Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016:

Hội tụ vì tình yêu, sức sống mới cho điện ảnh

Thứ Năm, 03/11/2016, 08:09
Ngày 1-11, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016 chính thức khai mạc tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu khách mời trong và ngoài nước.

Diễn ra đến ngày 5-11, liên hoan giới thiệu đến công chúng 146 tác phẩm điện ảnh của 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Ngoài sự hiện diện của các nhà sản xuất, ngôi sao điện ảnh đình đám nhất của Việt Nam, liên hoan phim còn có sự tham dự của hàng loạt gương mặt nổi tiếng của điện ảnh thế giới.

Ngay trước lễ khai mạc ít giờ, bộ phim “Tôi, Daniel Blake” của đạo diễn Ken Loach ra mắt công chúng trong sự vui mừng của cả những người làm nghề lẫn công chúng. Lấy câu chuyện về nỗ lực sống của một người thợ mộc bị tàn phế và một bà mẹ đơn thân sống nhờ tiền trợ cấp chính phủ, “Tôi, Daniel Blake” được coi là tác phẩm điển hình, khẳng định sự đồng hành của điện ảnh với đời sống xã hội.

Với nhiều tầng nội dung sâu sắc, phim đã mang về cho Ken Loach giải Cành cọ Vàng Liên hoan phim Cannes lần thứ 69, năm 2016, giải của Ban Giám khảo - Ghi nhận đặc biệt tại Liên hoan phim Cannes 2016, Giải khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Locarno. Phim vừa được công chiếu lần đầu tại Anh vào ngày 21-10.

Ban tổ chức liên hoan phim quốc tế Hà Nội cho biết, để mang được bộ phim này về phục vụ công chúng dịp này cần phải có một lượng kinh phí lớn vì bản quyền rất cao.

Rất may, một phần kinh phí cho việc này được Hội Đồng Anh tại Việt Nam hỗ trợ nên công chúng và người làm điện ảnh Việt mới có dịp tiếp cận tác phẩm sớm nhất. Khá nhiều tác phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới được giới thiệu tại Liên hoan phim.

“Tôi, Daniel Blake” – tác phẩm điện ảnh vừa được ghi nhận bằng giải thưởng danh giá của Liên hoan phim Cannes 2016 được chiếu khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội 2016.

Trong đó, 5 tác phẩm điện ảnh Italia được chọn giới thiệu đến công chúng được coi là cơ hội hiếm hoi giúp người yêu điện ảnh có dịp khám khá dòng phim tân hiện thực của Italia.

Bộ phim kinh điển khiến cả thế giới có một cái nhìn khác về Việt Nam và cuộc chiến tranh đã đi qua – Indochina (Đông Dương) được tái hiện lại dưới định dạng phim Ultra HD 4K khiến khán giả tiếp tục thổn thức về tình mẫu tử giữa Éliane Devries (Catherin Deneuve) cùng cô con gái Camille (Phạm Linh Đan) và tình yêu tay ba ngang trái giữa họ và viên sĩ quan điển trai Jean – Baptiste Le Guen (Vincent Pérez).

Lấy bối cảnh Đông Dương thập niên 1930-1950, Indochine vừa ra mắt đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của giới phê bình, gây được tiếng vang lớn trong và ngoài nước. Phim từng giành được giải Oscar danh giá ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất, và đề cử hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất dành cho diễn xuất xuất thần của Catherine Deneuve, giành được giải Quả Cầu Vàng ở hạng mục dành cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc.

Quay trở lại sau 24 năm với một diện mạo mới hơn, trong dịp này, người hâm mộ điện ảnh Việt Nam còn có dịp được gặp gỡ đạo diễn gạo cội Regis Wargnier và nữ diễn viên huyền thoại của điện ảnh Pháp Catherine Deneuve trong quá trình bộ đôi này tham gia các hoạt động quảng bá của bộ phim.

Được coi là biểu tượng của điện ảnh Nga, nữ diễn viên Zinaida Kirienko cũng xuất hiện trở lại với công chúng Việt. Hiện diện tại Việt Nam khá sớm so với nhiều gương mặt nổi tiếng thế giới khác, nữ diễn viên đã có những phút xúc động không nói nên lời.

Nổi tiếng với các vai nữ chính trong “Sông Đông êm đềm” hay “Số phận một con người”, Zinaida Kirienko là gương mặt quen thuộc của một thế hệ công chúng Việt.

Từng vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh 2 lần, được Bác đặt tên là Hồng, nữ diễn viên cho biết, tình cảm bà dành cho Việt Nam rất nhiều và không thể diễn tả hết được bằng ngôn ngữ trong ít phút.

Bà chỉ có thể nói rằng mình thật hạnh phúc khi được trở lại Việt Nam, gặp lại con người Việt hiền hòa mến khách và cũng thật sự vui mừng khi tình cảm nhân dân hai nước Việt – Nga vẫn rất tốt đẹp, thậm chí khăng khít hơn…

Nhà làm phim người Ấn Độ nổi tiếng thế giới, ông Adoor Gopalakrisknan chia sẻ rằng, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội là hoạt động thực sự nhiều ý nghĩa với những người làm điện ảnh.

Ông cũng cho biết, Ấn Độ là quốc gia có nền điện ảnh rất phát triển và là quốc gia có số lượng phim sản xuất hằng năm nhiều nhất, phim sản xuất bằng nhiều thứ tiếng nhất thế giới. Điện ảnh Ấn Độ có rất nhiều điều mới mẻ cho công chúng yêu điện ảnh khám phá qua liên hoan phim lần này…

Trao đổi về liên hoan phim, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng ban tổ chức liên hoan phim cho biết, sau 3 lần tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội đã khẳng định được vị trí, sức lan tỏa của mình.

Ngoài số lượng, chất lượng phim của các quốc gia gửi về cho ban tổ chức thì số lượng nhà sản xuất, nghệ sĩ quốc tế đến tham gia lần này nói lên nhiều điều.

Cụ thể, có khoảng 200 nghệ sĩ, nhà sản xuất nước ngoài nhưng chỉ có một nửa số khách quốc tế là do ban tổ chức mời. Khá nhiều trong số đó là những gương mặt đã trở thành biểu tượng của điện ảnh nhiều quốc gia phát triển cũng như thế giới.

Nhằm lan tỏa tình yêu điện ảnh rộng rãi hơn trong công chúng, khá nhiều hoạt động mới khác cũng được dụng công tổ chức. Lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội triển khai các buổi công chiếu phim ngoài trời kết hợp biểu diễn ca nhạc Việt Nam, Hàn Quốc, trình diễn thời trang Italia, áo dài Việt Nam, giao lưu với nghệ sĩ tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ. Riêng với các tín đồ của điện ảnh, ngoài phục vụ chiếu phim tại 5 cụm rạp: Trung tâm chiếu phim quốc gia, 87 Láng Hạ; rạp Kim Đồng, 19 Hàng Bài; rạp Tháng Tám, 45 Hàng Bài; rạp Ngọc Khánh, 523 Kim Mã và cụm rạp chiếu phim CGV Vincom 54A Nguyễn Chí Thanh, Ban tổ chức còn bố trí riêng một phòng trong khách sạn Daewoo phục vụ khán giả xem phim DVD.

Những khán giả bỏ lỡ các bộ phim yêu thích vào thời điểm công chiếu tại các rạp có thể tìm đến phòng chiếu đặc biệt này trong suốt thời gian liên hoan phim diễn ra để mượn các đĩa phim tự xem qua máy tính mang theo…

Ngọc Nguyễn
.
.
.