Chuyện về hai bức tranh vải Việt – Nhật của nữ nghệ sĩ đến từ đất nước mặt trời mọc

Thứ Sáu, 03/03/2017, 14:29

Nằm trong các hoạt động chào mừng sự kiện Nhật Hoàng Akihito và Hoàng Hậu Michiko đến thăm Việt Nam, triển lãm tranh vải và các sản phẩm từ vải Nhật Bản với tên gọi “Duyên dáng Việt - Nhật” đang được diễn ra đến hết ngày 7-3 tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Câu chuyện về hai bức tranh vải Việt – Nhật đã thu hút sự quan tâm của nhiều người yêu nghệ thuật.


Duyên dáng Việt – Nhật

Triển lãm “Duyên dáng Việt – Nhật” hội tụ những tác phẩm đặc sắc được làm từ vải Nhật chính hãng, trong đó tâm điểm là hai bức tranh vải độc đáo của nữ nghệ sĩ Noriko Yasui. Đây là hai bức tranh khổ lớn được ghép từ những mảnh vải khác nhau, là sự kết hợp hoàn hảo giữa vải kimono và vải lụa, vải tơ sống Việt Nam... Hai bức tranh là câu chuyện được gửi gắm của nghệ sĩ Noriko Yasui về tình yêu và ước vọng.

Biểu diễn điệu múa truyền thống Nhật Bản tại triển lãm.

“Hòa quyện” là bức tranh được lấy cảm hứng từ thiên nhiên với sự yêu thích đặc biệt dành riêng cho các loại vải Việt Nam của nữ nghệ sỹ. Noriko Yasui đã sử dụng vải lụa tơ tằm của làng lụa Hải Dương, vải taffta, vải tơ sống Việt Nam cho tác phẩm này. Trong khi đó, “Giấc mơ chưa hoàn thành” là bức tranh ghép vải lụa màu đỏ của Việt Nam.

Đặc biệt, đây là lần đầu tiên bộ sưu tập vải lụa cao cấp từ 100% tơ tằm chuyên dùng để may Kimono được giới thiệu tại Việt Nam. Được dệt hoàn toàn thủ công dưới bàn tay của những người thợ tài hoa, những tấm vải này được xem như một tài sản đáng trân trọng đối với người phụ nữ Nhật. Chất liệu hảo hạng, mướt mềm, nhẹ nhàng chính là những mỹ từ được dùng để miêu tả loại vải này.

Người xem chiêm ngưỡng các loại vải Nhật Bản.

Triển lãm còn giới thiệu nhiều bộ sưu tập vải nổi tiếng của Nhật Bản với những họa tiết đặc trưng của xứ sở hoa anh đào như: Ngàn cánh hạc, Muôn sắc hoa, Hoa trà Camellia, Hoa hồng... “Ngàn cánh hạc” là bộ sưu tập những mẫu vải với họa tiết chim hạc tung cánh trên nền hoa cúc, hoa mẫu đơn rực rỡ. Chim hạc là biểu tượng văn hóa của Nhật Bản, tượng trưng cho sự linh thiêng, cao quý, thanh nhã, thủy chung.

“Muôn sắc hoa” là những mẫu vải với họa tiết hoa được phối màu tinh tế, điêu luyện, kết hợp hài hòa giữa màu nền và màu hoa, mang lại cảm giác thanh tao mà rực rỡ. Trong khi đó, bộ sưu tập “Hoa trà Camellia” là những mẫu vải lấy cảm hứng từ hoa trà Camellia - loài hoa được người Nhật xem là biểu tượng của sự trường tồn vĩnh cửu, vẻ đẹp hoàn hảo và sự hạnh phúc. Tất cả các mẫu vải đều được nhuộm màu theo công nghệ đặc biệt, giữ được sự tươi sáng, hài hòa, sắc nét.

Cùng với đó, hàng trăm sản phẩm được làm từ vải Nhật cũng được trưng bày, giới thiệu tại triển lãm. Đặc biệt, tại triển lãm, người xem sẽ được thưởng thức sự kết hợp của văn hóa truyền thống Việt Nam và nét đẹp của vải Nhật thông qua bộ sưu tập áo dài.

Chuyện về hai bức tranh vải Việt – Nhật

Nữ nghệ sĩ Noriko Yasui chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hậu chiến tranh thế giới thứ II, tôi đã trải qua thời thơ ấu gian khó và trưởng thành trong sự đói nghèo. Thời kỳ ấy bắt buộc những con người ở thế hệ chúng tôi phải làm việc cật lực xây dựng đất nước. Vì vậy mãi tới năm tôi 50 tuổi, khi các con tôi đã trưởng thành, tôi mới bắt đầu học môn ráp vải ở Tokyo (lúc đó chồng tôi đang làm việc tại Tokyo). Nói là bắt đầu học ráp vải nhưng trước đó tôi đã học qua thêu, đan len, móc và may vá rất nhiều ở các lớp nữ công trong trường học hay các hiệp hội từ thiện”.

Nữ nghệ sĩ Noriko Yasui cho biết, ba năm sau, gia đình bà chuyển tới Osaka và từ đó bà bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu môn “Ráp vải kiểu Mỹ theo trường phái tự do”. Đây là bộ môn cho phép người thợ có thể sáng tác tự do theo trí tưởng tượng và tình cảm của mình, cả về mẫu mã cũng như màu sắc mẫu vải, cách thêu vá…

Bức tranh vải "Hòa quyện".

“Khi tôi khoảng 65 tuổi, con rể của tôi (là bác sĩ) giới thiệu cho tôi một người phụ nữ - vợ một bệnh nhân của cậu ấy. Cô ấy bị trầm cảm và luôn cảm thấy cô đơn sau khi mất đi người chồng thân yêu của mình. Từ đó, chúng tôi cùng nhau học cách ráp vải, cách thêu và cùng nhau sáng tạo ra các tác phẩm. Đó cũng là học sinh đầu tiên của tôi. Sau một thời gian, trung tâm đào tạo cộng đồng cũng mời tôi dạy ráp vải cho những phụ nữ neo đơn và tìm việc làm, và số lượng học sinh của tôi ngày càng nhiều hơn” - Nữ nghệ sĩ Noriko Yasui chia sẻ.

Nghệ sĩ Noriko Yasui cho biết: “Sau 30 năm được làm công việc ráp vải yêu thích của mình, tôi đã sáng tác được 20 bức tranh ghép vải với các loại mẫu mã, sử dụng nhiều chất liệu khác nhau và thử nghiệm nhiều cách thêu khác nhau, trong đó tôi rất chú trọng việc dùng vải Kimono để sáng tác. Trong chuyến đi thăm Việt Nam vào năm 2004, tôi đặc biệt yêu thích vải lụa tơ tằm của làng lụa Hải Dương và tôi đã sử dụng vải taffta và vải lụa, vải tơ sống Việt Nam cho các tác phẩm của mình”.

Các tác phẩm khác làm bằng vải Nhật Bản.

Nói về tác phẩm mang tên “Hòa quyện”, nghệ sĩ Noriko Yasui chia sẻ: “Tôi tới Nagano vào một tối mùa hè và được thưởng thức đêm Lễ Hội Mùa Hè địa phương rực rỡ trong ánh sao và dàn pháo hoa. Dòng sông Shinano chảy dài mang theo nhiều tình cảm của con trai tôi với tỉnh Nagano nơi con trai tôi đã theo học Đại học Y và làm việc ở đây. Đêm ấy khung cảnh thật tuyệt vời khi tôi nhìn thấy những bông hoa như được nở ra giữa lòng sông và tôi nảy ra ý tưởng tạo nên một tác phẩm ca ngợi thiên nhiên và sự hài hòa của trời đất cũng như lòng người”.

Còn đối với tác phẩm “Giấc mơ chưa hoàn thành”, nghệ sĩ Noriko Yasui cho biết: “Khi sắp bước sang tuổi 70, tôi nhớ về thời thanh xuân với tình yêu đầu cách đây hơn nửa thế kỷ và quyết định thể hiện điều đó qua bức tranh được ghép bằng vải. Tôi muốn diễn tả một câu chuyện về tình yêu thuần khiết gửi đến các bạn, những người đã không dám bày tỏ tình cảm của mình với đối phương vào thời điểm đó".

Tác phẩm "Giấc mơ chưa hoàn thành".

"Trước đây nhiều năm, tôi đã thu thập nhiều loại vải màu đỏ. Trong thời gian đó, tôi đã có dịp đi thăm bảo tàng mỹ thuật Shelburne, điều đó đã thôi thúc tôi rất nhiều. Và đến khi gặp được những mẫu vải đỏ ở làng lụa tại Hà Nội thì tôi quyết định bắt tay vào hiện thực mong muốn của mình. Sau khi về nước, với sự nỗ lực của bản thân và sự hướng dẫn kỹ thuật mới từ giáo viên, tôi đã thực hiện được tác phẩm này”.

Cảnh Thảo
.
.
.