“Đình làng Việt” - nơi kết nối và chia sẻ kiến thức văn hóa đình làng

Thứ Ba, 25/05/2021, 08:45
Câu lạc bộ Đình làng Việt, là của cộng đồng những người yêu văn hóa và kiến trúc đình làng, cũng như bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống Việt.

Trên không gian mạng facebook hiện nay, có nhiều hội nhóm, các trang fanpage về các chủ đề mà tùy theo sự quan tâm của mọi người, có thể đăng ký thành viên. 

Câu lạc bộ Đình làng Việt, là của cộng đồng những người yêu văn hóa và kiến trúc đình làng, cũng như bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa truyền thống Việt. Chính vì ý nghĩa lớn lao đó, nhóm Đình làng Việt đã ngày càng kết nạp thêm nhiều thành viên quan tâm, cũng như sự lan tỏa tình yêu văn hóa Việt.

Nếu ai đã là thành viên của Câu lạc bộ Đình làng Việt sẽ thấy sự hoạt động rất sôi nổi. Chủ nhiệm câu lạc bộ, Họa sĩ Nguyễn Đức Bình, là một người “cầm cương” cho hoạt động của nhóm.

Thành lập năm 2014,  đến nay Câu lạc bộ hơn 20 nghìn người tham gia, mà đa số các thành viên là những nhà nghiên cứu văn hóa, những họa sĩ, nhà báo, những người yêu văn hóa và rất nhiều những bạn trẻ quan tâm đến bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Nơi chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm

Vào trang fanpage của nhóm, ta bắt gặp rất nhiều những bức ảnh được các thành viên câu lạc bộ từ khắp nơi gửi về và đăng tải. 

Nội dung là những bức ảnh chụp những ngôi đình cổ có niên đại hàng trăm năm, hay những bức ảnh về các làng quê truyền thống, mà tác giả đi qua, vô tình bắt gặp lại những hình ảnh cổ kính, thân thiết còn sót lại giữa nhiều làng quê đang trong quá trình công nghiệp và đô thị hóa: những chiếc cổng cổ mái vòm, cài then gỗ, những giếng làng, những ngôi nhà với những cánh cửa gỗ lim truyền thống nhiều khi chỉ còn trong ký ức, mà thế hệ trẻ ngày nay ít có dịp được bắt gặp hay tiếp cận.

Nhưng có lẽ, hình ảnh được đưa nhiều nhất là những ngôi đình, và thực trạng của nhiều di tích với cái nhìn của những nhà quản lý văn hóa và những nhà chuyên môn. Mỗi ngôi đình, gắn bó với một ngôi làng, từ xa xưa đã là nơi sinh hoạt chung của cả cộng đồng làng.

Đình làng đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người dân; thời xưa, là nơi giải quyết những “việc làng”. Nhiều ngôi đình có niên đại hàng trăm năm, với những kiến trúc cổ kính, nhưng cùng với thời gian, đã có sự xuống cấp và đòi hỏi sự trùng tu.

Sự trùng tu hay xây mới, đòi hỏi rất nhiều ý kiến đánh giá của những nhà chuyên môn, những người có vốn kiến thức về văn hóa, kiến trúc và xây dựng. Và họ đều là những con người nặng lòng với văn hóa truyền thống, muốn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Ngoài ra, các thành viên cũng có thể tham vấn ngay trên nhóm ý kiến của những người có chuyên môn về những điều mình chưa hiểu và chưa rõ. Những câu hỏi được đặt ra đi kèm với hình ảnh, sẽ nhận được cùng lúc rất nhiều phản hồi.

Hiểu về văn hóa, kiến trúc đình làng là một vấn đề không đơn giản, cần một kiến thức tổng hợp của cả xây dựng, văn hóa và kiến trúc, và vì đó là các lớp văn hóa, đòi hỏi người ta phải có sự đam mê, tìm tòi và nghiên cứu, so sánh, đánh giá mới có những hiểu biết thấu đáo.

Các thành viên CLB Đình làng Việt trong trang phục áo dài khăn đóng.

Nhiều hoạt động có ý nghĩa

Không chỉ là nơi giao lưu, chia sẻ những bức ảnh đẹp, những kiến thức về văn hóa đình làng, nhóm Đình làng Việt còn tổ chức nhiều hoạt động cho các thành viên tham gia rất có ý nghĩa: Các kỳ điền dã về các di tích ở các tỉnh, để chia sẻ, giao lưu và gặp gỡ trực tiếp giữa các thành viên, và trao đổi những hiểu biết giữa các thành viên về văn hóa đình làng Việt.

Đoàn đã tổ chức được nhiều chuyến đi, đến nhiều miền quê của vùng đồng bằng Bắc Bộ, hay cũng có những chuyến rất xa như Huế; miền Tây Nam Bộ. Kinh phí do các thành viên tự đóng góp, nhưng có những chuyến đi như vậy có công rất lớn của những người tổ chức.

Người muốn tham gia nhiều, nhưng số lượng được đi lại chỉ có hạn. Những đợt giao lưu như vậy không chỉ là cơ hội để nắm bắt được thực trạng của từng di tích, mà còn để các thành viên chia sẻ kiến thức và gắn kết các thành viên ở ngoài đời.

Không chỉ những chuyến điền dã, nhóm “Đình làng Việt” hằng năm còn tổ chức những chương trình Tết Việt ở không gian các ngôi đình làng để tái hiện lại không khí Tết Việt truyền thống.

Nhiều ngôi đình cổ được chọn tổ chức Tết Việt như đình làng So ở Quốc Oai; đình làng Lệ Mật ở Lệ Mật, Long Biên; đình Kim Ngân, Hoàng Kiếm… thu hút được nhiều người tham gia và tái hiện lại không gian Tết Việt bằng những hoạt động như gói bánh chưng, dựng cây nêu… và các thành viên tham gia đều mặc áo dài, khăn đóng.

Những ngôi đình làng được lựa chọn tổ chức Tết Việt là những ngôi đình cổ kính, có tuổi đời lâu năm. Đình làng So ở Quốc Oai, Hà Tây là vùng đất cổ xứ Đoài, đình có tuổi thọ lên đến hơn 300 năm tuổi. Đình có mặt tiền hướng sông, hậu tựa núi.

Cổng tam quan đẹp với những bậc thang đá 18 cấp dẫn xuống hồ bán nguyệt. Đình rộng 7 gian 2 chái, quy mô kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100 mét vuông, tổng cộng 55 gian với 64 cột lớn nhỏ.

Kiến trúc của đình làng So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Tổ chức các chương trình tết Việt trong một không khí đậm chất cổ kính như vậy, là một trong những giá trị mà các thành viên trong nhóm Đình làng Việt đã làm được, để khơi gợi và lưu giữ văn hóa truyền thống đậm đà.

“Mục tiêu ban đầu thành lập nhóm Đình làng Việt trên facebook là để chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng (kiến trúc, chạm khắc trang trí và những kiến thức về lịch sử, văn hóa xung quanh những ngôi đình Việt).
Sau một thời gian hoạt động đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng, nhiều hình ảnh đẹp cùng thông tin về các ngôi đình cổ trong cả nước được các thành viên ở các địa phương đưa lên, nên số thành viên nhóm tăng lên nhanh chóng – Nhà nghiên cứu, họa sĩ Nguyễn Đức Bình”.
Ngô Chuyên
.
.
.