Đọc “Tóc ngắn, tóc dài” của Nguyễn Đức Nam

Thứ Ba, 26/07/2016, 09:09
Buổi sáng một ngày cuối tuần, một số anh em văn nghệ Đà Nẵng ngồi lại với nhau trong quán cà phê Cố Quận bên bờ sông Hàn, cùng chung vui với anh Nguyễn Đức Nam (hiện là phó Tổng biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng) - tác giả tập bút ký “Tóc ngắn, tóc dài” vừa mới trình làng. Sách do NXB Đà Nẵng cấp phép xuất bản, đầy đặn 240 trang in.

Ấn tượng ban đầu của tập sách trên tay mỗi chúng tôi có lẽ là từ cái bìa sách mới lạ độc đáo do họa sĩ Phan Ngọc Minh vẽ và trình bày.

Thú thật, tôi khá bất ngờ với cái tiêu đề tập sách mà Nguyễn Đức Nam đã lựa chọn trong tất cả các bài viết anh tự tuyển đã in trong tập sách. Bất ngờ là bởi, lâu nay tôi từng đọc nhiều tác phẩm của Nam, cả văn xuôi cho đến những bài thơ anh đăng trên các báo và tạp chí. Dường như quán xuyến trong tất cả mọi đề tài (ngoại trừ những bài báo), văn phong Nam thường sử dụng cái motif dân gian (folk motifs).

Bìa tập bút ký “Tóc ngắn, tóc dài”.

Đây cũng là cái phẩm chất riêng quý giá của một nhà văn, nhà thơ mà anh có được. Đấy là một tạng viết mà tôi hiểu, nó vốn như một định mệnh được mẹ nuôi nấng cưu mang từ thuở còn nằm nôi, ngày ngày thấm đẫm những khúc ru hời đã hòa tan vào máu huyết từ buổi đầu cầm bút. Lý giải ra như thế, vậy thì việc lựa chọn cái tiêu đề sách “Tóc ngắn, tóc dài” kia, là tác giả đã rời xa cái “vòng nôi” rất mực yêu thương đó ư? 

Vâng, có thể là Nam chưa xa. Nhưng với một tiêu đề như vậy, người ta dễ thấy có vẻ nhuốm màu hơi hướm thời thượng, một thứ “mốt”; thường hợp với tuổi áo trắng, tuổi học trò. Chả nói đâu xa, tập truyện cùng tên “Tóc ngắn, tóc dài” của Nguyễn Nhật Ánh trong “Kính vạn hoa” đã xuất bản trước đó là một minh chứng cụ thể.

   Cố nhiên nội dung sách mới là chủ yếu. Mới là một Nguyễn Đức Nam vang hưởng folk motifs đầy ắp quê nội, quê ngoại, đầy ắp bến đò, ngọn núi, dòng sông. Một Nguyễn Đức Nam mà tôi từng tâm tình sẻ chia ngọt bùi trong đời một người cầm bút. Rằng, suy cho cùng, giá trị tuyệt đối của bất cứ tác phẩm văn học nào, bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng khởi đi từ cảm xúc có thực. Mọi sự giả dối, cho dù dưới bất cứ hình thức hiện đại đến cỡ nào, sơn son thếp vàng “đồng bóng” đến đâu, cũng đều không thể gọi là cái đẹp, cái thiện, một tiêu chí mĩ học vốn đã thường hằng tự thời Aristote…

Tôi không có ý vẽ vời thêm Nguyễn Đức Nam, tô thêm những gam màu lên “Tóc ngắn, tóc dài” của anh. Nhưng điều này là có thực, nghĩa là Nam sống với nghề thế nào thì văn anh thế ấy. 

Không cao giọng triết lý, không rườm lời, không dối một tiếng vui hay một điệu buồn mà bình dị đơn sơ như nó vốn có. Như con suối cái khe Mẹ nguồn đẻ ra trong veo trong vắt theo cái thể điệu lặng lẽ róc rách của một đời khe suối, vậy mà thanh âm bất tận, vậy mà mênh mông thăm thẳm một quê nhà. Tôi biết rằng trên đời này có nhiều điều thật kỳ diệu để tin, để yêu, nhưng niềm tin tinh khiết và vĩnh viễn đó chính là lòng bao dung của Quê hương và Mẹ...

Thế đấy, từ “Nơi nương tựa đời người”; cho đến “Mít non-cá chuồn”; từ “Quê nội” cho đến “Ngoại”... không dưng đọc bút ký “Tóc ngắn, tóc dài” của Nam mà tôi lại véo von thơ như từ mù khơi trí nhớ ùa về: “Nhớ mẹ con chạy về quê nội/ Sông ơi sông chia ngọt sẻ bùi/ Bến đã lở, những đời tằm trôi giạt/ Nỗi buồn nước kể mãi không nguôi”.

Nguyễn Nhã Tiên
.
.
.