Hàng loạt nghệ sĩ háo hức chiêm ngưỡng tượng sáp của chính mình

Thứ Ba, 11/04/2017, 15:21

Sáng 11-4, tại TP Hồ Chí Minh, đông đảo văn nghệ sĩ đã đến dự lễ khai trương Nhà trưng bày Tượng sáp Việt Nam. Tọa lạc tại tầng 2, 3, 4 của Nhà hát Hòa Bình, Nhà trưng bày giới thiệu hơn 100 bức tượng sáp nghệ sĩ Việt thuộc lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, âm nhạc… nhằm tôn vinh đóng góp to lớn của họ trên địa hạt nghệ thuật.

Hàng loạt văn nghệ sĩ như GS Trần Văn Khê, NSND Thanh Tòng, nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sầu nữ Út Bạch Lan, NSƯT Minh Vương, nhạc sĩ Bắc Sơn, soạn giả Viễn Châu, NSND Kim Cương, NSND Thế Anh, danh hài Hoài Linh, NSƯT Thành Lộc, NSND Hồng Vân, MC Thanh Bạch, NSƯT Trịnh Kim Chi… được tái dựng sinh động bằng sáp.

NSND Thế Anh và NSND Đoàn Dũng bên cạnh tượng sáp của mình.

Ngồi cạnh tượng sáp của mình, NSND Hồng Vân không giấu được sự hạnh phúc. Bà tâm sự: “Bức tượng này với tôi không khác chị em sinh đôi. Ở nhà trưng bày này, tôi còn gặp rất nhiều các vị tiền bối đã khuất. Tôi lại gần chào mấy cô, mấy bác mà cảm giác xúc động như gặp họ hồi còn sống. Quả thật, nơi đây thật ý nghĩa để công chúng và thế hệ nghệ sĩ chúng tôi tưởng nhớ đến thế hệ đi trước, từ đó mà tiếp tục phấn đấu, cống hiến nhiều hơn cho nghệ thuật”.

Tượng sáp nhạc sĩ Văn Cao.

Để tạo nên những bức tượng giống hệt người thật này, ba nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Thị Diện, Thái Ngọc Bình đã mất ba năm làm việc miệt mài. Nghệ nhân Thái Ngọc Bình cho biết, mỗi bức tượng được làm phải mất thời gian từ 2-3 tháng. 

NSUT Trịnh Kim Chi chăm chút cho bức tượng của mình.

Các nghệ nhân phải cắm tỉ mỉ từng sợi tóc sao cho giống như tóc mọc thật. Các chi tiết nhỏ nhặt như nếp nhăn, sẹo, nốt ruồi, lông mi, răng sứ nha khoa, mắt y tế… cũng được chăm chút kỹ càng. Hầu hết bức tượng đều được chủ nhân của nó tặng quần áo, trang sức, mũ nón sao cho tượng hệt người ngoài đời.

Tượng sáp của các nghệ nhân đờn ca tài tử.

Không đơn thuần là tạc nên một bức tượng giống hệt nghệ sĩ, nghệ nhân còn cố gắng bắt được thần thái, phút thăng hoa trong một vai diễn để đời của họ. Do vậy, không hiếm trường hợp chính nghệ sĩ tư vấn chọn vai diễn nổi bật, khoảnh khắc nào khiến họ nhớ nhất để các nhà điêu khắc tạo dáng. Khó nhất với nhà điêu khắc có lẽ là tạc tượng nghệ sĩ quá cố. Bởi nghệ nhân phải tự ước chừng chỉ số cơ thể nghệ sĩ qua ảnh tư liệu.

NSND Đinh Bằng Phi hạnh phúc bên tượng sáp của mình.

Nhà trưng bày được xây dựng trên diện tích 1.500 m2, với nhiều không gian trưng bày gồm các bối cảnh từ đồng lúa, vườn cây, nhà tranh, con đò, dòng sông, khung cảnh triều đình xưa…. và thiết kế bố trí hơn 100 bức tượng sáp của các nghệ sĩ.

Một góc Nhà trưng bày Tượng sáp Việt Nam.

Tại đây sẽ tổ chức thường xuyên các sự kiện giao lưu văn nghệ, chuyên đề và tọa đàm về sân khấu, điện ảnh, âm nhạc và gặp gỡ các nghệ sĩ bên cạnh tượng sáp vào những ngày cuối tuần, hứa hẹn là không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc, bổ ích. Tiền bán vé tham quan sẽ được trích vào các quỹ từ thiện của NSND Viễn Châu, nhạc sĩ Bắc Sơn, sầu nữ Út Bạch Lan… để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, hỗ trợ nghệ sĩ nghèo khó, neo đơn.

Quỳnh Nga
.
.
.