Cha, người thầy đầu tiên của tôi

Thứ Năm, 30/04/2020, 17:02
Vào một buổi tối tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã được biểu diễn bài “Inh lả ơi”. Lúc đánh xong, tôi luống cuống nhảy xuống suýt ngã trong tiếng cười của cả rạp. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên trong đời tôi.

Khi tôi lên bốn, năm tuổi gì đó, bố tôi đã dạy tôi bấm những nốt đầu tiên đàn piano “Đồ Rê Mi con chim ri...”. Vào một buổi tối tại Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi đã được biểu diễn bài “Inh lả ơi”. Vì tôi còn bé quá, nên bố tôi phải kê thêm hai cái ghế con cho vừa. Lúc đánh xong, tôi luống cuống nhảy xuống suýt ngã trong tiếng cười của cả rạp. Đây là buổi biểu diễn đầu tiên trong đời tôi.

Ý  định cho tôi nối nghề sáng tác, bố tôi đã ấp ủ từ lâu. Lúc đó khoảng năm 1967-1968, bố tôi thường chọn những bài thơ thiếu nhi hoặc tự nghĩ ra lời bắt tôi phổ nhạc. Bài đầu tiên mà tôi còn nhớ là bài “Cây tre”, phổ thơ Trần Đăng Khoa, lúc đó cũng trạc bằng tuổi tôi lên 9, 10 gì đó. Tôi viết theo nhịp 3/8. 

Có một hôm, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đến nhà chơi, bố tôi bảo đánh cho bác nghe và bác đã sửa thành nhịp 3/4 “cho nó nhịp nhàng hơn” (tôi nhớ bác bảo thế).

Suốt trong thời gian đi học, khi nhỏ theo Trường nhạc sơ tán lên Bắc Giang, về Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), rồi lại lên Bắc Giang, sau đó ra nước ngoài học khá lâu (chín năm), bố tôi luôn theo sát việc học tập của tôi, nhưng hình như chưa một lần ông dạy tôi phải làm thế này, phải làm thế kia một cách cụ thể cả. 

Theo tôi hiểu, vì một phần ông tôn trọng các thầy giáo ở trường, phần khác ông muốn tôi phải độc lập ngay từ bé và chịu trách nhiệm về công việc của chính mình. Điều này tôi ngày càng thấu hiểu và nghĩ rằng cha tôi là một nhà sư phạm lớn, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nhạc sĩ sáng tác và dạy nghề cho con.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, thủa ấu thơ trong vòng tay của cha - nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Những sáng tác của tôi ông đều biết và nghe, khi thì qua băng, xem tổng phổ, có lúc thì nghe tôi trực tiếp biểu diễn. Nhưng tôi có một nhận xét là hình như ông chỉ nghe và ghi nhận thế thôi, chứ chưa một lần ông khen tôi hoặc tỏ ra thỏa mãn về kết quả công việc sáng tác của tôi. 

Có người hỏi tôi: “Thế ở nhà bố con có hay trao đối với nhau về chuyên môn không?”. Tôi xin thưa rằng: Không. Ít khi lắm! Bố tôi là người ít nói, ông không thích nói dài hoặc phân tích nhận xét bằng lý lẽ. Nhưng tôi chắc là trong thâm tâm ông luôn nghĩ về tôi, hồi hộp về các hành vi đôi khi “liều lĩnh, phiêu lưu” của tôi như một nhạc sĩ trẻ.

Một đôi lần, có ai đó khen tôi rằng: Cháu nó học giỏi, cháu nó khá lắm… trước mặt bố tôi và tôi. Lúc đó hình như ông vui vui và nói ấp úng: “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nói xong ông cười, còn tôi hiểu đó như một ý nguyện, ý nguyện của lớp nhạc sĩ cha anh muốn gửi gắm, mong mỏi, hy vọng vào con cháu mình, vào lớp nhạc sĩ trẻ.

Cha tôi mất ngày 18/5/1991 trong những ngày hè đổ lửa ở Thủ đô Hà Nội. Theo nguyện vọng của ông, gia đình và họ hàng đưa ông về yên nghỉ tại quê nhà, thôn Hoạch Trạch (xưa gọi là làng Vạc), xã Thái Học, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương – nơi ông đã sinh ra vào năm 1922 (Nhâm Tuất) nhuận 2 tháng 5. Chính vì thế nên ông, bà đã đặt tên ông là Nhuận, Đỗ Văn Nhuận. Sau ông đổi bút danh thành Đỗ Nhuận.

Nay ông nằm thanh thản trong nghĩa trang của xã, giữa cánh đồng làng, nơi tuổi trẻ ông từng chăn trâu cắt cỏ, mò cua bắt ốc. Năm tháng tuổi thơ gắn liền với ruộng đồng và sau này tuổi trẻ sống giữa đất Cảng Hải Phòng đã nuôi dưỡng tâm hồn ông trở thành người nhạc sĩ của nông dân – công nhân – người nghệ sĩ đi theo con đường Cách mạng từ rất sớm.

Từ khi bố tôi mất đi, gia đình chúng tôi vẫn sống tại ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học, cùng mẹ, các em và vợ con tôi. Sau khi mẹ tôi mất, chúng tôi cũng đưa bà về quê với ông. Mặc dù ông bà đã đi xa, nhưng cho đến nay trong căn phòng nhỏ bé và ấm cúng giữa lòng Hà Nội chưa khi nào tôi cảm thấy vắng bóng cha mẹ mình, hình như ông đang đi đâu trong một chuyến công tác xa, còn bà vẫn tần tảo thức khuya dậy sớm lo toan cho cả nhà. 

Tôi đã tiếc và ân hận vì khi bố tôi còn sống ít khi hai bố con trò chuyện với nhau nhiều, nhất là về các chủ đề âm nhạc: Từ việc thâm nhập đời sống thực tế đến việc học hỏi dân ca dân nhạc, đến sáng tác các thể loại lớn như khí nhạc, nhạc kịch... Ở ông là cả một kho kiến thức âm nhạc khổng lồ mà ông đã tích lũy trong suốt cuộc đời mình. 

Chính vì thế, để một phần nào chuộc lỗi với bố, tôi đã dành một thời gian đáng kể khôi phục các tác phẩm âm nhạc của ông, thu thập tài liệu, hồi ký, các bài viết của ông, dàn dựng các Đêm nhạc Đỗ Nhuận, chương trình “Con đường Âm nhạc” trên VTV1… và đặc biệt đã xuất bản cuốn hồi ký “Âm thanh cuộc đời” (2003).

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai Đỗ Hồng Quân tại Matxcơva (1977).

Từ năm 2012, tôi đã cùng các nhạc sĩ, nghệ sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam phục dựng lại vở nhạc kịch đầu tiên của Việt Nam, cũng là tác phẩm đồ sộ của ông, đó là Nhạc kịch “Cô Sao”, và tiếp theo là phục dựng vở nhạc kịch “Người tạc tượng” (2019). Cả 2 vở nhạc kịch khi ông còn sống đã biểu diễn nhiều lần, nhưng từ năm 1975 không có điều kiện dựng lại.

Nhìn lại số lượng tác phẩm khổng lồ của ông, từ những ca khúc đầu tay như “Trưng Vương”, “Lời Cha già” (1939), cho đến các tác phẩm lớn ở các thể loại nhạc kịch, giao hưởng, hợp xướng… những ca khúc cuối đời như “Đường bốn Mùa Xuân”… tôi mới thấy mình thật nhỏ bé, và còn phải phấn đấu nhiều như một học trò nhỏ của thế hệ những người thầy như ông.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử này, mỗi khi nghe giai điệu bài “Giải phóng Điện Biên” vang lên sáng sớm mở đầu một ngày mới trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi như chợt thấy ông hiện về, nhắc nhở chúng tôi phải “Đi – Đọc – Học – Viết” (phương châm sáng tác của ông) để có những tác phẩm hay và xứng đáng là người nhạc sĩ của nhân dân”.

 Bố tôi là người ít nói, ông không thích nói dài hoặc phân tích nhận xét bằng lý lẽ. Nhưng tôi chắc là trong thâm tâm ông luôn nghĩ về tôi, hồi hộp về các hành vi đôi khi “liều lĩnh, phiêu lưu” của tôi như một nhạc sĩ trẻ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân
.
.
.