Hành trình bảo quản, gìn giữ "Tập Sắc lệnh" lịch sử

Thứ Bảy, 02/09/2017, 06:59
Đúng dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh 2-9, Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được đưa ra trưng bày công khai tại trụ sở Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ, số 12 Đào Tấn, Hà Nội.

Bao gồm 118 Sắc lệnh được ban hành từ ngày 30-8-1945 đến 28-2-1946, Tập Sắc lệnh là một trong số các Bảo vật Quốc gia Việt Nam được công nhận vào ngày 22-12-2016, đang lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Tuy nhiên, ít ai biết, để bảo quản và phát huy những bảo vật mỏng manh đã hơn 70 năm tuổi này là một hành trình bền bỉ, đòi hỏi nhiều kỳ công và sự tâm huyết của đội ngũ những người làm công tác lưu trữ.

Nâng niu, gìn giữ những Sắc lệnh hơn 70 năm trước

Trưa 1-9, theo chân cán bộ hướng dẫn của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, chúng tôi lên tầng 2 của của tòa nhà chính thuộc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Hà Nội. Không gian mát lạnh tỏa từng ngóc ngách, bao phủ toàn bộ các giá xếp ngay ngắn, lớp lớp các hộp tài liệu đủ các loại.

Cẩn trọng mang găng tay trắng tinh, lật giở từng trang giấy mỏng đã ố màu thời gian, chị Nguyễn Thanh Hoàn, viên chức Phòng Bảo quản tư liệu lưu trữ cho hay, để bảo quản và kéo dài các tài liệu, nhiệt độ trong phòng phải luôn đảm bảo từ 18 độ C đến 22 độ C, độ ẩm đảm bảo từ 50% đến 55%.

Bảo vật quốc gia -  Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà chúng tôi muốn chiêm ngưỡng được cất gọn trong 2 hộp đựng chuyên biệt thuộc khu lưu trữ khối Nội chính. Nếu không phải là cán bộ, viên chức có nghĩa vụ, trách nhiệm hoặc những trường hợp đặc biệt, không ai được phép bước chân vào khu vực này.

Đại biểu tham quan bảo vật quốc gia trưng bày tại 12 Đào Tấn, Hà Nội.

Trưởng phòng Bảo quản tư liệu lưu trữ, ông Võ Thiết Cương cũng cho biết, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III có đến 15 kho lưu trữ, hiện đang lưu giữ, bảo quản 13.000km tài liệu. Điều hòa không khí cho hệ thống kho là hệ thống giữ ẩm, hệ thống điều hòa trung tâm, vận hành 24/24h bởi 4 tổ máy rất lớn. Ngoài ra còn có hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống giá, hộp bảo quản chuyên biệt gọi là hộp đựng tài liệu khử axit.

Để có những hộp đựng sạch bong và từng trang Sắc lệnh rõ nét cho chúng tôi đọc hôm nay, những người làm công tác tại đây đã trải qua một hành trình nhiều kỳ công, nếu chỉ sơ suất là kết quả không thể tính được. Một ví dụ đơn giản nhất là hàng ngày, ngoài đảm bảo duy trì độ ẩm, nhiệt độ trong phòng theo quy định, bộ phận kỹ thuật phải kiểm tra cả nồng độ PH từng hộp, thậm chí từng tờ tài liệu.

Nếu kim chỉ nồng độ đo được từ 6 trở xuống, cán bộ viên chức phải đưa ngay đến phòng khử axit. Sau khi khử xong, máy đo nồng độ PH cho chỉ số 6,8 trở lên là yên tâm vận chuyển về kho.

Khi tiếp xúc với các trang Sắc lệnh, viên chức buộc phải đeo găng tay, tránh tiếp xúc trực tiếp để mồ hôi hoặc các tác nhân khác từ môi trường theo bàn tay dính vào tài liệu. Trước đó, toàn bộ 118 trang Sắc lệnh đều phải trải qua một quy trình tu bổ rất công phu và nghiêm ngặt.

Cũng theo ông Võ Thiết Cương, các Sắc lệnh đều đã có “tuổi thọ” lên đến hơn 70 năm và các bản được lưu trữ tại Trung tâm là bản gốc và cũng là bản duy nhất. Ra đời từ những ngày đầu Chính phủ mới được thành lập, trải qua một thời gian dài, chiến tranh loạn lạc, di chuyển nhiều nơi, nhiều môi trường nên khi Trung tâm tiếp nhận, các trang Sắc lệnh đã có dấu hiệu xuống cấp.

Được Nhà nước quan tâm đầu tư  tu bổ, những năm cuối của thập niên 90, thế kỷ 20, các cán bộ viên chức của Trung tâm bắt tay tiến hành xử lý khoa học, rà soát lại toàn bộ “phông” tài liệu của Thủ tướng giai đoạn 1945 – 1975, rồi tập hợp chúng thành một Tập Sắc lệnh riêng trong khối Nội chính. Khắc phục tình trạng các trang Sắc lệnh bị ẩm mốc, chữ mờ, mất góc, Trung tâm đề nghị được tu bổ, bồi nền.

Thực hiện công việc này, Trung tâm có cả khu xưởng tu bổ riêng. Văn bản được chuyển về xưởng, vệ sinh sạch sẽ theo đúng quy chuẩn. Đây là dạng tài liệu đặc biệt quý hiếm nên để bồi nền, Trung tâm phải đặt mua hồ dán đặc biệt từ Nhật Bản. Giấy bồi nền cũng phải là giấy Dó loại đặc biệt nhập ngoại.

Trước khi bồi nền, toàn bộ các tờ Sắc lệnh được sao chụp lại. Đội ngũ tu bổ, đội ngũ thực hiện phục chế còn phải thử mực trên chất liệu tài liệu. Nếu chữ nhòe là phải bỏ, thử lại từ đầu. Suốt 3 tháng trời vất vả thử nghiệm đi thử nghiệm lại nhiều lần, công việc tu bổ, bồi nền 118 trang Sắc lệnh mới hoàn thiện. Tất cả bản mới được chụp lại, so sánh với hình ảnh cũ. Rất may, kết quả không có gì sai sót.

Để kéo dài tuổi thọ của hiện vật, hiện nay, Trung tâm đã tiến hành số hóa, hạn chế tối đa sử dụng tài liệu trực tiếp. Các trang đều đặt ngay ngắn trong các hộp phi axit, đạt đúng chuẩn quốc tế.

Lan tỏa giá trị của Bảo vật Quốc gia

Trao đổi về  Bảo vật Quốc gia này, bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tự hào cho biết, Tập Sắc lệnh là các văn bản do Chủ tịch Chính phủ lâm thời là Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các thành viên Chính phủ ký ban hành, có nhiều văn bản có chữ ký tươi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí  lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở thời điểm đó.

Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Các Sắc lệnh được ban hành từ  năm 1945  - 1946. Đây là thời điểm có ý nghĩa lịch sử, chính trị quan trọng vì đánh dấu sự ra đời của Nhà nước Dân chủ mới của Việt Nam. Nhiều Sắc lệnh thể hiện quyết sách của Chính phủ vào thời điểm đó về tổ chức bộ máy Nhà nước, xây dựng chính quyền mới nhưng cũng phải khắc phục khó khăn về kinh tế, vừa chống “giặc đói” vừa chống “giặc dốt”.

Chúng không chỉ có ý nghĩa về lịch sử, chính trị mà còn là cơ sở, là căn cứ, hành lang pháp lý quan trọng cho các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân thực hiện, ban hành những văn bản quy định, hướng dẫn phù hợp với điều kiện đất nước lúc bấy giờ và là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam sau này. Ngày 22-12-2016, Tập Sắc lệnh được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Vì vậy, ngoài hoạt động bảo quản theo Luật Lưu trữ, Tập Sắc lệnh còn được bảo quản theo Luật Di sản Văn hóa.

Bà Trần Việt Hoa cũng chia sẻ: “Là cán bộ của Trung tâm lưu trữ quốc gia III, chúng tôi rất ý thức trách nhiệm của mình khi được Nhà nước giao bảo quản khối tài liệu di sản quốc gia, trong đó có Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vì vậy chúng tôi phải thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tốt nhất để bảo quản khối tài liệu trường tồn với thời gian. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là làm sao để xã hội, công chúng và đặc biệt là người dân biết được tầm quan trọng của tài liệu lưu trữ, phát huy các ý nghĩa của kho tư liệu đã hơn 70 năm tuổi này.

Tập Sắc lệnh cũng không chỉ để lưu trữ trong kho mà được phát huy giá trị của chúng một cách tốt nhất. Làm được điều này phải trông chờ rất nhiều vào sự chung tay góp sức của nhiều cơ quan quản lý nhà nước, của các đơn vị truyền thông. Về phía Trung tâm, bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho độc giả trong nước và nước ngoài tiếp cận tư liệu một cách khoa học, bài bản, dễ dàng, Trung tâm đã lựa chọn những sắc lệnh nào có ý nghĩa tiêu biểu, tập trung đưa các vấn đề chung.

Trong từng nội dung của các sắc lệnh sẽ còn rất nhiều vấn đề được thể hiện xuyên suốt trong suốt quá trình tổ chức bộ máy, xây dựng các văn bản pháp luật… mà chúng tôi vẫn đang lưu trữ. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục làm trưng bày triển lãm chuyên sâu hơn theo từng chủ đề để phục vụ công chúng trong nước, nước ngoài. Đây chính là cách mà những người làm công tác lưu trữ góp phần xây dựng đất nước”. – Bà Trần Việt Hoa khẳng định.

Ngọc Nguyễn
.
.
.