Tọa đàm, giới thiệu cuốn sách của Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng

Thứ Sáu, 14/10/2016, 14:38
Ngày 14-10, Nhà xuất Bản CAND tổ chức buổi tọa đàm, giới thiệu cuốn sách “Phán xét” – Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào? của Thượng tướngNguyễn Văn Hưởng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an.

Dự buổi tọa đàm có Trung tướng, TS Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND; Thiếu tướng, TS Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo CAND; Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp Chí CAND; Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Bình Ban, Viện trưởng Viện Lịch sử CAND; 

Thiếu tướng, PGS.TS Phí Đức Tuấn, Phó Giám đốc Học viện ANND; Thiếu tướng Nghiêm Triêu Dương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Công an; Thiếu tướng, PGS.TS Phạm Ngọc Hà, Phó Giám đốc Học viện CSND; Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Trọng Đạo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị CAND cùng đại diện lãnh đạo Tổng cục An ninh, Tổng cục V và một số đơn vị thuộc Tổng cục Chính trị CAND.

Trung tướng, TS Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND phát biểu tại buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười khẳng định, cuốn sách “Phán xét” – Các nước lớn đã can thiệp vào chiến tranh Việt Nam như thế nào? của tác giả - nguyên Thứ trưởng Nguyễn Văn Hưởng là một tác phẩm rất quý giá, vì vậy, các đơn vị, trường, học viện CAND cần trang bị để làm tài liệu nghiên cứu, học tập cho cán bộ chiến sĩ, học viên. 

Bên cạnh đó, đồng chí Phó Tổng cục trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo, cán bộ, biên tập viên NXB CAND cần chủ động hơn nữa để có thể cho ra đời nhiều cuốn sách quý báu tương tự, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu khoa học của cán bộ chiến sĩ, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong lực lượng CAND và độc giả cả nước.

Trong lời mở đầu của cuốn sách, tác giả Nguyễn Văn Hưởng chia sẻ: “Chiến tranh Việt Nam đã đi qua gần nửa thế kỷ, đã là thời gian quá đủ để suy ngẫm toàn diện và đầy đủ nhất lịch sử cuộc chiến tranh. Nhiều vấn đề đã được công khai, nhưng cũng có không ít sự kiện cần phải được nói tới nếu như không muốn nói là đã muộn". 

"Những điều tôi viết trong cuốn sách này là để góp phần thực hiện điều đó, với sự trung thực và khách quan, xuất phát từ lương tâm và trách nhiệm, cùng bầu nhiệt huyết nhằm đưa ra những phân tích, nhận xét, ngõ hầu cùng mọi người phán xét sự can dự của các nước lớn vào Việt Nam trong chiến tranh”.

Bìa cuốn sách.

Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đều cho rằng, cuốn sách là một công trình rất quý giá, dựa trên cơ sở tư liệu phong phú trong và ngoài nước của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà báo; tài liệu của các nhà nước: Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp…; hồi ký của các nhân vật cấp cao của Hoa Kỳ – những người đã trực tiếp chỉ huy cuộc chiến tranh Việt Nam. 

Đặc biệt, tác giả đã tham khảo khối lượng lớn tài liệu chiến tranh: “Hồ sơ Lầu Năm Góc: Lịch sử của Bộ Quốc phòng Mỹ về quá trình hoạch định chính sách tại Việt Nam”; Cơ quan tình báo CIA; tài liệu của tàn quân Pôn Pốt; tài liệu lưu trữ của chính quyền ngụy cùng lời tự thuật của các nhân vật ngụy quyền cấp cao. 

Những tư liệu này được trình bày theo từng giai đoạn có tính chất bước ngoặt của các cuộc chiến tranh Việt Nam, để phán ánh mức độ can thiệp của các nước và nguyên nhân dẫn đến các cuộc chiến tranh Việt Nam trong thế kỷ XX.

Quang cảnh buổi tọa đàm.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc, Tổng Biên tập NXB CAND cho biết, cuốn sách dày gần 700 trang, nội dung gồm 9 phần với 57 chương. Theo như tâm sự của tác giả thì cuốn sách cũng hướng về đề tài chiến tranh Việt Nam như nhiều cuốn sách tư liệu khác, cũng đi vào năm tháng và các sự kiện nhưng chỉ giới hạn ở các sự kiện liên quan tới các nước lớn đã can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam như thế nào, dưới góc nhìn của người làm chính trị đã được nghiên cứu và được chứng kiến một phần các sự kiện đó.

Thiếu tướng, PGS.TS Trần Vi Dân, Tổng Biên tập Tạp chí CAND phát biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm.

Cuốn sách cũng giới hạn thời gian từ năm 1954, thời điểm kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, là thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, cũng là thời điểm Mỹ bắt đầu dự tính can thiệp vào Việt Nam thay chân Pháp, cho tới khi “chiến tranh lạnh” kết thúc vào năm 1991. 

Trong khuôn khổ cuốn sách, tác giả đã sử dụng các sự kiện lịch sử để phân tích, làm rõ sự can dự của Mỹ và các nước lớn vào cuộc chiến tranh Việt Nam, có sự phân khúc về thời gian để làm rõ vai trò, mức độ và sự phức tạp của các mối quan hệ giữa các nước lớn, đã tác động trực tiếp tới cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam ở những thời khắc quan trọng nhất…

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười cùng các đại biểu dự buổi tọa đàm.

Với bầu nhiệt huyết đối với đất nước đã phải chịu nhiều đau thương trong các cuộc chiến tranh kéo dài và tàn khốc, sự suy ngẫm toàn diện và sâu sắc, với nguồn tư liệu vô cùng lớn và phong phú, tác giả đã mang đến cho người đọc những chuỗi sự kiện hấp dẫn, qua đó, những nhà nghiên cứu, nhà hoạt động thực tiễn và bạn đọc có một sự tiếp cận mới mẻ về lịch sử, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong lịch sử và những vấn đề đã và đang diễn ra, hiểu rõ hơn về bạn, về thù trong quá khứ, để cuối cùng nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp.

Phần cuối của sách, tác giả cũng đưa ra một số lưu ý về những nguy cơ và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trước mắt và lâu dài, từ đó tâm huyết với những bài học kinh nghiệm, rút ra từ lịch sử và những hướng cân nhắc, xử lý chiến lược các mối quan hệ với thế giới, đặc biệt là với các nước lớn và các quốc gia có liên quan khác, để tận dụng được thời cơ và giảm thiểu thách thức theo nguyên tắc: Giá trị quốc gia phải là ưu tiên hàng đầu, trong đó độc lập, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là giá trị tối thượng, vĩnh cửu, bất di bất dịch.

Qua cuốn sách, tác giả cũng gửi gắm một niềm tin mãnh liệt vào đường lối cách mạng Việt Nam mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, vào chính sách đối ngoại tự chủ linh hoạt và sáng tạo trong những bối cảnh vô cùng phức tạp để giữ vững chủ quyền, độc lập, thống nhất và vững bước đi lên.

Cảnh Thảo
.
.
.