Tết và phong tục cổ truyền với bộ sách của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Thứ Bảy, 26/01/2019, 17:25

Bộ sách “Khảo luận về Tết” và “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” là món quà tinh thần của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng với mong ước cùng người đọc “giải mã” để giữ gìn Tết và các phong tục, tập quán diễn ra dịp Tết đến xuân về.


Ngày 26-1, tại TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng đã có buổi giao lưu và giới thiệu tập sách “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” và “Khảo luận về Tết”.

Thông qua những nội dung trong “Khảo luận về Tết”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và PGS. TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống xã hội đã cùng bàn luận về các vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua như: Liệu Tết có còn cần thiết và vẹn nguyên ý nghĩa? Tết đã thay đổi như thế nào theo dòng biến chuyển không ngừng của lịch sử?...

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và tác phẩm "Khảo luận về Tết".

Từ cuốn sách, người đọc nhìn thấy tầm quan trọng của Tết đối với lịch sử- văn hóa - đời sống của dân tộc và những giá trị truyền thống đang đứng trước thách thức nhịp sống hiện đại. Đọc “Khảo luận về Tết” để thấy, để cảm nhận Tết Nguyên đán là một phong tục tốt đẹp mà nhân dân ta còn duy trì, lưu giữ như một nét sinh hoạt văn hóa mang những giá trị truyền thống trong đời sống hôm nay. Chúng ta cần tiếp cận sâu hơn để hiểu rõ bản sắc, dân tộc, bản chất căn nguyên của mọi giá trị văn hóa gắn liền với lịch sử hào hùng của Việt Nam.

Gắn liền với Tết là những phong tục, tập quán và các hình thức diễn xướng dân gian. Tuy nhiên, hầu như những giá trị văn hóa truyền miệng này đã thất truyền do những nghệ nhân, những con người sống trong thời đại xưa nay đã không còn.

Bộ sách “Khảo luận về Tết” và “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội”.

 “Gia Định - Sài Gòn: Hò, hát, lý, vè và diễn xướng lễ hội” là một công trình nghiên cứu công phu về các hình thức diễn xướng dân gian mà tác giả phải mất 10 năm đi điền dã. Vượt qua nhiều khó khăn trong công việc điều tra hồi cố và phải mở rộng không gian điền dã, tác phẩm phần nào phục dựng khá đầy đủ bức tranh sinh hoạt nghệ thuật dân gian tại vùng đất Gia Định - Sài Gòn xưa.

Các hình thức diễn xướng dân gian được ông ghi nhận gồm: Hình thức diễn xướng trữ tình, bao gồm các thể loại dân ca, hò, hát, lý...; Hình thức diễn xướng tự sự dân gian bao gồm các lối nói vần vè, kể vè, nói thơ, nói tuồng…; Hình thức diễn xướng nghi lễ; Hình thức múa lốt như múa Hẩu, múa Lân, múa Rồng... 
Quỳnh Nga
.
.
.