Ứng dụng công nghệ trong hỗ trợ phát triển sân khấu truyền thống:

“Gần nhà nhưng xa ngõ”?!

Chủ Nhật, 24/11/2019, 08:58
Các thành tựu của khoa học công nghệ đang tác động lên mọi mặt của đời sống, nhưng với sân khấu truyền thống, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào hoạt động thực tế gần như vẫn đang là chuyện… xa xỉ.

Mới đây nhất, Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV năm 2019 diễn ra trong sự chờ đợi của cả người làm nghề lẫn khán giả. Bởi, nói như NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thì cùng với sự tìm tòi, thử nghiệm của người  nghệ sĩ, việc ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 được kỳ vọng sẽ góp phần làm nên nhiều sự mới mẻ cho sân khấu. Tuy nhiên, thực tế đã không hẳn như mong đợi. 

Ngay từ buổi họp báo đầu tiên về Liên hoan, NSƯT Lê Chức, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã khiến cả khán phòng cười nghiêng ngả khi tiết lộ chuyện nghệ sĩ của một đoàn nước bạn vận chuyển 2 cây cột sắt nặng hàng tạ sang phục vụ cho vở diễn của họ. 

Sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội – địa điểm được coi là “thánh đường” của sân khấu, là nơi mà nhiều nghệ sĩ, đơn vị sân khấu mong muốn được đưa vở diễn mới nhất giới thiệu đến khán giả đã khá khó khăn khi đáp ứng được yêu cầu này. 

Tại các buổi tọa đàm – hoạt động được tổ chức sau khi biểu diễn một vài tác phẩm nhất định nhằm tạo điều kiện để nghệ sĩ trong nước và quốc tế cùng ngồi lại phân tích, học hỏi kinh nghiệm, ít có vấn đề nào được đề cập, bàn thảo sâu lại liên quan đến ứng dụng của công nghệ cho sân khấu. Dù rằng, hầu hết các cuộc tọa đàm này, các ý kiến trái chiều rất nhiều, thậm chí là tranh cãi gay gắt.

Trước Liên hoan và vài năm trở lại đây, việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ hoạt động sáng tạo nghệ thuật được các nghệ sĩ, đạo diễn quan tâm hơn. Với cải lương, không gian sân khấu sang trọng, hiện đại và sự hiện diện của những màn hình led lớn, việc tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại đã tạo sức hấp dẫn hơn, ít nhất là về mặt thị giác cho hàng loạt vở diễn như “Hừng đông”, “Thầy Ba Đợi”, “Vì sao lạc xứ”… NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam kiêm đạo diễn của các vở diễn này không giấu giếm chủ trương làm mới sân khấu cải lương theo xu hướng hiện đại hơn. 

Các vở diễn cũng không chỉ có nước mắt, bi ai như lâu nay số đông vẫn hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống đặc biệt này. Nhưng, cũng không thể phủ nhận, những đổi mới này vẫn chỉ như xiêm y lộng lẫy, giúp không gian sân khấu lung linh hơn chứ chưa tạo sự bứt phá lớn.

“Hừng đông” – một trong số các vở cải lương sử dụng công nghệ khá hiệu quả trong tạo hiệu ứng về mặt thị giác.

Với sân khấu biểu diễn xiếc, tình trạng này cũng không khá hơn. Liên đoàn Xiếc Việt Nam từng gây chú ý khi công bố dàn dựng chương trình “Phù thủy đại chiến” với rất nhiều đổi mới trong dàn dựng như lần đầu tiên kết hợp biểu diễn xiếc với ảo thuật, sử dụng sân khấu nổi 4D thay cho sân khấu tròn truyền thống, kết hợp công nghệ đèn laser, điều khiển từ xa… 

Nhưng, thực tế, những tia laser nhỏ lọt thỏm giữa không gian sân khấu không tạo được hiệu ứng cao, đủ để hấp dẫn người xem. Đôi lúc, âm thanh quá lớn còn gây nhiễu sự tập trung của khán giả.

Về vấn đề này, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đạo diễn của chương trình cũng nhận định, trên thế giới, thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 đã tạo ra những sản phẩm nghệ thuật mang tính giải trí cao, thỏa mãn được thị hiếu của khán giả. 

Nhiều đoàn xiếc lớn trên thế giới đã ứng dụng công nghệ hiện đại, xây dựng những chương trình xiếc ấn tượng, tạo ra nhưng sản phẩm nghệ thuật tổng hợp, giải trí nổi tiếng. 

Ở Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam được tiếp cận với sân khấu hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhiều đơn vị khác. Tuy nhiên việc áp dụng công nghệ hiện đại vào sân khấu, ánh sáng, hình ảnh trong xiếc vẫn còn hạn chế, chưa có định hướng cụ thể. Việc đầu tư xây dựng vở diễn xiếc mang tính hiện đại như “Thạch Sanh”, “Sơn Tinh – Thủy Tinh”… chỉ là những bước đi đầu tiên để thay đổi cách biểu diễn xiếc truyền thống. Các chương trình này chưa áp dụng công nghệ để tạo nên sự đột phá cho sân khấu Xiếc. Lý do là không đủ nguồn kinh phí đầu tư.

GS.TS Lê Thị Hoài Phương, cán bộ thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ trong đời sống sân khấu hiện nay còn rất hạn chế. 

Với công tác quản lý, ngay các đơn vị nghệ thuật Nhà nước ở Hà Nội cũng đã có nhiều vấn đề phải bàn. Cho đến nay, trong hầu hết các nhà hát, việc sử dụng máy vi tính chỉ dừng ở mức độ lưu giữ thông tin cơ bản của đơn vị. 

Một số nhà hát có kinh phí đã tổ chức thu âm, ghi hình, làm băng đĩa, lưu giữ vở diễn, trích đoạn tiêu biểu. Một số nhà hát năng động, nhanh nhạy như Nhà hát Tuổi trẻ đã có hoạt động tiếp thị khá hiệu quả, quy tụ được một lượng khán giả thường xuyên. 

Trong quá trình từng bước khắc phục khó khăn, một số Nhà hát cũng đã chia sẻ việc ứng dụng công nghệ thông tin giúp họ từng bước khắc phục khó khăn, vươn ra thế giới, kết nối với các tổ chức quốc tế để tìm tài trợ, thực hiện các dự án biểu diễn nước ngoài. Song, hầu hết mới chỉ dừng lại ở đó. 

Gần như chưa có nhà hát nào có bộ phận marketing hay bộ phân gây quỹ tài trợ độc lập, mà thường chỉ là kiêm nhiệm. Làm việc qua mạng Internet chưa được chú trọng. Hầu hết các nhà hát chưa quan tâm đến việc tìm hiểu, nghiên cứu khán giả của mình là ai, họ đang ở đâu, nên không thể có được dữ liệu thông tin của riêng tổ chức mình. 

Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn lực con người, tài chính, phương tiện… Trong đó, hạn chế mặt tư duy, vẫn quen với nếp làm việc cũ, hoặc không bắt kịp với sự phát triển thần tốc của khoa học công nghệ.

N.Nguyễn
.
.
.