Câu chuyện về bảo tồn ngôn ngữ “Đức lai” trên đất Mỹ

Thứ Ba, 06/08/2019, 21:25
Có một thứ ngôn ngữ được gọi là tiếng “Đức lai” tồn tại trên đất Mỹ. Nghe có vẻ lạ lẫm, nhưng sự thật là ngôn ngữ địa phương này đã được sử dụng trong một bộ phận người Đức nhập cư vào Mỹ từ cách đây hơn 300 năm. 

Hơn 300 năm trước, một số lượng lớn người Đức đã vượt Đại Tây Dương để hướng tới Mỹ, cụ thể là Pennsylvania, một vùng đất mà họ tin rằng sẽ mang đến cuộc sống mới đầy hứa hẹn.

Sinh sống ở nơi đa sắc tộc, những người này một phần muốn hoà nhập, nhưng phần còn lại thì chưa thể quên đi nền văn hoá cũ. Do đó, họ đã tạo ra một thứ ngôn ngữ địa phương pha trộn với tên gọi là Pennsylvania Dutch (tiếng Đức lai chút tiếng Anh vùng Pennsylvania).

Những ngôi nhà có kiến trúc và trang trí đặc trưng kiểu Pennsylvania Dutch với những ngôi sao nhiều cánh. 

Tuy nhiên, theo một khảo sát của DW, những người Mỹ gốc Đức hiện nay sống tại Pennsylvania đang rất lo ngại về việc văn hoá của cha ông họ, trong đó Pennsylvania Dutch là một phần quan trọng sẽ dần bị “nuốt chửng” bởi những thứ mang tính tương lai hay phổ biến hơn.

Norman Sunday, một người nông dân gốc Đức (82 tuổi) đến từ phía Đông Bắc Pennsylvania đăm chiêu nhìn ra phía xa nông trại. Ông chia sẻ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ của ông và tới thời ông đều là nông dân, chăn nuôi gia súc ở đây. Nhưng thời con cháu ông sẽ chẳng tiếp tục nốt gót.

Các lễ hội Pennsylvania Dutch hàng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách tới khám phá. 

Giống như nhiều người khác ở hạt Berk, Norman Sunday là hậu duệ của những người Đức ở vùng Palatinate (Tây Nam nước Đức) nhập cư vào Mỹ từ thế kỷ 18. Họ là những người nông dân làm việc chăm chỉ, tin vào chúa và nuôi dưỡng văn hoá Đức. Dù chưa bao giờ đến Đức, nhưng ông được cha mẹ truyền dạy và luôn nhớ đến cội nguồn.

Ngoài các lễ hội hay giảng dạy ngôn ngữ, văn hoá Pennsylvania Dutch còn được quảng bá thông qua các công thức nấu ăn và nhiều món ăn đặc trưng. 

Nắm bắt được vấn đề nêu trên, giáo sư Patrick Donmoyer cũng là một người gốc Đức, thuộc đại học Pennsylvania đã bắt tay vào từng bước để bảo tồn di sản “Pennsylvania Dutch” cho thế hệ tương lai. Ông cùng nhiều người khác xây dựng nên Trung tâm Di sản Văn hoá Đức Kutztown tại hạt Berks. 

Mọi thứ thuộc về văn hoá Đức, do những người gốc Đức nhập cư vào đây để lại đều được trưng bày ở trung tâm. Ngoài những chú thích bằng tiếng Anh, những tấm bảng chỉ dẫn vẫn được viết thêm bằng tiếng Pennsylvania Dutch.

Patrick Donmoyer cũng đồng thời mở lớp dạy thứ ngôn ngữ này tại trung tâm. Ông cho biết, ngôn ngữ nếu được truyền lại thì sẽ không thể "tuyệt chủng". Hiện tại khoảng 40.000 người nói thứ tiếng địa phương này tại Pennsylvania và đâu đó là khoảng 400.000 người trên khắp nước Mỹ.

Hàng năm, trung tâm này cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội lớn để người dân địa phương, con cháu gốc Đức có cơ hội đoàn viên và đặc biệt là thu hút khách du lịch (~130.000 lượt). Tại đây, họ được trải nghiệm văn hoá thông qua ngôn ngữ, âm nhạc, thị giác và các đồ ăn truyền thống.

Ông Patrick Donmoyer hy vọng rằng những cố gắng này sẽ phần nào đó quảng bá và bảo tồn được văn hoá Đức cổ ở Pennsylvania và thứ tiếng Pennsylvania Dutch. Hơn hết, những nỗ lực này biết đâu có thể giúp gắn kết, thắt chặt mối quan hệ giữa người dân hai nước Mỹ và Đức. 


Linh Đan
.
.
.