Đẩy mạnh xã hội hóa sân khấu:

Lo ngại mất bản sắc, nghiệp dư hóa nghệ thuật

Thứ Tư, 20/02/2019, 15:50
Năm 2018, sân khấu xã hội hóa, đặc biệt là sân khấu phía Bắc tiếp tục tạo được những dấu ấn nhất định. 

Bên cạnh sự xuất hiện và duy trì hoạt động ngày càng nhiều hơn của các đơn vị sân khấu ngoài công lập, năm 2018, không thể không kể đến thành công đặc biệt của Liên hoan ảo thuật toàn quốc. 

Đây là lần đầu tiên Liên hoan này được tổ chức cấp toàn quốc, hơn thế còn là được tổ chức hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa, khác hẳn các Liên hoan nghệ thuật toàn quốc thường được sử dụng kinh phí của Nhà nước lâu nay. 

Thế nhưng, chính những người hoạt động lâu năm trong giới sân khấu vẫn chưa thôi phấp phỏng, lo lắng. Việc sát nhập các đoàn nghệ thuật, nếu không cẩn trọng sẽ dẫn đến tình trạng nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp.

NSND Tâm Chính, một trong số các gương mặt lão luyện gắn bó với nghệ thuật sân khấu chia sẻ một câu chuyện khá buồn. Đó là khi bà về truyền nghề cho các học viên ở Thanh Hóa. Sau khóa học, có những học viên buồn thiu nói rằng, các em học thì cứ học, không biết tương lai ra sao. Lý do là địa phương đang thực hiện sát nhập các đoàn nghệ thuật vào Trung tâm văn hóa. 

Như thế, tương lai sẽ không còn tên các đoàn Tuồng, Chèo… Nghệ sĩ học Chèo nhưng không còn Chèo thì họ biết diễn cái gì? Diễn Kịch nói, họ cũng có thể diễn được nhưng chắc chắn sân khấu Chèo sẽ không còn đúng là Chèo như họ đam mê, đã từng được đào tạo nữa.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương cũng cho rằng, rất nhiều người đang hiểu sai về xã hội hóa văn học nghệ thuật, trong đó có sân khấu. Xã hội hóa sân khấu bị đồng nhất với tư nhân hóa nhưng thực tế, xã hội hóa không phải là thả nổi hoàn toàn cho khối tư  nhân mà là huy động thêm các nguồn lực khác trong xã hội để thúc đẩy phát triển. Về phía nhà nước cũng sẽ vẫn đầu tư, thậm chí còn đầu tư nhiều hơn.

Nghệ thuật sân khấu truyền thống gặp nhiều khó khăn trước xu hướng sát nhập các đoàn địa phương hiện nay

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam thì phân tích: Theo đề án “Quy hoạch và phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 định hướng 2030”, các đơn vị nghệ thuật được sắp xếp lại. Ở trung ương tập trung xây dựng các đoàn nghệ thuật tiêu biểu như Tuồng, Chèo, Cải lương, Xiếc, Kịch nói, Ca múa nhạc dân tộc, Giao hưởng, Balê, Múa rối....

Ở địa phương chỉ duy trì những đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật của địa phương. Từ năm 2015 có 5 đơn vị nghệ thuật thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được chọn thí điểm chuyển đổi mô hình quản lý từ bao cấp sang quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cắt giảm dần sự bao cấp của Nhà nước. 

Đến năm 2018, trên toàn quốc có trên 70 đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập, khoảng 30 đơn vị nghệ thuật sân khấu theo mô hình xã hội hóa đang hoạt động tại TP Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và ở một số tỉnh thành. 

Trong cơ chế tự chủ tài chính nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập đã tự một phần xã hội hóa theo nhiều hình thức, có nhiều show diễn hợp đồng, chủ động hợp tác, xin tài trợ, cho thuê một phần diện tích trụ sở kinh doanh… để nâng cao đời sống của anh chị em nghệ sĩ. 

Các đơn vị nghệ thuật sân khấu như Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Múa Rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang TP Hồ Chí Minh… là những đơn vị đã phát huy được xu hướng tiếp cận khán giả trong bối cảnh hiện nay. 

Ở các địa phương, việc sắp xếp ổn định lại các đơn vị nghệ thuật theo hướng sát nhập các đơn vị nghệ thuật vào với Trung tâm Văn hóa, thành lập Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, sát nhập Trung tâm Văn hóa với các đoàn nghệ thuật; thành lập Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống, sát nhập các Đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, Ca múa nhạc lại thành 1 đơn vị; thành lập đơn vị tiêu biểu cho truyền thống nghệ thuật của địa phương còn các đơn vị nghệ thuật khác giải thể. 

Các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, vẫn đang giữ nguyên chờ đề án sắp xếp. Việc sát nhập này đã làm mất đi tên gọi của các loại hình nghệ thuật truyền thống: Tuồng, Chèo, Cải lương, Rối, Dân ca kịch (Bài chòi, Ca Huế, Nghệ Tĩnh, Dù kê Khmer), Kịch nói, Xiếc.

Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, việc các đơn vị nghệ thuật sân khấu phải tự chủ kinh phí nhằm xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo động lực cống hiến tài năng của nghệ sĩ, đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu phát huy quyền chủ động trong việc sử dụng các nguồn tài chính, cơ sở vật chất, sắp xếp, bố trí nhân lực để thực hiện các nhiệm vụ được giao và tạo nguồn thu, tự chủ về tài chính để tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật.  

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, các đơn vị nghệ thuật sân khấu đã tìm ra lời giải bài toán hoạt động trong cơ chế thị trường để đảm bảo doanh thu và chi phí, đồng thời cũng tạo cú hích cho sáng tạo nghệ thuật phục vụ công chúng. Từ đó, hoạt động sáng tạo nghệ thuật phong phú hơn về đề tài, đa dạng hơn về hình thức thể loại. Lộ trình tiến tới tự chủ của các đơn vị nghệ thuật sân khấu trở thành đòn bẩy thúc đẩy tính chủ động, sáng tạo nghệ thuật. Đội ngũ nghệ sĩ được chọn lọc, năng động hơn. 

Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp kết hợp tính năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng của các nhà quản lý, các văn nghệ sĩ đang được xã hội thừa nhận. Các đơn vị sân khấu ngoài công lập hoạt động theo luật doanh nghiệp, trong đó, chiếm đến 90% là Kịch nói. Chỉ có khoảng 10% là  nghệ thuật Cải lương ở TP Hồ Chí Minh và ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Các đơn vị này được hoạt động theo mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm, do được tự chủ nên các đơn vị nghệ thuật sân khấu này hoạt động rất tự chủ trong việc lựa chọn đề tài và luôn hướng tới thị hiếu khán giả để “lấy thu bù chi”. Hoạt động theo mô hình gọn nhẹ.

Tuy nhiên, tốc độ xã hội hoá còn chậm so với tiềm năng và chỉ tiêu giữa các vùng miền và cả giữa các tỉnh, thành phố chưa đồng bộ.  Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn chưa đi vào được đời sống. Lộ trình thực hiện chủ trương xã hội hoá ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước rơi vào tình trạng bế tắc. Các đơn vị nghệ thuật công lập ở tại một số tỉnh địa phương đã sát nhập với Trung tâm Văn hóa thành 1 đơn vị tổng hợp. 

Hệ lụy là, nhiều đơn vị nghệ thuật đã không còn giữ được bản sắc nghệ thuật  mà chạy theo xây dựng các chương trình tấu hài, kịch sex, kịch ma… để có doanh thu nuôi bộ máy cồng kềnh. 

Trong khi đó, chế độ nhuận bút nhà nước đã ban hành không thực hiện được vì địa phương không có kinh phí. Sân khấu vẫn đang trong tình trạng khủng hoảng, nay lại sát nhập thành 1 đơn vị tổng hợp, nếu không có phương án phát triển thì rất dễ dẫn đến tình trạng “gieo vừng ra ngô”, mất bản sắc nghệ thuật, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động.

Ngọc Nguyễn
.
.
.