Chuẩn nào cho đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch

Thứ Năm, 07/07/2016, 08:57
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Đặng Thị Bích Liên cho biết, hiện nước ta có 54 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, 57 cơ sở đào tạo về thể dục thể thao, 156 cơ sở đào tạo về du lịch nhưng trong đó chỉ có 8 trường chuyên sâu về đào tạo du lịch.


Trao đổi trong hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch theo hướng chuẩn quốc gia và khu vực" tại TP Hồ Chí Minh ngày 5-7, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Đặng Thị Bích Liên cho biết, hiện nước ta có 54 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, 57 cơ sở đào tạo về thể dục thể thao, 156 cơ sở đào tạo về du lịch nhưng trong đó chỉ có 8 trường chuyên sâu về đào tạo du lịch. 

Tuy nhiên, hiện nay các trường đào tạo vẫn chưa có khung chuẩn chung. Đào tạo về văn hóa nghệ thuật cần có đặc thù riêng. Ngoài phần đào tạo mang tính chất đại trà, khi đào tạo chuyên sâu, các trường sẽ phải phối hợp với từng bộ, ngành để có những chương trình riêng. Nói cách khác là hoạt động đào tạo vẫn mang tính chất “mạnh ai nấy làm”.

Đào tạo nhân lực cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật theo chuẩn quốc gia và khu vực là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Về vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa, GS, TS, NSND Ngô Văn Thành, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam khẳng định rằng vẫn còn nhiều bất cập. Riêng về mặt âm nhạc, kết quả đào tạo các tài năng âm nhạc ở Việt Nam còn khá hạn chế. 

Chúng ta cũng đã đào tạo được một số tài năng âm nhạc nhưng thực sự những “sản phẩm” này còn mang nhiều tính tự phát, ngẫu nhiên, đặc biệt khi được nhìn nhận dưới góc độ quy mô đào tạo của một quốc gia.

Những tài năng ít ỏi này phần lớn đều được phát hiện sớm, được đào tạo căn bản, thường sống trong gia đình có truyền thống âm nhạc và do vậy được tiếp xúc với âm nhạc trong môi trường thuận lợi hơn. Nhưng cũng phải khẳng định các tài năng âm nhạc nước ta chưa thực sự đạt được thành tích tốt ở những giải thưởng quốc tế. So với các nước láng giềng trong khu vực châu Á, chúng ta chỉ có những bước khá khiêm tốn.

Trong khi đó, ở nước ta Nhà nước vẫn duy trì hệ thống, thiết chế, phương thức đào tạo theo cơ chế bao cấp, chưa thay đổi nhiều cơ chế nhằm cải cách, đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo tài năng âm nhạc. Hệ thống đào tạo với thiết chế và cơ chế bao cấp đã không còn đáp ứng được yêu cầu đào tạo trong giai đoạn mới. 

Các cơ sở đào tạo rất lúng túng khi bị chi phối bởi cơ chế thị trường, hoặc “bất đắc dĩ” chạy theo cơ chế thị trường, không có cơ chế tự chủ rõ ràng để có thể mạnh dạn xây dựng những khung chương trình theo chuẩn quốc tế. Hầu hết các đơn vị không thể kiểm định được chất lượng đào tạo và gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định những tiêu chí chuẩn về nội dung, quy trình, phương pháp và mục đích của quá trình đào tạo.

PGS.TS Trần Thanh Hiệp, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho rằng đào tạo nhân lực điện ảnh truyền hình có khả năng hội nhập quốc tế, hướng tới chuẩn quốc tế thực tế là nhu cầu sống còn của sự phát triển điện ảnh dân tộc hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào một số chương trình đào tạo nhân lực điện ảnh Việt sẽ thấy còn nhiều bất cập. Nhiều chương trình, khi giới thiệu với bạn bè quốc tế, họ không hiểu. 

Trong chương trình đào tạo, có môn học cũng được và không học cũng không sao. Có môn học mang tính bổ túc mà đáng lý ra kiến thức đó phải có trước khi vào đại học hoặc là môn ngoại khóa. Có môn học ví như khi chiếc ghế gỗ kê cho sinh viên cao lên, nhưng khi sinh viên ra trường, ghế một đằng, người một nẻo, chiều cao cử nhân nghệ thuật thì… vẫn thế. Các môn học giáo dục chuyên nghiệp thời lượng ít… Một sự đổi mới hơn cho các chương trình đào tạo của ngành này là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Với du lịch, câu chuyện về đào tạo và chất lượng trong đào tạo cũng bị “than phiền”. Ông Trần Ngọc Lương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết, trong khi sinh viên ra trường không có việc làm. Đơn vị nhận sinh viên đã tốt nghiệp về không biết sắp xếp việc như thế nào cho phù hợp.

Ngay từ “đầu vào”, khi trao đổi, nhiều sinh viên không biết ra trường mình sẽ làm gì. Chưa kể, về trình độ ngoại ngữ, hầu như các em chưa đáp ứng được yêu cầu. Để các em có thể làm việc, thông thường, đơn vị sử dụng lao động phải mất từ 6 tháng đến 10 tháng đào tạo thêm. Chuẩn đâu ra của các trường càng gần với chuẩn đầu vào của doanh nghiệp.

Để khắc phục, doanh nghiệp phải chủ động phát triển đội ngũ đào tạo viên nội bộ với phương pháp đào tạo tích hợp để thực hiện đào tạo tại chỗ cho người lao động chưa đạt chuẩn đầu vào và bồi dưỡng thường xuyên cho nhân viên của tập đoàn…

TS Nguyễn Thị Thu Thủy, Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Phát triển khung trình độ quốc gia là xu hướng quốc tế trong cải cách hệ thống giáo dục đào tạo… Hiện nay, Việt Nam cũng đang tiến hành các quy trình phát triển khung trình độ quốc gia.

Chủ trương này có thể được xem như giải pháp chính sách giải quyết dần những thách thức nêu trên trong đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trong bối cảnh hội nhập. 

Tuy nhiên, đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngoài vấn đề đảm bảo chất lượng, cần quan tâm tới những thách thức về khả năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động không chỉ từ giới tuyển dụng của Việt Nam, mà còn trong cả khu vực. Hiện tại, khung trình độ quốc gia về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch vẫn đang trong quá trình xây dựng…

N.Nguyễn
.
.
.