Đầu xuân thăm Bến Nhà Rồng

Thứ Ba, 20/02/2018, 19:43
Ngày 20-2, tức mùng 5 Tết, nhiều du khách đã thăm di tích Bến Nhà Rồng, nơi vào ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Văn Ba đã bước chân xuống con tàu Amiral Latouche Tréville của Pháp với công việc phụ bếp, bắt đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước.


Mới từ khoảng hơn 8 giờ sáng, khu vực dành cho ôtô đỗ trong khuôn viên của di tích đã không còn chỗ. Có khách cao tuổi, ngồi xe lăn, được người thân đưa vào từ cổng khu di tích (đường Nguyễn Tất Thành) để cùng con cháu tham quan, chụp ảnh lưu niệm trong niềm cảm động.

Bác Nguyễn Văn Hội, 67 tuổi, quê Hải Phòng cho biết con gái ông lấy chồng và đang làm ăn, sinh sống cùng chồng trong thành phố này. “Năm nay lần đầu tiên được vào đây vui Tết với con cháu nên tiện dịp đến tham quan nơi cách đây hơn thế kỷ, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Đó cũng là mong ước bấy lâu nay của tôi”, ông Hội xúc động cho biết.

Nhiều du khách lần đầu đến tham quan thật sực xúc động khi được biết thêm về sự nghiệp vĩ đại trong hành trình đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành

Cháu Nguyễn Nhã Uyên, học sinh lớp 8A4 Trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP Hồ Chí Minh sung sướng kể: “Con mới được chuyển trường từ Cần Thơ lên TP Hồ Chí Minh học từ năm học này. Con từng được học về nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước nhưng nay con mới được biết”.  

Theo một nhân viên của di tích, trong mấy ngày Tết, di tích vẫn mở cửa phục vụ du khách đến tham quan. “Du khách nước ngoài cũng rất thích thú khi được giới thiệu về hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại đây, đặc biệt là hành trình tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Nhiều giáo viên, học sinh ở tỉnh cũng tìm đến để hiểu thêm về sự nghiệp vĩ đại của Bác Hồ…”.         

Khách cao tuổi, không thể tự di chuyển được cũng tranh thủ vào tham qua di tích ngay trong ngày đầu xuân
Di tích Bến Nhà Rồng nằm bên con sông Sài Gòn, cạnh chân cầu Khánh Hội, thuộc quận 4, TP Hồ Chí Minh. Ngày 2-9-1979, nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, nơi đây đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về "Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hổ Chí Minh (1890 - 1945)". 

Sau đó UBND TP Hồ Chí Minh quyết định thành lập "Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh". Tòa nhà Bến Nhà Rồng hiện nay vẫn cơ bản giữ nguyên kiên trúc cũ. Trên tổng diện tích quy hoạch 12.000 m2 trừ diện tích xây dựng, còn lại tràn ngập màu xanh của đủ loại cây cỏ quý hiếm, hội tụ từ nhiều nơi trong và ngoài nước. Đó là tấm lòng của đồng bào cả nước và khách nước ngoài thành kính dâng lên Người.

Cháu Nguyễn Nhã Uyên, học sinh lớp 8 trường THCS Trần Văn Ơn, quận 1, TP Hồ Chí Minh thật sự thích thú và xúc động khi được tham quan hình ảnh, hiện vật trong di tích Bến Nhà Rồng
Một nhóm du khách người Hàn Quốc thích thú ghi lại khoảng khắc tham quan di tích Bến Nhà Rồng
Những ngày đầu xuân, trong khuôn viên của Di tích tràn đầy nắm ấm, du khách thỏa thích với sắc vàng của hoa mai và sắc hồng của hoa đào – hai loài hoa hết sức đặc trưng dịp đầu xuân của 2 miền Nam Bắc.
Từ Bến Nhà Rồng, nhìn về hướng trung tâm, du khách có thể cảm nhận được thành phố mang tên Người thay da đổi thịt từng ngày.
Du khách thích thú chụp ảnh dưới chân tượng thanh niên Nguyễn Tất Thành, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bến Nhà Rồng là một minh chứng lịch sử, là nơi lưu truyền rất nhiều các tư liệu hiện vật, quý giá giúp người tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc, đặc biệt là cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài của Tổ quốc, vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Bến Nhà Rồng là nơi lưu truyền rất nhiều các tư liệu hiện vật, quý giá giúp người tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam

Bến Nhà Rồng xưa là thương cảng lớn nằm bên sông Sài Gòn. Trụ sở là một tòa nhà cao hai tầng do Công ty Vận tải đường biển của Pháp là Messageries Maritimes xây dựng năm 1863, dùng làm nơi bán vé tàu và làm nơi ở cho người quản lý. 

Đến cuối năm 1899, công ty mới được phép xây cất bến để tàu cập bến. Con đuờng chạy sát bên cảng gọi là bến Khánh Hội. Bảo tàng – trước đây là trụ sở của Tổng Công ty vận tải Hoàng Đế - một trong những công trình đầu tiên do thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được Sài Gòn. Ngôi nhà được xây dựng khoảng từ giữa 1862 đến cuối năm 1863 hoàn thành với lối kiến trúc phương Tây nhưng trên nóc nhà gắn hai con rồng châu đầu vào mặt trăng (lưỡng long chầu nguyệt) - một kiểu kiến trúc quen thuộc của đình chùa Việt Nam. Với kiểu kiên trúc độc đáo đó nên người dân gọi là Nhà Rồng và bến cảng cũng mang tên Bến cảng Nhà Rồng.

Năm 1955, thương cảng Sài Gòn được chuyến giao cho chính quyền Sài Gòn. Năm 1965, ngôi Nhà Rồng do quân đội Mỹ sử dụng làm trụ sở của Cơ quan tiếp nhận viện trợ quân sự Mỹ. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nhà Rồng - biểu tượng của cảng Sài Gòn - thuộc Cục đường biển Việt Nam quản lý; ngôi nhà được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

THÁI BÌNH
.
.
.