“Hừng đông” – tiểu thuyết về nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu

Thứ Tư, 30/12/2020, 17:18

Ngày 30/12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học, Ban Văn học Nghệ thuật (VOV6), Đài Tiếng nói Việt Nam, Công ty Văn hóa và truyền thông Liên Việt đã tổ chức buổi giới thiệu và tọa đàm về tiểu thuyết “Hừng đông” của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Thế Kỷ.




Chương trình có sự tham gia của đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nhà sử học và đại diện gia đình của nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật ở nhiều loại hình. Liên tục từ năm 2013 đến nay, ông đã xuất bản 2 tập sách lý luận về văn hóa, văn nghệ; 2 tập thơ, trong đó có 1 tập thơ cho thiếu nhi; 7 kịch bản sân khấu đã được dàn dựng, biểu diễn. Trong đó, kịch bản sân khấu “Hừng đông” đã được Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam dàn dựng, biểu diễn, phát sóng vào năm 2016.

Ra mắt tiểu thuyết "Hừng đông" của tác giả Nguyễn Thế Kỷ

 Năm 2019, ông đã xuất bản tiểu thuyết “Chuyện tình Khau Vai”, tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản sân khấu cùng tên của ông đã được dàn dựng từ năm 2013 và đến nay vẫn là vở diễn được khán giả yêu thích. Tiểu thuyết này cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm và khích lệ của bạn đọc. Tiểu thuyết “Hừng đông” là cuốn tiểu thuyết thứ 2, cũng được tác giả chuyển thể từ kịch bản sân khấu của chính ông. Đây cũng là tác phẩm đặc biệt của tác giả chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

“Hừng đông” là tiểu thuyết tư liệu về nhà cách mạng Phan Đăng Lưu (5/5/1902 – 28/8/1941), một trí thức tiêu biểu xuất sắc của Đảng và nhân dân, đã sống, chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. 

Góc trưng bày tiểu thuyết "Hừng đông"

Về tác phẩm “Hừng đông”, PGS.TS Bùi Việt Thắng cho rằng đây là tiểu thuyết viết về một bi kịch lạc quan trong thời đại bão táp cách mạng Việt Nam. Ở đó, người chiến sĩ cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu là một hình tượng văn học điển hình, biểu trưng cho vẻ đẹp, sự cao cả của một thế hệ vàng suốt đời tận hiến cho sự nghiệp chung với tinh thần “dĩ công vi thượng”.

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ về tiểu thuyết mới nhất của ông

 “Hừng đông” thuộc dòng tiểu thuyết tư liệu – lịch sử, viết về phong trào cách mạng Việt Nam những năm trước thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và sau đó khoảng 10 năm, đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Trên cái nền rộng ấy, nhà văn không chạy theo sự kiện, biến cố mà hướng tới con người cụ thể với tư cách một nhân vật văn học – người chiến sĩ cộng sản Phan Đăng Lưu. 

Viết “Hừng đông”, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã vượt ra ngoài phên giậu của thi pháp tiểu thuyết Việt Nam (1945 – 1985) lấy nhân vật nhân dân/tập thể/ đám đông làm trung tâm. Ở đây, nhà văn giải quyết mối tương quan giữa nhân vật tập thể và cá thể theo yêu cầu điển hình hóa. Nhân vật Phan Đăng Lưu không thể thoát ly ra khỏi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, quê hương, làng xóm nhưng có cá tính, số phận như một điển hình nghệ thuật. Nhân vật này đã đi suốt tác phẩm từ trang đầu đến trang cuối. Trong nhân vật này, cái riêng và cái chung hài hòa, bền chặt, tương hỗ…

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ trao đổi về tiểu thuyết "Hừng đông"

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ thì chia sẻ : Khi tôi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết “Hừng đông”, điều đầu tiên tôi nghĩ là Nguyễn Thế Kỷ liều quá. Với một nhân vật quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam mà dựng thành tiểu thuyết thì quá liều. Mặc dù tư liệu về Phan Đăng Lưu, đến nay, gia đình ông còn và lịch sử Đảng cũng đã lưu lại, nhưng hầu hết chỉ là số liệu, thông tin khô khan. 

Tiểu thuyết của Nguyễn Thế Kỷ không sắp xếp lại diễn tiến của một nhân vật. “Hừng đông” bao gồm 11 chương. Ở đó, tác giả đã tạo nên được nhân vật xuyên suốt – nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, với đầy đủ cá tính, khuôn dung, ứng xử, những đặc tính của một con người. Tác giả đã vẽ nên một cách tương đối đầy đủ nhất về cuộc đời của Phan Đăng Lưu.

 Việc chia ra 11 chương, mỗi chương có chủ đề rõ ràng, gói gọn những sự kiện nhất định, giúp bạn đọc dễ theo dõi. Các mối quan hệ xoay quanh các nhân vật chính, tác giả làm rất kỹ, rất thú vị, điển hình là các cuộc đối thoại với thầy giáo, với bà Nguyễn Thị Minh Khai… Thông qua các cuộc đối thoại, tính cách của nhân vật,  các chủ trương, đường lối cách mạng của từng giai đoạn bộc lộ rất rõ ràng, vô hình chung tạo ra những bài học đối với cách mạng. Một ưu điểm khác là tác phẩm gắn bó với hiện tại, nói được về những vấn đề của hôm nay thông qua diễn tiến cuộc đời của Phan Đăng Lưu…

Tác giả Nguyễn Thế Kỷ ký sách tặng bạn hữu trong ngày ra mắt "Hừng đông"

Nhà báo, nhà thơ Hữu Việt cũng cho hay: Cuốn sách về một nhà cách mạng tiền bối nhưng đọc rất hấp dẫn. Cái quan trọng nhất của văn học là lý giải chân thật nhất số phận con người. Ở trong tiểu thuyết “Hừng đông”, người đọc có dịp tiếp cận Phan Đăng Lưu ở góc độ một con người tài hoa, giỏi tiếng Pháp và thông thạo cổ văn…

“Hừng đông” là một quyển sách về một nhân vật lịch sử nhưng tác giả đã mang đến cho người đọc những mỹ cảm và nhiều thông điệp ý nghĩa mà mỗi người đọc sẽ cảm nhận được theo cách riêng của mình.


Hoa Nguyễn
.
.
.