Cần xây dựng chiến lược sách quốc gia

Thứ Tư, 18/12/2019, 18:32
Sau 15 năm, tính từ khi Chỉ thị 42-CT/TW được ban hành (năm 2004), tỉ lệ sách bình quân trên đầu người đã tăng đáng kể nhưng hoạt động xuất bản nước ta còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. 

Theo Ban tổ chức hội thảo, đến hết năm 2019, nếu tính cả lượng sách nhập khẩu (khoảng 45 triệu bản), tỉ lệ sách bình quân đã đạt 4,6 bản/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2004. 

Doanh thu toàn ngành khoảng 2.600 tỉ, gấp 6 lần so với năm 2004. Lực lượng in, phát hành hành sách phát triển mạnh với gần 2.000 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành, trong đó có trên 1.800 công ty phát hành, gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản. 

Một số công ty phát hành sách, công ty sách uy tín với thương hiệu mạnh, tham gia tích cực vào hoạt động liên doanh, liên kết, trở thành động lực huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện thực hiện nhiều công trình sách lớn, có giá trị, đồng thời góp phần để các nhà xuất bản tích lũy các lợi ích kinh tế, tạo ra một môi trường xuất bản năng động.

Ngành xuất bản phát triển chưa bền vững dù lượng sách xuất bản mỗi năm đã khá cao

Tuy nhiên, số lượng tên sách được xuất bản hàng năm tăng trưởng chưa bền vững. Mức hưởng thụ bình quân sách/đầu người còn thấp so với yêu cầu, không thực hiện được mục tiêu đạt 6 bản/người vào năm 2010 theo tinh thần của Chỉ thị 42. 

Cơ cấu sách mất cân đối là vấn đề đáng quan ngại. Sách điện tử phát triển còn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số. Năng lực và tiềm lực của ngành xuất bản nhìn chung yếu, đặc biệt là các nhà xuất bản. Năm 2019, tổng doanh thu của các nhà xuất bản trong cả nước chỉ đạt 2.600 tỷ đồng. Trong đó, còn có nhà xuất bản doanh thu dưới 2 tỷ đồng/năm. 

Hệ thống phát hành sách dù phát triển nhanh nhưng còn tiềm ẩn nhiều vấn đề. Rõ nét nhất là tình trạng thiếu sách ở một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Khuynh hướng thương mại hóa, chạy theo lợi nhuận đơn thuần chưa bị đẩy lui mà tiếp tục có những biểu hiện mới phức tạp hơn, nhất là trong hoạt động liên kết.

Tại hội thảo, trên 40 tham luận của các đại biểu đã được các đại biểu chuyển về cho ban tổ chức. Các tham luận tập trung phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế, chỉ ra các cơ hội phát triển và những thách thức tác động tới ngành xuất bản Việt Nam, giới thiệu kinh nghiệm các nước đi trước trong phát triển xuất bản nói chung, chiến lược sách nói riêng. 

Đã đến lúc chúng ta cần có một chiến lược sách Quốc gia với tầm nhìn cho 10 năm, 20 năm thậm chí 30 năm tới.


N.Hoa
.
.
.