Chung sức giữ gìn, phát huy hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình

Thứ Ba, 27/09/2016, 18:47
Trong suốt 3 ngày (tối 26-9 đến 28-9), đoàn nghệ nhân hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình gồm 21 thành viên không quản ngại xa xôi, rong ruổi đến Hà Nội và Bắc Ninh biểu diễn, giao lưu và giới thiệu hò khoan Lệ Thủy – sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của tỉnh Quảng Bình. 

Tối ngày 26-9, hội trường nhà E, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội tấp nập các bạn trẻ và khách mời. Hơn 10 tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. 

Lau vội giọt mồ hôi sau giờ diễn, nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Chiếu cho biết, cả đoàn thấm mệt nhưng rất vui vì không nghĩ loại hình nghệ thuật gắn vốn gắn liền với cuộc sống dân dã quê mình lại được yêu mến đến thế. 

64 tuổi đời, hò khoan đã như thấm vào máu thịt, trở thành sinh hoạt thường ngày và đứng trên sân khấu giảng dạy hàng tuần cho các học sinh địa phương nhưng đây là chuyến đi biểu diễn đầu tiên của ông trên đất Thủ đô. Trước khi đi, cả đoàn chỉ biết đây là một trong những hoạt động để góp phần vào chủ trương bảo tồn, phát huy hò khoan Lệ Thủy rộng rãi hơn trong tương lai.

Biểu diễn hò khoan Lệ Thủy, Quảng Bình tại Hà Nội

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội cho biết, hò khoan Lệ Thủy có hình thức diễn xướng rất phong phú, được thể hiện qua các điệu hò sông nước, hò cạn, hò giã gạo, hò đưa linh, hò bài chòi… 

Nhiều hình thức diễn xướng trong đó được sắp xếp thành lớp lang rất nhuần nhuyễn. Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản, các nghệ nhân dân gian đã sáng tạo ra các “lối hò” như những khuôn mẫu định sẵn để người ta thi thố tài năng. Hò khoan lúc này không còn chỉ dành cho lúc lao động mà đã trở thành sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính sân khấu vào lúc nông nhàn… 

Buổi biểu diễn của các nghệ nhân tại trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn là một trong những nỗ lực của những người tâm huyết với hò khoan Lệ Thủy nhằm đưa  nghệ thuật đặc biệt này đến với sinh viên.

Một tiết mục tại đêm diễn.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, chuyến đi của các nghệ nhân đến đất Thủ đô lần này cũng là sự tiếp nối “cái duyên” của rất nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân dân gian với hò khoan Lệ Thủy hơn nửa thế kỷ qua. 

Riêng với trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Hà Nội, cơ duyên này đã đến từ rất lâu. Nhắc tới hò khoan Lệ Thủy, không thể không nhắc tới công lao của nhà nghiên cứu, nhà giáo mẫu mực Hoàng Đình Luyện. 

Từ những năm 1955, chỉ với chiếc xe đạp và cây đàn ghi ta, ông từng rong ruổi khắp nơi biểu diễn, lăn lộn với phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”. Sau này, ông lui hẳn về Quảng Bình nghiên cứu, truyền dạy hò khoan Lệ Thủy. Trong 21 nghệ nhân biểu diễn trong chuyến đi này có đến 6, 7 nghệ nhân từng là học trò từng được nhà giáo Hoàng Đình Luyện truyền dạy.

Đông đảo khán giả đã đến thưởng thức hò khoan Lệ Thủy.

Tiếp nối bước chân của bậc thầy đi trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ và rất nhiều cựu sinh viên Văn khoa Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) đã chung tay tiếp sức phát huy hò khoan Lệ Thủy. Người ủng hộ kinh phí cho các nghệ nhân đi giao lưu biểu diễn tại các tỉnh, thành. Người tham gia nghiên cứu, viết sách về hò khoan Lệ Thủy, người tặng đàn… 

Sĩ quan Đặng Tuân, cựu sinh viên của trường cũng từng danh 10 năm ròng rã đi nghiên cứu, viết sách không phải để bán mà để tặng các trường, đi nói chuyện với sinh viên và các địa phương… không lấy công. Tất cả chỉ vì tình yêu hò khoan Lệ Thủy.

Sau một chặng đường khá dài đồng hành cùng hò khoan Lệ Thủy, mới đây, PGS. TS Phạm Quang Minh, hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn đã rất tích cực ủng hộ, đồng hành cùng các nhà nghiên cứu và nghệ nhân công bố các kết quả hoạt động nghiên cứu cũng như đưa hò khoan Lệ Thủy đến với công chúng rộng rãi, đặc biệt là sinh viên của trường. 

Lý do, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ là nhà trường kiên quyết đào tạo nên những công dân có đẳng cấp toàn cầu nhưng trước khi đạt yêu cầu của công dân toàn cầu thì phải là công dân của dân tộc và công dân dân tộc phải là cốt lõi. Để đạt được điều đó, yếu tố tiên quyết phải là giữ vững bản sắc văn hóa của mình. Và cũng không chỉ giữ vững mà còn phải từng bước công bố, đưa ra giới thiệu với thế giới. 

Việc nghiên cứu, góp phần, bảo tồn, phát huy hò khoan Lệ Thủy không là ngoại lệ trong chủ trương chung ấy. Tuy nhiên, những người tâm huyết với hò khoan Lệ Thủy còn mong muốn, một ngày không xa, nghệ thuật dân gian độc đáo này sẽ được phát huy hơn nữa, bằng tấm lòng vàng của rất nhiều cá nhân, tập thể trong cộng đồng. 

Hy vọng một ngày không xa, khi hò khoan Lệ Thủy chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước, các nghệ nhân sẽ đường hoàng đứng biểu diễn trên sân khấu của thánh đường nghệ thuật – Nhà hát Lớn Hà Nội. 


N.H - Q.C
.
.
.