỗi vở diễn mang đến những “màu sắc” khác nhau.

Vở “Lằn ranh” là cuộc đấu tranh giữa khát khao làm giàu, giữa lòng tham dễ khiến con người bị sa ngã, giữa lý tưởng và những cám dỗ, giữa lựa chọn dấn thân hay cơ hội làm ngơ trước cái xấu, cái ác và sự yên ổn của gia đình, bản thân của chính những người chiến sĩ Công an trong đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Vở “Thầm lặng những chiến công” và “Hải Âu trắng” là những lát cắt khác từ các đoàn địa phương nhưng cũng không kém phần sinh động về người chiến sĩ Công an trên mặt trận này.

Có thể, đây chưa phải là những vở diễn cuối cùng trong Liên hoan khai thác đề tài về người chiến sĩ Công an trên mặt trận phòng chống tội phạm ma túy. Bởi, nói như Trung tá, NSND Nguyễn Thị Thúy Hiền, Giám đốc Nhà hát CAND khi chọn dựng vở “Vẫn sống” thì trong vài năm gần đây, nhiều chuyên án lớn về phòng, chống ma túy thành công, tác động mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Đây là những chiến công lớn của lực lượng Công an.

Tuy nhiên, đằng sau những chiến công ấy là rất nhiều những cống hiến, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ và cả thân nhân của họ. Đó là “mảnh đất màu mỡ” cho văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng.       

Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ CAND” lần IV năm 2020 do Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 -19/8/2020), 15 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (19/8/2005 – 19/8/2020). Tham gia Liên hoan có 27 đoàn với 33 vở diễn thuộc 4 loại hình: Kịch nói, Cải lương, Chèo, Dân ca kịch. Liên hoan diễn ra từ ngày 16/7 đến 2/8 tại Hà Nội.
Hoa Nguyễn
.
.
.