Cậu bé bán kẹo dạo tạo nên phép màu

Thứ Hai, 15/01/2018, 15:02
Đoàn Công Chung vốn là một cậu bé quê nghèo xứ Thanh. Để có tiền ăn học, Chung từng làm đủ thứ việc, từ làm ruộng, phụ quán cơm, bưng bê cà phê cho tới lang thang bán kẹo dạo. Đến hôm nay, ở tuổi 21, Chung không chỉ sở hữu những thành tích đáng nể: Top 30 lập trình viên triển vọng châu Á, Top 100 lập trình viên triển vọng thế giới… Chung còn ấp ủ khát vọng khẳng định vị thế về công nghệ Việt Nam trên thế giới, xây dựng mô hình giáo dục linh động, phù hợp, hiệu quả cho các bạn trẻ nghèo, vùng sâu vùng xa.

Những ngày này, Đoàn Công Chung vô cùng bận rộn. Chung vừa cùng ê kíp của mình tất bật lo ấn hành tự truyện “Cậu bé bán kẹo dạo tạo nên phép màu”, vừa hoàn tất hồ sơ thủ tục xin visa đi Mỹ du học vào tháng 4/2018, chạy rốt – đa cho Cgroup và vô vàn công việc khác để kịp ra mắt Cphone vào cuối năm 2018. Ôm đồm nhiều việc cùng một lúc nhưng Chung vẫn vô cùng tự tin. Chung chia sẻ rất thật rằng cậu đã quá quen với việc phải làm nhiều việc cùng lúc.

Chung sinh ra trong 1 gia đình nghèo ở Quảng Xương, Thanh Hóa. Để có đủ tiền trang trải cuộc sống và chi phí cho việc ăn học, từ năm học lớp 5, Chung đã cùng mẹ, chị gái đi bán kẹo dạo. Vào mùa hè, bãi biển Sầm Sơn tấp nập khách là địa điểm lý tưởng. Lần đầu đến đây, Chung cũng nhủ thầm: bãi biển nhiều khách thế, 3 mẹ con sẽ bán được nhiều kẹo. Nhưng thực tế không như mong đợi. Có những ngày, số người mua kẹo chưa đủ mười đầu ngón tay. Trời nắng, bụng đói, nhìn những đứa trẻ cùng trang lứa được bố mẹ bao bọc, cho đi nghỉ mát ngày hè, cậu tủi thân, ngồi gốc cây khóc một mình. Nếu lỡ gặp người quen là cậu tìm cách trốn chạy vì xấu hổ. 

Đoàn Công Chung trong buổi ra mắt tự truyện

Dịp Tết, Chung càng tủi thân hơn. Khi nhà nhà nô nức chuẩn bị đón xuân thì 3 mẹ con Chung lại khăn gói lên Hà Nội bán kẹo dạo. Thông thường, chuyến đi kéo dài từ ngày cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) cho đến tận mùng 6 Tết. Có năm, Chung lang thang bán ngoài bờ Hồ còn bị gom về Trung tâm bảo trợ xã hội Đông Anh, Hà Nội. Chuyện cậu đi bán kẹo dạo bị cả trường biết. Nhiều bạn trêu chọc, thậm chí dè bỉu. Cũng khoảng thời gian này, cha cậu mắc trọng bệnh. Rất may, Chung được mẹ, thầy cô và một số người hảo tâm giúp đỡ.

Những năm cuối cấp 3, Chung bắt đầu kiếm thêm thu nhập từ công việc gia sư. Năm lớp 12, các bạn đổ xô đến các trung tâm luyện thi thì Chung mày mò tự ôn luyện với công cụ hỗ trợ là chiếc máy laptop nối mạng internet của chị gái. Một lần lướt web, vô tình gặp thông tin tuyển trợ giảng cho những giáo viên dạy online với công việc chính là giải bài tập và soạn bài cho các thầy cô, Chung lần mò số điện thoại của thầy giáo, xin việc và được phân công hỗ trợ thầy giảng dạy môn Toán với mức lương 600.000 đồng/tháng. Cộng thêm tiền làm gia sư trực tiếp, mỗi tháng, Chung đã kiếm được 900.000 đồng. Kết thúc kỳ thi đại học, trong thời gian chờ kết quả, Chung mở lớp dạy online, nỗ lực kiếm tiền để chuẩn bị trang trải cho những năm tháng học đại học.

Trúng tuyển vào đại học Bách Khoa, hàng ngày lên giảng đường, về ký túc xá lại miệt mài với công việc trợ giảng online nhưng ngay cả lúc ngủ, cậu sinh viên Đoàn Công Chung vẫn không ngừng nghĩ về vấn đề tiền bạc. Hà Nội cái gì cũng đắt đỏ. Thu nhập làm thêm 800.000 đồng không đủ trang trải sinh hoạt, học tập, Chung chỉ dám ăn cơm với muối vừng và ruốc mẹ gửi lên mà vẫn cảm thấy không ổn. Một lần nghe thầy giáo ở phòng công tác sinh viên trao đổi về học bổng, Chung nhờ thầy cho thông tin. Những cuộc “săn học bổng” của “vua săn học bổng” Đoàn Công Chung cũng bắt đầu.

 Trong khi bạn bè chỉ chú tâm vào các học bổng lớn thì Chung thử cơ hội ở hầu hết các học bổng, dù có khi đó chỉ 1 triệu đồng. Cậu nghĩ đơn giản rằng muốn làm việc lớn phải bắt đầu bằng việc nhỏ, cụ thể. Đến nay, học bổng cao nhất, Chung giành được, đã lên đến tiền tỷ.

Đoàn Công Chung tâm sự rất thật rằng: Chị cứ tưởng tượng xem, một cậu bé phải bán kẹo dạo ở một cùng quê nghèo xa tít tắp của xứ Thanh lần đầu được lên máy bay vào TP Hồ Chí Minh hay ra nước ngoài dự hội thảo về công nghệ, cảm giác hồi hộp, lo lắng, vui đến như thế nào? Chính những chuyến đi ấy, những dịp cọ xát thực tế, những lần vào tận nhà máy sản xuất của nước ngoài tham quan, học hỏi đã thổi bùng trong Chung ngọn lửa mãnh liệt về một khát vọng chinh phục thế giới bằng chính thương hiệu công nghệ mang nhãn hiệu Việt Nam.

Tự truyện "Cậu bé bán kẹo dạo tạo nên phép màu"

Từ năm 2016, Chung bắt đầu làm thuê cho công ty tư nhân, viết website, mở lớp dạy cho riêng mình mà đối tượng chính là các học sinh, sinh viên nghèo. Những cuộc “săn học bổng” vẫn tiếp tục được cậu duy trì như một con đường ngắn nhất để có cơ hội mở mang kiến thức một cách ít tốn kém nhất. Đến nay, kết quả Chung mang về không chỉ là vài chục học bổng mà còn rất nhiều thành tựu khác: Top 30 lập trình viên triển vọng của châu Á, Top 100 lập trình viên triển vọng thế giới được Đại học Greenwich tại London – Anh chứng nhận, giải thưởng về công nghệ chuẩn bị trao tại Paris, Pháp, những chuyến đi liên tiếp qua các nước để tham gia hội thảo, học tập kinh nghiệm. Qua các chuyến đi này, đến nay, Chung đã có cơ hội đến tham quan, học tập tại 13 quốc gia trên thế giới. Ngày 14-1, Chung vừa hoàn tất thủ tục làm visa để chuẩn bị sang Mỹ du học vào tháng 4-2018. Đây cũng là một trong số các học bổng mà Chung vừa “săn” được.

Kể về những ngày đã qua, Chung tự tin nhận mình là cậu bé bán kẹo dạo làm nên phép màu. Đây là phép màu mà cậu dành cho chính mình, được tạo nên bởi chính sự nỗ lực của bản thân, cộng thêm một chút may mắn, sự hỗ trợ từ mẹ, từ những người tốt quanh mình. Chung mong muốn, phép màu ấy không dành riêng cho bản thân mà sẽ “chạm” đến được ngày càng nhiều hơn những cô, cậu bé ở các miền quê nghèo trên cả nước. 

Tự truyện “Cậu  bé bán kẹp dạo tạo nên phép màu” của Chung là một trong những nỗ lực để những người học trò nghèo ấy tự tin hơn trong xây đắp ước mơ cho mình. Chung luôn tin, chỉ cần có ước mơ và những ước mơ không chết chừng nào bạn còn nuôi dưỡng nó bằng đam mê. Hiện tại, cậu còn đang nỗ lực vì nhiều phép màu khác. Đó là nỗ lực xây dựng những mô hình giáo dục mới, tiện lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian hơn cho người trẻ, đặc biệt là người trẻ nghèo vùng sâu vùng xa nhờ các ứng dụng công nghệ. Đó còn là những nỗ lực về một dòng điện thoại thông minh mang tên Cphone với những chiếc điện thoại được sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, 100% từ Việt Nam, từ phần cứng cho đến phần mềm. Chung lý giải, C trong Cphone không phải là tên của Chung mà là là C trong chữ cộng đồng. Chung mong muốn đây là chiếc điện thoại  mang tính cộng đồng thật sự thiết thực, với giá bình dân, có thể người dân quê ở mọi miền đất nước cũng sẽ có cơ hội sở hữu, dễ dàng sử dụng như một phương tiện giao tiếp, kết nối cộng đồng, kết nối những điều tốt đẹp trong tương lai…

Hoa Nguyễn
.
.
.