Chuyện những người bỏ phố về quê, “đánh thức trí tuệ làng”

Thứ Sáu, 16/08/2019, 12:43
Ngày 16-8, Đài truyền hình Việt Nam cho biết, chuyện những người bỏ phố về làng, xây dựng quê hương sẽ được chuyển tải trong chương trình “Cất cánh” tháng 8 chủ đề “Giữ quê”.  Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào 20h ngày 17-8.

Trong chương trình, khán giả có dịp giao lưu, gặp gỡ với 3 diễn giả - những người bỏ phố về làng, xây dựng, phát triển quê hương:Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, Nguyễn Tuấn Anh – chủ nhân của nhiều “Ngôi nhà trí tuệ” cho người dân nghèo và anh Giàng Seo Châu, 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

KTS Bùi Kiến Quốc  là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp nhưng lúc nào cũng thích giới thiệu mình là một “anh nhà quê Quảng Nam”. Sinh năm 1944, rời Việt Nam từ năm 7 tuổi, sau 40 năm học tập và làm việc tại Pháp, năm 1996, KTS Bùi Kiến Quốc trở về Việt Nam gắn bó làng quê Việt.

 Năm 2006, ông chứng kiến Làng Triêm Tây Quảng Nam hàng năm bị xói mòn đi hàng chục mét đất. Đau lòng trước việc mất đất, mong muốn giữ đất giữ làng, KTS Bùi Kiến Quốc đã đề xuất với chính quyền để cải tạo làng Triêm Tây thành khu du lịch sinh thái. Đến nay, làng Triêm Tây đã trở thành mô hình thành công với dạng thức điển hình của kiến trúc bền vững – tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng cộng đồng, nâng niu văn hóa bản địa, huy động được sức mạnh của cộng đồng.

Các diễn giả trong chương trình "Cất cánh" tháng 8

Anh Giàng Seo Châu nổi tiếng là người mở lối làm giàu cho người dân Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Sinh năm 1986, trong một gia đình thuần nông nghèo có đến 6 anh chị em, bố mẹ không biết chữ, 10 tuổi, Châu mới được đến trường. Dù phải vượt qua cả chục cây số đường rừng suốt nhiều năm liền để tới lớp, Châu vẫn luôn cố gắng học tập với mong muốn mang kiến thức về xây dựng bản làng. Hiện nay, anh là Chủ tịch UBND xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. 

Nhờ những đóng góp lớn của Châu, tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 ở Mản Thẩn chỉ còn 11,94%, giảm 35,84% so với năm 2012.  Mản Thẩn còn trở thành xã đầu tiên của huyện Si Ma Cai thực hiện đạt chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Không trở về quê theo cách dịch chuyển vật lý, Nguyễn Anh Tuấn trở về bằng cách giúp đỡ quê hương mình và rất nhiều vùng quê nghèo khác từ xa. Anh “đánh thức trí tuệ làng” và mong muốn thay đổi quê hương bằng con đường giáo dục, mang lại cho lớp trẻ sau này những cơ hội mới. Dù đã có sự nghiệp vững chắc tại TP. Hồ Chí Minh nhưng anh vẫn khát khao mang kiến thức đến với các vùng quê nghèo. 

Giáo viên dạy học là những thầy, cô giáo ở địa phương và TP Vinh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, thậm chí là cả người nước ngoài. Họ tình nguyện đến với tấm lòng của mình, không đòi hỏi thù lao, chi phí đi lại, ăn ở. Hiện tại, nhiều ngôi nhà tương tự đã được Tuấn mở và dự định mở tại nhiều địa phương khác của Nghệ An, Huế, Bình Định…


N.H
.
.
.